Bắc Giang đã qua lâu rồi những ngày “tâm dịch”. Kể về câu chuyện của Trần Tuấn Anh, tôi muốn thể hiện lòng biết ơn đến tình nguyện viên đặc biệt này, cũng như rất nhiều y bác sĩ và các tình nguyện viên khác đã bền bỉ hy sinh, chung sức chung lòng giúp Bắc Giang vượt qua những tháng ngày nguy khó vì dịch bệnh Covid-19.
“Xin” làm tình nguyện
Tôi gặp Tuấn Anh (38 tuổi) trong khu cách ly nơi “tâm dịch” Việt Yên, giữa một buổi chiều cuối tháng 5.2021 hầm hập như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ C.
Tuấn Anh với bộ quần áo bảo hộ dày cộp, chiếc khẩu trang N95, mũ kính kín mít, cộng thêm chiếc bình phun khử khuẩn nặng gần 40 kg trên vai. Một công việc không hề đơn giản, nhất là đối với một y sĩ y học cổ truyền vốn chỉ quen với cây kim châm cứu, bấm huyệt như anh.
Công việc còn lại của buổi chiều hôm đó là một mình Tuấn Anh phun khử khuẩn 3 tòa nhà rất rộng trong khu ký túc xá, mỗi tòa nhà cao 6 tầng, chưa kể vài lượt lên xuống để tiếp thêm hóa chất vào bình. Khi phun đến tòa thứ 3, anh gần như kiệt sức không thể bước tiếp được nữa, 2 chân mỏi nhừ chỉ chực khuỵu xuống. Mồ hôi ướt đẫm chảy xuống 2 mắt cay xè, miệng và họng khô khốc vì khát nước.
Nhưng nghĩ tới ở ngoài kia, biết bao lực lượng tham gia phòng chống dịch cũng đang phơi mình giữa nắng lửa, chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, điều đó đã thôi thúc bước chân Tuấn Anh tiến về phía trước và quyết không bỏ cuộc. Dẫu mệt mỏi và vất vả, nhưng ở Tuấn Anh vẫn luôn toát lên sự vui vẻ, lạc quan và tinh thần đầy trách nhiệm.
Ít ai biết rằng y sĩ Trần Tuấn Anh lại là một tình nguyện viên đến từ Thái Nguyên. Tuấn Anh làm việc tại một phòng khám ở TP.Thái Nguyên, vợ cũng công tác trong ngành. Anh chia sẻ: “Qua ti vi, qua mạng xã hội, thấy những hình ảnh vất vả của bà con Bắc Giang gồng mình chống dịch, tôi thực sự rất xúc động và mong muốn được đến tận nơi để chia sẻ, động viên, được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến này”.
Tuấn Anh lập tức tìm cách kết nối để đi theo các đoàn ở tỉnh về hỗ trợ Bắc Giang nhưng không thành. Không từ bỏ ý định, anh quyết tâm sẽ một mình đến Bắc Giang. Được sự ủng hộ của gia đình, sáng 19.5, Tuấn Anh lên đường đến Bắc Giang. Anh tìm thẳng đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang (CDC Bắc Giang) và bày tỏ nguyện vọng xin được hỗ trợ bất kỳ công việc, nhiệm vụ gì.
Thông tin về người đồng nghiệp ở Thái Nguyên lặng lẽ một mình đến Bắc Giang xin hỗ trợ đã khiến các cán bộ của CDC Bắc Giang nghẹn ngào: “Sự xuất hiện của anh Tuấn Anh cũng như rất nhiều người đến từ các tỉnh bạn là nguồn hỗ trợ và động viên tinh thần rất lớn đối với chúng tôi, như tiếp thêm sức lực và niềm tin để chúng tôi vững vàng, yên tâm hơn”.
Với tính cách hiền lành, giản dị và nhiệt tình, xông xáo, Tuấn Anh nhanh chóng bắt nhịp các công việc hối hả, gấp rút nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Từ công việc nhập liệu, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát tại cộng đồng, đến khuân vác, khử khuẩn môi trường giữa tâm dịch. Không nề hà trước bất cứ công việc gì, bởi với anh đây không chỉ là sự chung tay sẻ chia, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam khi Tổ quốc cần sự đồng lòng chung sức.
|
Đoàn kết, sẻ chia giữa tâm dịch
Chia sẻ về công việc của một tình nguyện viên giữa tâm dịch, Tuấn Anh cho biết ấn tượng nhất vẫn là những bộ quần áo phòng chống dịch mà anh lần đầu tiên được khoác lên mình. Trắng, xanh, đen, vàng anh đều được mặc đủ cả. Không thể diễn tả được hết cái cảm giác ngộp thở đến choáng váng đầu óc, toàn thân ướt sũng mồ hôi khi phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong những bộ quần áo đặc biệt này. Nhưng với anh, “đó thực sự là một trải nghiệm thấm thía để có thể hiểu được tận cùng những vất vả, hy sinh thầm lặng và bền bỉ của những đồng nghiệp ngày đêm căng mình giữa tâm dịch”.
Chính trong hành trình đầy gian nan, vất vả ấy đã để lại trong Tuấn Anh những hình ảnh rất đẹp về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với Tổ quốc, với người dân, ý chí kiên cường, bền bỉ của những đồng nghiệp. Một kỷ niệm rất xúc động được Tuấn Anh chia sẻ, đó là lần thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Tam Tầng - một trong những “điểm nóng” của tâm dịch Việt Yên giữa một chiều nắng nóng đỉnh điểm.
Các bàn xét nghiệm được bố trí ngay giữa sân nhà văn hóa thôn để thuận tiện cho việc lấy mẫu gần 4.000 người dân theo kế hoạch. Cái nóng hầm hập như có lửa hắt vào từ tứ phía, cộng thêm bộ quần áo bảo hộ cấp độ 4 muốn thiêu đốt da thịt. Đã hơn 10 ngày, các cán bộ y tế kiên cường ngày đêm bám trụ giữa tâm dịch, cơ thể cũng đã thấm mệt. Dẫu vậy, tất cả vẫn kiên trì gắng gượng, tự nhủ bản thân phải cố gắng, không thể gục ngã khi nhiệm vụ chưa tròn.
Quá 7 giờ tối, cả đoàn gần như kiệt sức. Lúc này đã lấy được 2.900 mẫu, vẫn còn khoảng gần 1.000 mẫu nữa. Thấy vậy, trưởng đoàn hỏi mọi người có thể cố được nữa không, hay dừng lại để huy động nhóm khác tới hỗ trợ. Những ánh mắt nhìn nhau qua lớp kính ướt nhòe mồ hôi như thầm động viên nhau cố gắng thêm chút nữa, bởi yêu cầu cấp bách lúc này là phải chạy đua với thời gian, lấy mẫu nhanh phút nào sẽ hạn chế tốc độ lây lan của dịch trong cộng đồng phút đấy.
Sau ánh mắt và cái gật đầu đầy quyết tâm, tất cả đều hô to “Làm tiếp ạ”. Điều đó thể hiện ý chí, nghị lực và trách nhiệm cao của những người chiến sĩ áo trắng thầm lặng.
Đằng sau những giọt mồ hôi thấm đẫm nơi tâm dịch, còn là những giọt nước mắt của sự sẻ chia giữa những con người được gắn kết với nhau trong gian khó. Không quản ngại vất vả, nặng nhọc, Tuấn Anh xung phong tăng cường cho Tổ xử lý môi trường, một nhiệm vụ rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Khi dịch bùng phát trên diện rộng, Tổ xử lý môi trường phải khẩn trương tiến hành khảo sát, lập phương án và phun hóa chất khử trùng để đảm bảo môi trường an toàn cho người dân và lực lượng tham gia phòng chống dịch. Khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít và mang trên vai bình hóa chất nặng tới 30 - 40 kg, Tuấn Anh cùng các anh em trong tổ đã phải rất nỗ lực dưới cái nắng như đổ lửa, đi bộ tới từng nhà dân, từng nhà máy, xí nghiệp, khu cách ly, vùng phong tỏa, di chuyển liên tục, len lỏi vào từng ngóc ngách, hành lang, con đường.
Tuấn Anh nhớ lại những ngày đầu chưa quen với công việc mang vác nặng trên vai: “Lúc đầu, tôi cũng rất lo lắng không biết mình có làm được không. Chiếc máy phun thuốc kích cỡ lớn, khi máy chạy, độ rung của máy tạo nên một áp lực đè nặng xuống khiến 2 vai đau rát, toàn thân ê ẩm. Cộng thêm khi thuốc từ trong bình phun ra ngoài, tạo thành một lực đẩy ngược trở lại tay, vì thế việc điều khiển máy phun đúng hướng không chỉ đòi hỏi đôi tay chắc khỏe, mà còn phải hết sức khéo léo”.
Tuấn Anh không giấu nổi cảm xúc khi chia sẻ về các anh em đồng nghiệp trong tổ luôn đoàn kết, san sẻ, hỗ trợ, động viên nhau trong công việc. Sẵn sàng nhận về mình những phần việc nặng nề, khó nhọc, hay dẫu đã mệt nhoài vẫn lăn xả tìm đến để hỗ trợ đồng nghiệp. Những hành động của họ tuy giản dị mà thật đáng trân quý.
Đi nhiều nơi, thực hiện nhiều chương trình vì cộng đồng, nhưng với Tuấn Anh đây chắc chắn là một cuộc hành trình ý nghĩa nhất, sâu sắc nhất bởi đó là hành trình của trách nhiệm, của sự sẻ chia và kết nối những yêu thương.
|
Bình luận (0)