Dù rau xanh trở nên thiếu thốn trong thời gian TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng bữa cơm của gia đình anh Tuấn vẫn đủ rau. Điều đó không chỉ giúp cho mọi người cảm thấy thoải mái hơn trong tình cảnh bộn bề lo lắng mà đặc biệt còn giúp hai con nhỏ đảm bảo dinh dưỡng, thêm sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19.
Có công… làm đất có ngày… rau xanh
Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, nhìn vườn hành củ mơn mởn của anh Tuấn, ai cũng… “thèm thuồng”, hệt như thèm món “kháng sinh tươi xanh” trong những ngày ốm bệnh thật khó khăn. Để có thể có được cả một vườn rau… mơ ước như thế, cho rau liên tục trong không gian nhà phố nhỏ, anh Tuấn phải đã chăm chút từng ngày.
|
Với anh Tuấn, quan trọng nhất là công đoạn tỉ mẩn làm đất, cụ thể là mua sẵn đất trộn hoặc phân hữu cơ cũng tốt nhưng chi phí cao và trải nghiệm làm vườn lại không có nhiều bằng tự làm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Tuấn nói: "Ở nhà phố không gian và đất trồng không được thuận lợi như ngoại thành hoặc ở quê. Thế nên để có thể tạo được vườn rau ăn đúng nghĩa (đủ rau, ăn ngon, ăn sạch) thì đất phải thực sự tốt. Đầu tiên, đất sạch mua về trộn với phân bò đã xử lý, thêm vào ít vôi bột, lân và ít vỏ trấu. Sau đó ủ khoảng 10 ngày mới trồng. Quá trình ủ đất cũng là quá trình ươm cây giống. Sau khi ủ thì đánh cây ra trồng".
Với công đoạn bón phân, anh Tuấn cũng ự ủ phân đạm cả để bón nhằm cho rau được sạch, không phải dùng phân hoá học, tiết kiệm chi phí khá nhiều. "Làm đất, ươm giống, trồng rau, bón phân rồi thì chăm rau cũng phải tốt. Để rau lớn nhanh thì phải chăm tưới. Nước sẽ mỗi ngày tưới hai lần sáng, tối ( tranh thủ trước khi đi làm và sau khi đi làm về). Mỗi tuần tưới phân hữu cơ một lần, trước 10 ngày thu hoạch thì dừng tưới phân. Bình thường hạt giống có thể mua ở những địa chỉ uy tín theo giới thiệu trên mạng. Những ngày này đi lại khó khăn, mọi shop đóng cửa thì có thể tự ươm mầm hạt gối đầu, đang trồng lứa này sẽ ươm hạt lứa kia. Sau khi thu hoạch sẽ có cây con trồng liên tục. Một số loại như rau muống, rau mồng tơi thì có thể giâm gốc tạo cây mới - ngọn lấy ăn, gốc giâm vào đất gây cây mới…", anh Tuấn chia sẻ thêm.
|
|
|
|
Những điều thiết yếu thật nhỏ bé trong dịch bệnh
Nhiều người ngưỡng mộ tưởng rằng nhà của anh Tuấn có cả một không gian rộng rãi để trồng rau nhưng tất cả chỉ vỏn vẹn nằm ở trong 20 chậu lớn, 30 chậu nhỏ đặt trước cửa nhà và trên ban công. Mỗi ngày một vài chậu là đủ rau cho bữa ăn và cứ 2 tuần 1 lần là rau gieo trồng, giâm gốc được thu hoạch.
|
|
Sinh ra tại vùng nông thôn Bắc Bộ ở tỉnh Ninh Bình, anh Tuấn luôn “khát không gian xanh” trong nhà khi vào lập nghiệp tại TP.HCM. Do đó, dù bận rộn với làm việc trong một cơ quan nhà nước nhưng anh Tuấn vẫn dành thời gian để tạo dựng khu vườn riêng.
Anh tận dụng mọi thứ để có thể trồng rau xanh, từ những chiếc chậu lớn bé, thùng xốp đến cả các… vỉ vận chuyển trứng của tiểu thương ngoài chợ. Với những chiếc chậu, thùng, anh Tuấn dùng để trồng các loại rau như rau muống, mùng tơi, cải bẹ… Anh Tuấn tận dụng các vỉ trứng để trồng hành tím, còn chậu nhỏ thì dùng để ươm rau mầm. Rau mầm thì cứ 5 ngày là 1 lần thu hoạch, mồng tơi thì 2 tuần còn cải bẹ, rau muống thì 3 tuần. Cứ theo “tuổi đời” của từng loại rau củ mà xen kẽ để ngắn dài thu hoạch cho đủ rau ăn mỗi ngày.
|
|
Lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát, anh Tuấn cần mẫn tạo vườn vì yêu thích việc trồng trọt. Tuy nhiên thời gian eo hẹp nên anh chỉ duy trì được vài loại rau phổ biến. Khi phải ở nhà nhiều hơn vì lệnh giãn cách xã hội, anh lại mày mò trồng thêm nhiều loại rau. Giờ đây, vườn rau nhỏ ngày nào cũng mơn mởn tươi xanh không chỉ giúp vợ chồng anh Tuấn "chống chọi" qua những ngày nguồn thực phẩm thất thường, thiếu thốn mà còn là không gian vui chơi cho con nhỏ.
|
Vườn rau xanh - câu chuyện nhỏ của anh Tuấn ban đầu vì đam mê sau vì nhu cầu và chỉ khi vào dịch mới thấy những vuông xanh nhỏ bé như đồ chơi này thực sự là thiết yếu, thậm chí là cứu cánh. Thế mới thấy, hoá ra, thiết yếu là những thứ rất nhỏ bé trong đời sống của từng người, nhiều khi không để ý, không thể kể tên nhưng khi lâm vào tâm dịch mới thấy được giá trị thật sự quý báu như thế...
Bình luận (0)