Đó là nghịch lý được chỉ ra tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 28.10.
Kinh tế đêm bị kỳ thị ?
Là đơn vị phát triển chợ đêm, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định, chợ đêm là một “mỏ vàng” để ngành du lịch khai thác. Cụ thể như chợ đêm Phú Quốc, khi chưa có chợ đêm, người dân chỉ cho thuê nhà 8 triệu đồng/tháng thì sau khi có chợ đêm, giá thuê lên 40 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể phía trước nhà còn cho thuê 2 xe đẩy bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng/tháng... Từ đó nguồn thu nhập của người dân ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Chợ đêm thành điểm đến cho du khách vui chơi, là mỏ vàng cho địa phương. Dù vậy, mở chợ đêm ở mỗi địa phương hiện mất rất nhiều thời gian, có khi tới 3 năm để được chấp thuận. “Làm kinh tế đêm mang tiếng vì còn có nhiều quan điểm nhìn nhận không tốt. Vì vậy các địa phương cũng nâng lên đặt xuống mất rất nhiều thời gian. Kinh tế đêm hiện giờ mới chỉ có văn bản của Chính phủ, tiếp theo là gì cũng chưa rõ. Thế nên dù được đánh giá là mỏ vàng, chúng ta vẫn chưa thể khai thác mạnh. Nếu trong thời gian 3 năm chờ đợi đó có hành lang pháp lý tốt thì chúng tôi có thể làm chục cái chợ đêm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tạo ra hệ sinh thái nghỉ dưỡng
TS Dương Hùng Sơn, Tổng giám đốc phía nam Tập đoàn Tuần Châu, khẳng định những nhu cầu văn hóa giải trí ngày và đêm sẽ ngày càng tăng. Tập đoàn này đã hợp tác đầu tư thành công 2 dự án văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước là Tinh hoa Bắc bộ tại Hà Nội được CNN bình chọn là điểm đến khi du khách đến thăm Hà Nội; tiếp theo là Ấn tượng Hội An tại Hội An cũng là điểm không thể bỏ qua khi du khách đến tham quan Hội An.
Thực tế, ngay từ những năm 1997, Tập đoàn Tuần Châu đã quyết tâm xây dựng con đường vượt biển tại vịnh Hạ Long và sau đó quyết định xây cảng tàu thủy nội địa và quốc tế. Sau 3 năm, một bến tàu dài hơn 10 km được hình thành và đưa vào sử dụng, có thể cùng lúc chứa được 2.200 tàu đậu và tránh trú bão, mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động, tạo môi trường kinh doanh cho hơn 1.000 DN, tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động…
Trước năm 2015, chưa có bến tàu nên khách thăm vịnh phải đi từ tàu nhỏ, tay xách nách mang hành lý ra tàu lớn. Tàu thuyền đậu rải rác khắp nơi, không thể quản lý hết được khiến việc kiểm định an toàn và chất lượng không đảm bảo. Từ đó xảy ra nhiều vụ chìm, cháy tàu làm mất niềm tin của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhà nước thất thu rất nhiều vì các hoạt động chui, trái phép của một số công ty du lịch. Từ lúc có bến cảng Tuần Châu, việc quản lý dễ dàng hơn, kèm theo đó giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho người dân địa phương và thu ngân sách mỗi năm hơn 2.000 tỉ đồng, chưa kể nhà nước thu ngân sách từ tiền sử dụng đất.
Bình luận (0)