Tin từ Tổng cục Du lịch, 10 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Tổng cục Du lịch đánh giá kết quả tăng trưởng trong 10 tháng đầu năm 2019 có đóng góp quan trọng từ kết quả của 4 tháng qua (từ tháng 7 đến tháng 10). Thời gian này khách tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ 4 tháng năm 2018.
Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới về lượng khách đến với con số 1,62 triệu lượt, tăng mạnh 34,3% so cùng kỳ. Đây cũng là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất đến nay trong năm 2019.
|
Tổng kết 10 tháng, các nhóm thị trường nguồn trọng điểm vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng 9,4%, Nhóm 3 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tăng cao: Hàn Quốc tăng 22,1%, riêng tháng 10 tăng 19,0%; Nhật Bản tăng 15,0%, riêng tháng 10 tăng 23,0%; Đài Loan tăng 29,5%, riêng tháng 10 tăng 44%.
Nhóm các thị trường quan trọng ở Đông Nam Á tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, điểm nhấn là thị trường Thái Lan liên tục duy trì tốc độ tăng kỷ lục trong năm nay, cao nhất trong các thị trường nguồn (tăng 47,7%), riêng tháng 10 tăng 60,3%.
Cùng với đó, Malaysia tăng 13,6%, riêng tháng 10 tăng 15,1%, Philippines tăng 19,5%, riêng tháng 10 tăng 26,5%, Indonesia tăng 20,3%, tháng 10 tăng 35,1%. Singapore sau 10 tháng năm 2019 đã vượt qua Pháp để xếp ở vị trí thứ 11 trong các thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Những kết quả đạt được cho thấy xu hướng tăng trưởng mới từ các thị trường gần trong khu vực.
Ngoài ra, các thị trường Mỹ và châu Âu cũng duy trì tăng trưởng như Mỹ (tăng 8,0%), Nga ( tăng 4,8%), Anh (tăng 5,8%), Pháp (tăng 1,7%), Đức (tăng5,6%). Thị trường Ấn Độ tăng cao 23,4%, riêng tháng 10 tăng 39,7%.
Mới đây, tại Hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức, hầu hết các chuyên gia đều nhận định Việt Nam đang nắm trong tay nhiều tiềm năng lớn để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sánh ngang với các cường quốc du lịch trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên để ngành du lịch thật sự đột phá, phát triển tương xứng với tiềm năng, cần nhanh chóng tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp.
Bình luận (0)