Nếu nói anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn thích “đến” với ông Võ Văn Kiệt, thì chỉ đúng về một phía. Mà đó là câu chuyện từ hai phía. Chính ông Sáu Dân, qua lời kể của nhiều anh em văn nghệ sĩ bạn tôi, là ông đã chủ động tìm đến với anh em văn nghệ, cũng vì… thích chơi. Vậy thôi. Mà đó mới là lý do khiến tình bạn giữa ông Sáu và anh em văn nghệ bền chặt đến như vậy.
“Ông Sáu này chơi được lắm”
Anh em văn nghệ, vốn chẳng có chức quyền gì, nhưng lại hay dị ứng với những biểu hiện chức quyền khi đến với mình. Tôi cũng thuộc thành phần đó, nên tôi hiểu. Một người như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, lại càng hiểu. Nhưng anh Nguyễn Quang Sáng đã hơn một lần kể với tôi về những tình cảm thật chân thành của ông Sáu Dân đối với anh, đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đối với nhà thơ Nguyễn Duy, và nhiều văn nghệ sĩ khác.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải), nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bên trái) |
TƯ LIỆU GIA ĐÌNH |
“Ông Sáu này chơi được lắm, mày ơi!”. Anh “Sáng lùn” hay mở đầu câu chuyện với tôi bằng lời chân tình ấy, trước khi kể nhiều chuyện về tình cảm giữa anh và ông Sáu Dân. Tôi tin anh Nguyễn Quang Sáng là người rất thật thà, có sao nói vậy.
Phải bắt đầu từ câu chuyện mở đầu buồn rồi kết thúc vui của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày mới hòa bình thống nhất, tôi biết anh Trịnh Công Sơn là người vui nhất. Vì anh đã khao khát, đã chờ đón, đã sáng tác những tác phẩm tiên báo về ngày này từ nhiều năm trước. Và trong buổi sáng gần trưa ngày 30.4.1975, chính anh Trịnh Công Sơn đã tới Đài phát thanh Sài Gòn và cầm guitar hát vang bài Nối vòng tay lớn với tất cả niềm vui, niềm háo hức đón ngày hòa bình thống nhất.
Vậy mà chỉ sau đó nửa tháng, anh Trịnh Công Sơn đã trở thành nhân vật bị chỉ trích, bị trù úm, bị đe nạt nhiều nhất trên một số diễn đàn tự do sau giải phóng. Những người công kích anh Sơn thì hầu hết từng là “fan” âm nhạc Trịnh Công Sơn. Không hiểu bấy giờ làm sao mà họ “quay xe” nhanh đến vậy. Tháng 5.1975 ấy, tôi đang ở Sài Gòn nên biết chuyện này. Và tháng 6.1975, khi ra Huế thăm một người bạn thân đi kháng chiến ở chiến trường Trị Thiên - Huế, tình cờ trong bữa nhậu anh em chúng tôi hội ngộ, tôi được chính thức gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người mà tôi đã ngưỡng mộ từ vài năm trước, và đã nghe nhạc của anh suốt tháng 5.1975 vừa rồi.
Hóa ra, anh Trịnh Công Sơn đã về Huế để “lánh nạn”. Anh có nhiều bạn bè ở Huế thời chiến tranh như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý… Và anh Trịnh Công Sơn đã sống ở Huế tới năm 1979 mới vào lại Sài Gòn - TP.HCM.
Quá may mắn cho anh Sơn, khi về lại Sài Gòn - TP.HCM, qua giới thiệu đầy thân tình và quý trọng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặp và trở nên thân thiết với Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt. Từ cuộc gặp gỡ đầy yêu thương và may mắn này, ông Sáu Dân đã nhiệt tình và chính thức tỏ lòng yêu quý, kính trọng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và anh Sơn bắt đầu những năm tháng sống vui vẻ thoải mái và tìm lại cảm hứng sáng tác ngay tại Sài Gòn.
Không chỉ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà với nhà thơ Nguyễn Duy, rồi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, khi gặp những khúc mắc đều gặp được ông Sáu Dân và đều được ông ân cần “giải” cho những rắc rối. Như Nguyễn Duy, khi Báo Tuổi Trẻ in bài thơ Đánh thức tiềm lực của anh, dư luận trong ngành tuyên huấn và một số quan chức địa phương đều tỏ ra dị ứng với bài thơ này. Vào lúc đó, chính nhà chính trị, nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt là người đứng ra công khai khen ngợi bài thơ, và như thế, đã khiến tác giả của nó thoát cơn “bĩ cực”.
Không phải ông Sáu Dân chơi với anh em văn nghệ chỉ để “cứu” họ, ông chơi với họ vì niềm vui, vì sự đồng cảm, vì tình anh em, và cũng vì lĩnh vực văn nghệ là lĩnh vực chỉ sau hòa bình thống nhất ông Sáu Dân mới có cơ hội làm quen sâu hơn. Và ông thấy văn nghệ không chỉ là một “mũi tấn công” hay “mũi tuyên truyền” lợi hại, mà đó chính là cầu nối giữa nhân dân và những người lãnh đạo. Một cầu nối đầy xúc cảm, đầy nhân tình, và không hề thiếu trách nhiệm. Người lãnh đạo khi chủ động đến và đi qua cây cầu ấy, họ sẽ tìm thấy khát vọng, tình yêu và mong ước của nhân dân mình. Cả những khúc mắc, thậm chí đau khổ của nhân dân mình cũng được phản ánh rõ ràng qua cây cầu ấy.
Tầm nhìn văn hóa
Nhạc Trịnh Công Sơn trong trẻo, giản dị nhưng có cảm giác điểm nhìn của nhạc sĩ lúc thì từ trên xuống như từ một flycam, lúc lại từ nội tâm nhìn ra như một thi sĩ. Âm nhạc ấy có một sức hút kỳ lạ mà giản dị như không. Phải là một cao thủ trong nghệ thuật mới viết được như vậy. Người ta gọi những nghệ sĩ như thế là những thiên tài. Đó là những người được trao sứ mệnh. Có lẽ vì người nhạc sĩ ấy sáng tác với toàn bộ tâm hồn mình, đớn đau và hạnh phúc, ước mơ và hoang dại. Anh mơ về một quê hương thanh bình, một đất nước thống nhất.
Ông Sáu Dân đã cảm nhận được âm nhạc ấy. Những văn nghệ sĩ tài năng là vốn quý của đất nước. Ông Sáu Dân hiểu sâu sắc điều này. Đó là một người lãnh đạo không chỉ có tầm nhìn chính trị hay kinh tế, mà còn có tầm nhìn văn hóa. Gọi ông Sáu Dân là một nhà văn hóa, dù thời trẻ ông không có điều kiện học hành trường lớp nhiều, là một cách gọi chính xác. Bởi, văn hóa không hẳn chỉ được đo bằng bằng cấp. Sự nhạy cảm cao độ, những trải nghiệm sâu sắc, những suy nghĩ về sự bừng sáng của khí chất con người, tình yêu thương đồng bào mình, những cái đó đều thuộc về trình độ văn hóa, sự uẩn súc văn hóa, và khả năng liên kết văn hóa.
Khi ông Sáu Dân bảo vệ những bài thơ “nói thẳng nói thật” của Nguyễn Duy, chính là ông bảo vệ cho sự phản biện có văn hóa, sự đào xới tới gốc rễ của tồn tại bằng nghệ thuật thơ ca. Đó cũng là hành xử của một nhà văn hóa. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người thân thiết với ông Sáu Dân, từng viết:
“Nói với anh, không ai e dè điều gì, nói không ngại, không sợ. Anh Sáu là một nhà lãnh đạo hết sức dân chủ và dễ gần. Cũng như đêm ở nhà tôi, anh lắng nghe bài thơ của Nguyễn Duy rất chăm chú, thỉnh thoảng lại gật gù, vẻ tâm đắc lắm. Bài thơ Đánh thức tiềm lực anh Sáu đã nghe rồi. Các báo hãy yên tâm!
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
TƯ LIỆU GIA ĐÌNH |
Có một chuyện, trong những ngày chuẩn bị vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, có một câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đóng vai Trưng Trắc, người được chọn là nghệ sĩ Thanh Nga. Râm ran có nhiều ý kiến khác nhau. Có một số ý kiến đưa ra tiêu chuẩn, đóng vai Bà Trưng phải là nghệ sĩ từng hoạt động, lập trường chính trị phải vững vàng. Đây là ý kiến của một số cán bộ cũng cỡ bự, không dễ bỏ qua. Chuyện đến tai anh Sáu, anh Sáu cười nói: “Nếu chọn vai Bà Trưng theo tiêu chuẩn đó, thì phải mời bà Nguyễn Thị Thập hoặc bà Nguyễn Thị Định lên sân khấu”. Mọi người cười xòa.
Vai Bà Trưng của Thanh Nga thuyết phục không biết bao nhiêu người. Cho đến bây giờ chưa có ai thay nổi cố nghệ sĩ Thanh Nga. Những chuyện “gút mắc” như vậy, anh Sáu giải tỏa nhẹ nhàng như không.
Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, anh là người đánh thức tiềm lực của văn nghệ sĩ”.
Tác phong giản dị, dễ gần, hành xử dân chủ, tạo cơ hội giãi bày cho người đối thoại với mình, nhưng những cú “chốt”, những kết luận sắc mạnh, đầy bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, đó là ông Sáu Dân trong quan hệ anh em với văn nghệ sĩ. (còn tiếp)
Võ Văn Kiệt - Người tiên phong
Bình luận (0)