‘Vua vàng bạc đá quý’, ông chủ Masan và các doanh nhân hiến kế vượt dịch Covid-19

Anh Vũ
Anh Vũ
13/03/2020 21:21 GMT+7

Sự chủ động, đưa ra nhiều phương án "tác chiến" cho kịch bản xấu nhất… cùng những chính sách tháo gỡ trực diện của Chính phủ, theo đề xuất của các doanh nhân, sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin, vượt qua được đại dịch Covid-19 .

Ông “vua đá quý”: Chủ động xoay sở, không hoảng loạn

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các Tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm hiến kế, sáng tạo vượt qua đại dịch Covid-19 hôm qua, 12.3, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) Đỗ Minh Phú, cũng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, cho biết rất nhiều khó khăn, rất nhiều sóng gió trước tâm bão Covid-19, song bản thân ông hoàn toàn tin tưởng Chính phủ sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
“Niềm tin này vô cùng quan trọng, giúp tránh tình trạng hoảng loạn, không có tình trạng đóng băng. Tôi tìm thấy được niềm tin ở Chính phủ và chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn này”, ông Phú bày tỏ.
Vẫn theo ông Phú, kể từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, tại TPBank, không ít doanh nghiệp (DN) đến kỳ trả nợ gặp khó khăn. Đặc biệt, khối DN vừa và nhỏ (SME) - vốn đang tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động, vô cùng lớn. Từ những khó khăn đó, ông Phú đề xuất một số chính sách liên quan đến 2 gói cứu trợ gồm: gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói tài chính khoảng 30.000 tỉ đồng.
Với gói tín dụng 250.000 tỉ đồng, người được mệnh danh “vua đá quý” Việt Nam cho biết, các ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ giảm lãi suất cho DN. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành tại Thông tư 39 và 02, khi điều chỉnh lãi suất thì phải cơ cấu lại nợ, xếp nhóm nợ lên cao hơn.
Theo ông Phú, riêng việc xếp nhóm nợ lên mức cao hơn, ảnh hưởng khá lớn cho các DN, khó tiếp cận vốn tín dụng. Hiện, gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng trên tổng dư nợ hiện tại của nền kinh tế khoảng 8,19 triệu tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 3%. Giải quyết được số nợ này thì có thể giảm được lãi suất, tuy nhiên khó khăn là 8,19 triệu tỉ đồng có thể đến hạn mà chưa chắc đã được thanh toán.
“Chúng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, miễn giảm lãi suất, đồng thời cho phép các ngân hàng chủ động xếp nhóm nợ và không yêu cầu phải chuyển nhóm nợ là một việc quan trọng”, ông Phú đề nghị. 
chúng tôi đã chủ động tính rằng giảm phần lợi nhuận của mình để bù đắp cho các doanh nghiệp

Chủ tịch HĐQT TienPhongBank, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Doji Đỗ Minh Phú

Ảnh Tiêu Phong

Đối với gói chính sách tài khoá 30.00 tỉ đồng, trên thực tế, theo ông Phú, là để giải quyết việc cho phép giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, tiền thuế đất mà dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng để ban hành Nghị định.
“Nếu trong trường hợp này, chúng ta chỉ áp dụng cho một số ngành nghề dệt may, da giày như dự kiến thông báo, thì quả thực rất khó. Bởi vì ảnh hưởng tác động của thuế giá trị gia tăng, ảnh hưởng tác động của việc không có nguồn thu là với cả nền kinh tế. Nếu đã cho phép thì cần cho phép tất cả các doanh nghiệp, được phép kéo dài, giãn, hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Điều này là cần thiết vì nó tác động liên đới với nhau”, ông Phú nói.
Ngay lúc này, ông Phú cũng cho rằng, cần phải quyết liệt, chủ động và hoạch định chính sách tới tầm nhìn xa hơn. Theo đó, DN cần tính tới các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Chúng tôi cho rằng, đã có nhiều khách hàng châu Âu, khách hàng từng sinh sống ở châu Âu cho rằng các nước châu Âu, các nước EU thực sự là mối đe dọa, bởi vì họ quá lỏng lẻo, khả năng phát tán dịch là rất cao. Bởi vậy, cần biện pháp quyết liệt hơn, nhưng đồng thời các nước có mức kiểm soát tốt cần xây dựng kịch bản để khi chúng ta kết thúc dịch, họ cũng giống như Việt Nam - giả sử là Trung Quốc, các tỉnh biên giới sẽ được tạo điều kiện để tăng khách du lịch, bảo đảm an toàn ở khu vực đó”, Chủ tịch TPBank gợi mở. 

Thời cơ tốt thúc đẩy thương mại điện tử

Nhìn nhận trong nguy nan lại có những cơ hội, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho biết để hạn chế tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, sốt giá thì các nhà máy chế biến thực phẩm của DN đang chạy hết công suất, đặc biệt là thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là thời cơ rất tốt để thúc đẩy thương mại điện tử.
“Tập đoàn đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn được phục vụ, chứ không cần trực tiếp đến siêu thị”, ông Quang nói. Đặc biệt, lãnh đạo Masan cho hay, với xuất khẩu thì đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng nhiều ngành đặt ở Trung Quốc bắt đầu gặp vấn đề.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang muốn đẩy mạnh thương mại điện tử vượt qua đại dịch Covid-19

Ảnh Masan

Cần có biện pháp truyền thông giải toả tâm lý, chống hoang mang

Mặc dù bày tỏ trăn trở trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, tuy nhiên, một lãnh đạo của Công ty Du lịch Vietravel cho biết, công ty vừa đưa ra chương trình “Việt Nam an toàn” để giải toả sức nén tâm lý.
Vị này cũng đề nghị cần có biện pháp truyền thông giải tỏa tâm lý, chống hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi. Một số doanh nhân khi được hỏi cũng chia sẻ, để xoay sở, họ đã chủ động chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho các công nhân lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.
Cánh chim đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ - CTCP FPT, cũng đang chuyển mình bằng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao. Tập đoàn này vừa cùng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế cho ra mắt Trợ lý ảo (Chatbox), hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (gây ra bệnh Covid-19).
Bên cạnh đó, FPT cũng ra quyết định “Phân tách địa bàn làm việc và thay đổi phương thức làm việc”. Theo đó, trong thời gian từ 12 - 26.3, các đơn vị, phòng ban từ trụ sở chính đến chi nhánh thuộc FPT Telecom… sẽ thực hiện thử nghiệm kế hoạch này. Cụ thể, FPT tách 15% - 50% quân số của đơn vị làm việc tại một địa điểm văn phòng khác, hoặc làm việc từ xa trong thời gian 14 ngày/đợt.
Hết mỗi đợt sẽ thực hiện phân tách nhóm tiếp theo. Việc phân tách phải làm triệt để, các trao đổi, tương tác được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Phó tổng giám đốc FPT Hoàng Việt Anh cho biết, Covid-19 là dịch bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam và thế giới, đang tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế các nước, nhưng đây cũng là cơ hội để các DN nói chung và FPT nói riêng phải tìm mọi cách để sáng tạo đảm bảo hoạt động của công ty được vận hành bình thường trong điều kiện dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.