Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden: Bước ngoặt cho thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới?

20/01/2021 20:00 GMT+7

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden được cho là sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô khi ông và người tiền nhiệm ông Donald Trump có nhiều điểm khác nhau về chính sách, một trong số đó là lập trường về năng lượng sạch và ô tô điện. Vậy ngành ô tô Mỹ sẽ ra sao trong 4 năm tới?

Covid-19 và kì bầu cử Mỹ nhiều biến động khiến ngành công nghiệp ô tô càng khó khăn hơn, vì thế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kì vọng vào nhiệm kì tổng thống của ông Joe Biden sẽ làm thay đổi tình thế. 
VIDEO: Ngành ô tô Mỹ sẽ thay đổi ra sao khi Tổng thống Joe Biden thay thế ông Trump?
4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump gắn với chiến tranh thương mại, những dòng tweet, và mâu thuẫn về các quy định khí thải khiến ngành công nghiệp ô tô từng rất hợp nhất trở nên chia rẽ.
Thành viên Hạ Viện Mỹ bà Debbie Dingell, người từng có 30 năm làm việc tại General Motors ở vị trí Chủ tịch Quỹ GM, nhận xét: “Tôi chưa từng thấy ngành công nghiệp lại chia rẽ như lúc này. Có những vấn đề cạnh tranh dẫn đến điều đó, nhưng nếu họ không cùng nhau giải quyết, họ sẽ gặp rắc rối”. Theo bà, sau khoản vay cho ngành công nghiệp ô tô năm 2008 từ chính phủ, không còn ai muốn nói về ô tô trong suốt một thập kỉ qua, và chỉ toàn là những cuộc thảo luận căng thẳng.
Tổng thống thứ 46 của Mỹ tự gọi mình là “người đàn ông ô tô” (Car Guy), từng xuất hiện cùng chiếc Chevrolet Corvette 1967 trên quảng cáo chiến dịch tranh cử, và có bố là người bán ô tô cũ. Với nhiều chính sách quan trọng và khác biệt với ông Trump, liệu ngành công nghiệp ô tô dưới chính quyền ông Joe Biden sẽ là một bước ngoặt?

Thị trường ô tô điện hưởng lợi

Tạp chí Robert Robb từng có bài viết với tiêu đề: Nhiệm kì tổng thống của “người đàn ông ô tô” sẽ mang lại lợi ích cho ngành ô tô điện. Các cuộc cách mạng xe điện đang đến với Mỹ, những chiếc Tesla đã lăn bánh, chiếc Ford Mustang Mach-E và GMC Hummer EV sắp ra mắt, và những công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ngay trên đất Mỹ như Ford, GM, Rivian và Lordstown.
Thực tế này có thể sẽ ngày càng phát triển khi ông Joe Biden từng cam kết sẽ đầu tư công 400 tỉ USD vào việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong đó có các phương tiện điện và công nghệ pin tiên tiến. Trong kế hoạch của ông Biden, đến năm 2030, chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ các bang và quan chức địa phương xây dựng 500.000 trạm sạc mới cho ô tô điện. Con số này hiện tại ở Mỹ là 87.600 trạm, so với 192.000 trạm sạc ở Liên minh châu Âu.
Những con số này càng thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào các mẫu xe điện mới. GM đã thông báo sẽ ra mắt 30 mẫu xe điện mới toàn cầu từ nay đến năm 2025 và mở rộng đầu tư thêm 7 tỉ USD cho dự án ô tô điện.

Thị trường ô tô điện sẽ hưởng lợi trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden?

Ngoài ra, ông Biden còn kích cầu mua xe điện bằng tín dụng thuế. Hiện tại, Mỹ đang trợ cấp cho ô tô điện với mức giảm thuế tiêu dùng 7.500 USD cho 200.000 chiếc xe đầu tiên của một nhà sản xuất ô tô. Ông Biden còn muốn xây dựng chương trình hoàn tiền mặt nhằm khuyến khích người Mỹ đổi xe cũ, chạy bằng nhiên liệu ô nhiễm thành ô tô điện mới.
Garrett Nelson, chuyên gia ô tô cấp cao của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA cho rằng: “Các nhà sản xuất ô tô truyền thống với lực lượng công đoàn lớn sẽ là một trong những người chiến thắng nhờ các ưu đãi về thuế, từ đó thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện”.

Tái định vị Mỹ trên đường đua ô tô thế giới

Khi còn là Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, ông Joe Biden từng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một ban hành động trong chính quyền được cho là đã cứu trợ GM và Chrysler cũng như 1 triệu việc làm trong ngành. Vì thế mà ngành công nghiệp ô tô dự kiến sẽ là điểm mấu chốt trong kế hoạch phục hồi kinh tế.
Nhiều năm trở lại đây, thị trường bất ổn khiến ngành ô tô Mỹ dường như giậm chân tại chỗ so với sự phát triển của các nước châu u và châu Á trong công nghệ xe điện. Với nhiều tín hiệu về các chính sách có lợi cho việc chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện, các nhà sản xuất và cung cấp có nhiều thời gian để chuẩn bị và đầu tư, tạo cơ hội giúp Mỹ quay trở lại đường đua.
Cụ thể, ông Biden hứa sẽ tạo ra 1 triệu việc làm trong ngành ô tô, là một phần của kế hoạch ủng hộ năng lượng sạch và chống lại biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết sẽ siết chặt các quy định về kinh tế nhiên liệu và hỗ trợ xe điện. Giám đốc điều hành các hãng xe nhận xét các ý định này sẽ trợ giúp đầu tư công nghệ điện năng trong ngành
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại và đe dọa về thuế quan trên các vật liệu và ô tô nhập khẩu của chính quyền ông Trump đã khiến ngành công nghiệp ô tô rơi vào khủng hoảng. Thậm chí nhiều nhà sản xuất tạm dừng hoạt động vì thiếu các bộ phận xe hoặc chuyển sang nhà máy từ Mỹ sang châu Á vì mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc. Trước đó, ông Trump từng hứa xây dựng thêm nhiều nhà máy, nhưng theo Viện Chính sách Kinh tế (EPI), gần 1.800 nhà máy đã biến mất dưới thời Tổng thống Trump. Dù các chính sách của ông Trump cũng đem về một số thành công như thay đổi hiệp định NAFTA.
Các kế hoạch của ông Biden cũng chưa rõ ràng nhưng từng đề cập đến việc tái đánh giá các thuế quan đối với việc nhập khẩu vật liệu, bộ phận và ô tô từ Trung Quốc. Đặc biệt, ông từng khẳng định sẽ lắng nghe tư vấn từ ngành công nghiệp này.

Giảm phát thải ô tô

Chính quyền ông Biden được cho là sẽ mạnh tay hơn với quy định khí thải như thời ông Obama, tức sẽ khiến các công ty tốn nhiều tiền hơn để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa bang California và chính quyền liên bang khi có tiêu chuẩn quy định môi trường tương tự dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Chính quyền ông Biden được cho là sẽ mạnh tay hơn với quy định khí thải như thời ông Obama

Cụ thể, quy định năm 2012 yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải giảm khí thải CO2 cho ô tô con và xe hạng nhẹ xuống 3,5% mỗi năm từ 2017-2021 và 5% mỗi năm từ 2022 - 2025. Bang California được cho phép tự đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, và 12 bang khác cũng thực hiện theo.
Tuy nhiên, nhiều công ty lo ngại mức phí tăng cao khiến ông Trump thay đổi con số xuống còn 1,5% đến năm 2026, và tước đặc quyền của bang California. Từ đó cuộc chiến pháp lý vẫn kéo dài và ngành ô tô Mỹ bị chia rẽ, dù quyết định của ông Trump giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 1 tỉ USD mỗi năm cho chi phí tuân thủ.
Dù GM, Toyota và Fiat Chrysler ủng hộ ông Trump trong việc rút lại quy định năm 2012, Dane Parker, Giám đốc Phát triển Bền vững của GM, cho biết công ty “sẵn lòng đối thoại” với chính quyền của Tổng thống Biden, bang California và toàn ngành công nghiệp để có đáp án chung cho tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu và phát thải quốc gia. Toyota thông báo họ ủng hộ việc cải thiện từng bước trong hiệu suất nhiên liệu và đang đánh giá tình hình trong bối cảnh nhiệm kì tổng thống Joe Biden.

Thách thức vẫn còn?

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và ô tô điện sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các công ty sản xuất và cung cấp, ví dụ việc phát triển và áp dụng công nghệ mới mà không phát sinh chi phí. Trong khi đó, các công ty mới phải tìm cách “chuyển mình” gấp rút để cạnh tranh trong lĩnh vực mới.
Tuy nhiên, trang autonews nhận định, có lẽ đây là lần đầu tiên, ngành công nghiệp ô tô, các nhà đầu tư, chính quyền liên bang và người tiêu dùng có cùng một hướng đi. Điều này vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho thị trường ô tô, nếu Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông giữ đúng lời hứa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.