“…Gia đình (ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã hết sức chữa chạy cho tôi khắp nơi, từ Hà Nội rồi TP.HCM, nhưng đôi mắt của tôi không nhìn thấy được nữa. Tôi trở thành người mù lòa kể từ đó. Quả là một cú sốc quá lớn đối với tôi khi mà bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ giờ phải gác lại”, anh Duệ nhớ lại thời điểm anh sống trong sự đau khổ, chán nản với cuộc đời vì chỉ thấy trước mắt mình một màu đen tối. Anh nghĩ cuộc đời mình cũng tăm tối như vậy nên có những lúc suy nghĩ rất tiêu cực, tự ti, mặc cảm với gia đình và cộng đồng xã hội.
Nhưng rồi anh đã không đầu hàng số phận. Hơn ai hết, anh hiểu cuộc sống của mình tốt xấu ra sao sẽ do mình quyết định, và nghĩ mình phải làm một điều gì đó để xóa đi mặc cảm của bản thân, hòa nhập với cộng đồng như tác giả Nick Vujicic viết trong cuốn sách Sống cho điều ý nghĩa hơn. Anh nhớ đến câu nói của ai đó: “Nếu muốn xã hội thay đổi cách nhìn về người khuyết tật, thì trước tiên chính người khuyết tật thay đổi cách nhìn về bản thân mình”. Thế là anh tích cực rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe tốt. Thấy anh có năng khiếu nên chính quyền địa phương đã giới thiệu anh vào câu lạc bộ thể thao người khuyết tật huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Bước ngoặt cuộc đời từ thể thao
Lúc đầu anh Duệ còn e ngại vì nghĩ mình là người khiếm thị, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè và các thành viên trong ban huấn luyện, anh được tiếp thêm nghị lực, ngày đêm luyện tập. Năm 2004, anh quyết định tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và đoạt huy chương bạc; rồi anh tiếp tục đoạt huy chương bạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc năm đó. Thành tích ấy có ý nghĩa quan trọng đối với anh, anh thấy mình tự tin hẳn lên. Đây cũng là bước ngoặt cuộc đời anh.
Sau khi tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc về, anh đã xin gia nhập Hội Người mù huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đến nay được hơn 17 năm. Năm 2008, anh được Hội Người mù huyện Triệu Phong cho đi học tại Hà Nội về kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Sau khóa học, anh về quê hương hành nghề và tại đây cuộc đời anh lại rẽ sang một trang mới. Hạnh phúc đã mỉm cười với anh, duyên phận đưa đẩy cho anh gặp cô gái cùng cảnh ngộ và tốt bụng ở Hội Người mù huyện Triệu Phong khi cả hai cùng sinh hoạt tại đây. Và tình yêu của họ bắt đầu nảy nở. Vượt qua bao nhiêu sóng gió, họ đã cùng nhau xây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc lớn nhất là đến nay anh chị có 2 đứa con chăm ngoan, khỏe mạnh.
|
Anh Duệ tâm niệm, dù là người khiếm thị cũng không nên ỷ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Và nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên, anh chủ động mở rộng các mối quan hệ với các trường học, các đoàn thể trên địa bàn huyện Triệu Phong nhằm tiêu thụ sản phẩm. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay cơ sở sản xuất của Hội Người mù Triệu Phong được mở rộng, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động người mù và người khuyết tật.
Những năm qua, anh Duệ luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị Chủ tịch Hội Người mù huyện Triệu Phong. Thấu hiểu nỗi bất hạnh mà mình đã trải qua, anh dành nhiều thời gian để động viên, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Anh đã vận động nhiều nguồn lực từ các cơ quan, ban ngành đoàn thể đến các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho hội.
Một trong những đóng góp ý nghĩa của anh Trịnh Minh Duệ với Hội Người mù Triệu Phong là triển khai thực hiện cuộc vận động xóa đói giảm nghèo có sức lan tỏa trong toàn Hội. Hội xác định rõ muốn xóa đói giảm nghèo trước hết cần phải tạo công ăn việc làm cho người mù. Hội đã phối hợp với tổ chức GCS (Hàn Quốc) tiến hành dự án chăn nuôi bò sinh sản năm thứ 3, vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền đang vay là 204 triệu đồng với 5 dự án...
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế cho hội viên, anh Duệ còn triển khai thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng” do T.Ư Hội Người mù Việt Nam phát động. Anh thường xuyên động viên mọi người tham gia học tập, đọc sách báo chữ nổi, nghe sách nói để tìm hiểu, học tập các tấm gương người mù làm ăn giỏi. Bản thân anh trực tiếp đi học lớp “Chương trình dạy chữ Brail dành riêng cho người mù” tại Hà Nội, sau đó anh về mở lớp truyền thụ lại cho mọi người.
Vẫn biết rằng số phận đã không cho anh Duệ một đôi mắt sáng, nhưng bằng những nỗ lực vươn lên không biết mệt mỏi, anh đã tự bù đắp cho mình niềm tin, sự lạc quan để vượt qua nghịch cảnh, nuôi lớn ước mơ từ đôi mắt mù lòa và luôn nở nụ cười trên môi với cuộc đời. Gặp những tấm gương khiếm thị vượt khó như vợ chồng anh Duệ, tôi đều nhận thấy ở họ một nghị lực phi thường. Những thiệt thòi, những bất hạnh đã khiến họ sống như một người bình thường đã khó, vậy mà họ đã vượt lên trên nỗi bất hạnh để khẳng định mình, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
|
Bình luận (0)