Vụ Việt Á, lãng phí đất đai làm nóng nghị trường

03/06/2022 06:52 GMT+7

ĐB Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh, cho rằng vụ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, là “lãng phí niềm tin của nhân dân”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ách tắc trong đầu tư, mua sắm công, quy hoạch “treo” hay những vụ việc nổi cộm như Việt Á đã làm lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, cơ hội, thời gian… Đặc biệt, lãng phí niềm tin là rất lớn và khó lượng hóa hết.

Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng để đất hoang hóa, quy hoạch “treo” ở các địa phương. Trong ảnh: Một dự án bỏ hoang tại H.Nhà Bè, TP.HCM

Đình Sơn

“Công ty Việt Á là ai mà quyền lực lớn đến vậy ?”

Ngày 2.6, thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng việc để xảy ra tình trạng kit xét nghiệm Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu (ĐB) Sơn dẫn chứng, theo CQĐT, sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép, từ tháng 4.2020 đến hết năm 2021, Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) chỉ bán kit test cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: "Việt Á là ai, sao lại có quyền lực chi phối lớn đến vậy?"

Theo ĐB Sơn, vào thời điểm cuối năm 2021, khi cả nước chuyển chiến lược chống dịch sang mô hình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, đưa ra yêu cầu về kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động... là chưa thực sự thuyết phục. “Điều này tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ cho nhà nước mà còn lãng phí nguồn lực cho xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh”, ĐB Sơn nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch “treo” ở các địa phương

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

Trong khi đó, ĐB Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh, cho rằng vụ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, là “lãng phí niềm tin của nhân dân”.

ĐB Tuấn phân tích, đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho VN khi đã có hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em chịu cảnh mồ côi. Tuy nhiên, ĐB Tuấn cho rằng nỗi đau lớn nhất là trong khi cả hệ thống chính trị - nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả những người hy sinh tính mạng để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực.

“Họ vô cảm trước nỗi mất mát của đồng bào mình. Họ biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền. Trong số đó có cả những người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ”, ĐB Tuấn cho biết và nói thêm, chỉ mới đây thôi chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng huân chương lao động nhưng trong chớp mắt, một cơn đại dịch Covid-19 đi qua, họ phải đối diện với luật pháp do những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy “mưu hèn, kế bẩn” của Việt Á. Theo ĐB Tuấn, chính những người này đã làm hoen ố chiếc áo blouse trắng đang khoác trên người, làm lãng phí niềm tin của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận: "Hàng nghìn ha đất bỏ hoang, dân thì ngủ gầm cầu"

Sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội về giảm thuế xăng

Giải trình trước QH về vấn đề rất nóng hiện nay liên quan đến giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giảm thuế để giảm giá xăng, dầu là một trong nhiều giải pháp. Quan điểm của Bộ Tài chính là muốn giảm thì phải đồng bộ. Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động rồi báo cáo với Chính phủ, QH. Theo Bộ trưởng Tài chính, hiện tại, giá xăng tại VN đang thấp hơn Lào 11.000 đồng/lít, Campuchia 3.000 đồng/lít, Thái Lan cũng thấp hơn… Nên ông Phớc đề xuất cần có giải pháp đồng bộ, chống buôn lậu. Vì không cẩn thận, khi giảm giá xăng thấp, thì xăng lậu chảy sang bên kia.

Từ thực tế này, ĐB Tuấn cho rằng cần phải làm rõ, liệu có phải quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe nên hàng loạt cán bộ ngành y sai phạm? Theo ông Tuấn, trong vụ Việt Á, những người sai phạm ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở bộ, ngành T.Ư nhưng cách thức sai phạm giống nhau. “Nếu thực sự như thế thì còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?”, ĐB Tuấn nêu câu hỏi và đề nghị làm rõ: “Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?”.

Một dự án bỏ hoang ở TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Đình Sơn

“Hàng nghìn héc ta đất bỏ hoang, dân thì ngủ gầm cầu”

Bàn về lãng phí do quy hoạch treo, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu thực trạng hàng nghìn héc ta đất bỏ hoang, trong khi hàng chục nghìn hộ dân phải ngủ ở ven sông, gầm cầu.

Theo ĐB Hận, đây là vấn đề “biết rồi, nói mãi nhưng không nói không được”. Bởi không chỉ phản ánh của cử tri, báo cáo của nhiều cơ quan giám sát, ngay cả chính quyền các cấp cũng thừa nhận lãng phí nghiêm trọng trong quy hoạch treo. Điều đáng nói, dù bức xúc như vậy nhưng năm tháng trôi qua, các dự án “treo” vẫn “trơ mình cùng tuế nguyệt”.

Đã giải ngân 22.000 tỉ đồng gói phục hồi kinh tế

Báo cáo giải trình trước QH, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành 11/14 văn bản theo kế hoạch. Còn 3 văn bản chưa ban hành gồm trình tự, thủ tục chỉ định thầu trong cơ chế đặc thù đầu tư cao tốc Bắc - Nam và 2 thông tư sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ và viễn thông công ích khoảng 10.000 tỉ đồng. Trong tổng nguồn lực gói hỗ trợ 347.000 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 22.000 tỉ đồng. Trong số này, có 134.000 tỉ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng đang bị chậm vì trình tự, thủ tục phải theo luật Đầu tư công. Bình thường các dự án đưa vào danh mục đầu tư công để đầu tư cũng phải mất 1 năm rưỡi. Hiện nay, các danh mục đã được gửi cho các bộ, ngành và địa phương. Sau đó sẽ tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH.

Theo ĐB Hận, ông bà ta có câu “tấc đất, tấc vàng”, nhưng nhiều dự án treo, hàng tỉ tấc đất bỏ hoang làm lãng phí bao nhiêu tấc vàng. “Hàng nghìn héc ta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai quy hoạch, trong khi hàng chục nghìn hộ dân không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập”, ĐB Hận nói.

Từ thực trạng này, theo vị ĐB của đoàn Cà Mau, rất cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố kéo dài. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn về nhu cầu xã hội, nguồn đáp ứng khả năng triển khai để có quy hoạch phù hợp, khả thi có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Cũng nêu vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập; trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản; việc xác định giá trị quyền sử dụng đất; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai; tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích…

ĐB Tạo đề nghị cần làm rõ khái niệm “giá thị trường” khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.

“Để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch “treo” ở các địa phương. Đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội”, ĐB Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á

TTXVN

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. “Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất... Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng”, ĐB Thúy nhấn mạnh, song cho rằng vừa qua quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.

Vẫn hiểu và làm khác nhau trong chi ngân sách

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu tình trạng một số địa phương phải tìm cách “lách” để sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các công trình nâng cấp, cải tạo mở rộng mang tính cấp thiết, sử dụng vốn không lớn… vì nếu bố trí từ nguồn vốn đầu tư công thì sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục. Ngược lại, một số địa phương khi dùng vốn đầu tư công cho việc cải tạo, nâng cấp thì lại được nhắc nhở, yêu cầu dùng nguồn chi thường xuyên với lý do là việc cải tạo, nâng cấp không mang tính đầu tư. Ông Hậu cho rằng điều này cho thấy có những cách hiểu, cách làm khác nhau giữa các địa phương; sự không khớp giữa yêu cầu của thực tế và cách thực thi ở địa phương với quy định và quản lý của T.Ư. Từ đó, ĐB Tây Ninh đề nghị Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ, “lắng nghe kỹ lưỡng” những phản ảnh của các địa phương để đưa ra những quy định phù hợp nhằm vừa giữ kỷ cương trong sử dụng ngân sách, tránh để thất thoát, lãng phí, vừa phát huy sự chủ động, năng động; tính chịu trách nhiệm của các địa phương trong điều hành linh hoạt ngân sách sao cho hiệu quả nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.