Vũ khí phương Tây sẽ gặp khó khăn gì trong chiến sự Ukraine?

22/04/2022 14:53 GMT+7

Những đợt tiếp tế vũ khí mới nhất đánh dấu bước chuyển của phương Tây đối với xung đột Nga - Ukraine, khi chiến sự sắp bước sang tháng thứ ba.

Từ chỗ lo ngại việc tiếp tế vũ khí cho Ukraine có thể bị Moscow xem là hành động "tham chiến", hiện Mỹ và các đồng minh NATO đã tăng cường gửi xe tăng, máy bay trực thăng và các loại vũ khí hạng nặng khác cho Ukraine, giữa lúc quân đội nước này chuẩn bị đương đầu lực lượng Nga ở khu vực Donbass.

Cộng hòa Czech hồi đầu tháng 4 trở thành quốc gia NATO đầu tiên chuyển giao xe tăng cho Ukraine. CH Czech cũng đã gửi xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và hệ thống pháo cho Ukraine. Slovakia đã cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không tiên tiến S-300, và cũng đang thảo luận với các đồng minh về việc gửi máy bay chiến đấu MiG-29.

Trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 800 triệu USD, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các lựu pháo 155 mm, đạn pháo, xe bọc thép M113 và máy bay trực thăng Mi-17.

Mỹ đang nỗ lực cung cấp các loại khí tài cần thiết cho Ukraine

ẢNH: REUTERS

Rita Konaev, phó giám đốc phụ trách phân tích tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown, nhận định rằng: "Đây là những hỗ trợ chưa từng có. Chúng tôi chưa từng thấy nhiều vũ khí được tiếp tế nhiều cỡ này và nhanh đến mức này. Ukraine đang nhận được một lượng lớn những gì họ cần".

Theo Washington Post, Nga đã chính thức phản đối việc Mỹ và đồng minh tiếp tục "quân sự hóa" Ukraine, cảnh báo "hệ lụy khôn lường" từ những hành động này.

Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nhận định rằng cảnh báo của Nga là chỉ dấu cho thấy việc phương Tây chi viện vũ khí cho Ukraine đang có hiệu quả như dự tính.

Tuy nhiên, dù vũ khí của Mỹ và NATO chắc chắn đã, đang và vẫn sẽ hỗ trợ đắc lực cho quân đội Ukraine, vẫn còn những yếu tố phức tạp cần tính đến.

Các vấn đề bảo trì và sửa chữa khí tài sẽ là một yếu tố cần được quan tâm.

ẢNH: REUTERS

Khi chiến sự đã chuyển từ khu vực đô thị sang các địa bàn hẻo lánh hơn, quân đội Ukraine cũng mất đi lợi thế phòng thủ, và vì vậy khả năng phát hiện và tấn công các hệ thống vũ khí của Nga trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, khả năng này không ổn định, và dù quân đội Ukraine được huấn luyện sử dụng vũ khí mới, hiện vẫn chưa rõ họ sẽ nhận được những hỗ trợ gì về mặt bảo trì.

Những yêu cầu về sửa chữa, thay thế phụ tùng và nâng cấp phần mềm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thiết bị có thể sử dụng được lâu bền trong cuộc chiến chưa thấy ngày kết thúc.

Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng có thể sẽ thiếu đạn, đặc biệt là đạn pháo. CNN dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng 40.000 viên đạn pháo mà Mỹ viện trợ có thể sẽ chỉ đủ cho vài ngày.

Trang tin Vox dẫn lời chuyên gia Rita Konaev nói rằng: "Chúng ta đang tập trung nói về số lượng và chủng loại vũ khí, nhưng chưa nói đầy đủ về khả năng sống sót của trang thiết bị".

Vị chuyên gia này cũng lo ngại rằng Ukraine “không có khả năng bổ sung lực lượng” trong khi “về lý thuyết Nga có thể tiếp tục bổ sung lực lượng ở Ukraine, nếu muốn làm như vậy”.

Vì vậy, giữ cho quân đội Ukraine không bị mất sức chiến đấu sẽ là một yếu tố quan trọng các kế hoạch hỗ trợ của phương Tây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.