Xem "Đêm trước ngày hoàng đạo": Khi cải lương đẹp đến bất ngờ!

25/04/2013 09:00 GMT+7

(TNO) Vụ án Lệ Chi viên là một đề tài không mới, nhưng Đêm trước ngày hoàng đạo vẫn đủ sức thu hút khán giả đến những phút cuối cùng. Và không ít người phải giật mình, khi không ngờ rằng hóa ra cải lương có thể sang trọng đến như thế!

(TNO) Vụ án Lệ Chi viên là một đề tài không mới, nhưng Đêm trước ngày hoàng đạo (Tác giả: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Lê Trung Thảo, thiết kế trang phục: Sĩ Hoàng, trang trí sân khấu: Hoạ sĩ Kim B) vẫn đủ sức thu hút khán giả đến những phút cuối cùng. Và không ít người phải giật mình, khi không ngờ rằng hóa ra cải lương có thể sang trọng đến như thế!

>> Người đàn bà trong Lệ Chi Viên
>> Hữu Châu nôn nao đợi ngày diễn bí mật Lệ Chi Viên

Bối cảnh của vở diễn chỉ gói gọn trong một đêm trước ngày vương gia Lê Tư Thành lên ngôi hoàng đế, trở thành vua Lê Thánh Tông.

Những tưởng nhà vua trẻ sẽ ngập tràn nỗi hân hoan, vui sướng khi sắp được ngồi lên chiếc ngai vàng bao người mơ ước. Nhưng không! Trong tâm trí ông chỉ canh cánh một nỗi niềm, đó là bản án oan của bậc trung thần Nguyễn Trãi.

Nhưng… giải oan như thế nào, giải oan để làm gì, có thực sự cần thiết và sẽ có hậu quả ra sao? Những câu hỏi ấy cứ mãi xoáy sâu vào tâm trí, giằng xé ông giữa bao nhiêu là mâu thuẫn, xung đột chốn cung đình.

 Đêm trước ngày hoàng đạo – Cải lương đẹp đến bất ngờ 1
Lê Tứ (vai Lê Tư Thành), Thy Trang (vai Tử Huyên) trong vở Đêm trước ngày hoàng đạo - Ảnh: H.K

Kịch bản của Võ Tử Uyên không có nhiều diễn biến, sự kiện mà chủ yếu tập trung khai thác khía cạnh tâm lý của nhân vật Lê Tư Thành.

Và không chỉ có nhà vua, khán giả còn thấy được suy nghĩ, nỗi niềm và số phận con người của cả một thời đại. Ở đó có sử quan Ngô Sỹ Liên, người khao khát truyền tải sự thật lịch sử cho đời sau, nhưng không khỏi có lúc phải thỏa hiệp, chấp nhận bẻ cong ngòi bút bởi cường quyền.

“Có những thứ không thể ghi vào lịch sử, nhưng đã ghi thì phải là sự thật”, lời tâm sự chân thành của Lê Tư Thành đối với sử quan Ngô Sỹ Liên làm khán giả không khỏi suy ngẫm.

Đó đâu chỉ là chuyện của người xưa, mà còn là bài học đến ngàn đời. Dạy sử, viết sử như thế nào để con cháu biết yêu dân tộc giống nòi, biết quý trọng sự hy sinh của cha ông. Còn nếu chỉ là những trang tụng ca công tích của những người chiến thắng, thì chẳng mấy chốc sẽ bị thế hệ trẻ quay lưng.

Ở đó cũng có một nàng Tử Huyên trong sáng, dịu dàng, luôn ở bên cạnh chăm sóc và khuyên nhủ Lê Tư Thành. Trong những lúc nhà vua trẻ bối rối, hoang mang, thì những lời góp ý thẳng thắn của nàng Tử Huyên đã giúp ông tìm ra được con đường chính xác nhất, tuy liều lĩnh nhưng lại bừng bừng ngọn lửa nhiệt huyết, trong sáng của tuổi trẻ.

Bình cũ, rượu mới

Và cũng không thiếu những kẻ bị mai một lương tâm, luôn tìm cách triệt hạ người khác để tranh giành địa vị, như thần phi Nguyễn Thị Anh, như Trịnh Khả, Tạ Thanh. Nhưng suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của chốn cung đình tranh danh đoạt lợi. Để tồn tại, họ phải tạo cho mình một chiếc áo giáp đầy gai nhọn. Những chiếc gai nhọn của âm mưu, quỷ kế, xảo trá, lọc lừa cứ mãi đâm người khác, để rồi đến khi nếm được vị ngọt của quyền lực, chúng quay lại giết chết lương tâm của chính mình.

Vì lẽ đó mà Nguyễn Thị Anh luôn căm ghét Nguyễn Trãi, nhưng cũng run sợ trước sự chính trực và nhân cách cao quý của ông. Quỳnh Hương đã có sự thể hiện xuất sắc trong trường đoạn đối thoại giữa Nguyễn Thị Anh và Lê Tư Thành. Một thần phi quyết đoán, thủ đoạn và một người đàn bà cô độc, lạc lõng giữa chốn hoàng cung lạnh lẽo liên tục hoán đổi cho nhau, dẫn dắt khán giả theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Đêm trước ngày hoàng đạo – Cải lương đẹp đến bất ngờ 2
Quỳnh Hương (vai thần phi Nguyễn Thị Anh), Điền Trung (vai Nguyễn Trãi) - Ảnh: H.K 

Hình ảnh Nguyễn Trãi là một sự sáng tạo độc đáo của vở diễn. Ông không xuất hiện dưới dáng vẻ của một vị thánh, có thể ung dung tự tại mỉm cười trước khi bước lên đoạn đầu đài. Ông đã khóc, nhưng không phải khóc cho riêng mình, mà khóc cho sự đau đớn của tam tộc họ Nguyễn, khóc vì chua xót trước sự tàn khốc của chiếc ngai vàng, và cả nỗi ân hận của chính mình. Nguyễn Trãi của Võ Tử Uyên là một sự kết hợp kỳ lạ nhưng cũng rất hợp lý, giữa nhân cách của bậc thánh nhân và những cảm xúc rất “người”. Bi kịch của Nguyễn Trãi cũng là bi kịch chung của “kẻ sĩ”, của những lý tưởng thanh cao khó tồn tại giữa cuộc đời ô trọc.

Trong một khung thời gian và không gian rất hẹp, chỉ diễn ra trong một đêm, lại ít diễn biến, sự kiện, nên kịch bản rất dễ bị “trầm”. Nên thay vì thoại suông, Lê Trung Thảo đã khéo léo lồng vào đó những màn vũ đạo minh hoạ đẹp mắt, mang tính ước lệ cao để tăng nhịp điệu vở diễn. Có thể nói bàn tay đạo diễn Lê Trung Thảo chính là chìa khoá để chắp cánh cho những lời thoại sâu sắc, những góc nhìn mới mẻ của Võ Tử Uyên bay cao.

Một yếu tố không thể thiếu làm nên thành công của vở diễn là sự cố gắng vượt bậc của dàn diễn viên trẻ. Lê Tứ, Quỳnh Hương, Điền Trung, Tô Tấn Loan, Thy Trang, Hiền Linh, Minh Hòa đều rất tròn vai, ca diễn xuất thần. Khán phòng im phăng phắt theo dõi từng lời thoại, tiếng ca của nhân vật và vang rền tiếng vỗ tay ủng hộ.

Đặc biệt, trang phục của nhà thiết kế Sĩ Hoàng và trang trí sân khấu của hoạ sĩ Kim B đã làm bật lên nét hiện đại lẫn sang trọng cho vở diễn. Xem mà phải nể, chắc chắn khán giả trí thức sẽ rất ưa thích.

Cứ nhiều vở hay như thế thì làm sao cải lương chết được!  

                 Hoàng Kim - Hoàng Vũ

>> Cải lương
>> Cải lương rút ngắn
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Khai mạc liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012
>> NSND Bạch Tuyết làm giám khảo hội diễn cải lương
>> 'Tiếng vạc sành'' được chuyển thể cải lương
>> Liên hoan cải lương toàn quốc 2012
>> Học" cải lương tại bảo tàng
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương loay hoay làm mới
>> Cẩm Ly, Mr Đàm và Đan Trường đóng... cải lương
>> Nghệ sĩ cải lương" lừa hàng chục tỉ đồng
>> Cải lương phương Nam thắng lớn ở Hà Nội
>> Liều mình" đưa cải lương ra đất Bắc
>> Chuyên thi hát cải lương - Mong cơ hội đổi đời
>> Chuyên thi hát cải lương!
>> Vọng kim lang: đưa cải lương vào phim truyền hình
>> Lương Thế Thành làm kép cải lương
>> Thử nghiệm cải lương tiếng Anh
>> Nhen lửa cải lương
>> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 12: Minh Vương chưa "tuyệt tình" với cải lương
>> Giải Thanh Tâm Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 1: “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết
>> Cải lương vào phòng trà
>> Vẻ đẹp cải lương trong đêm Hoài Thanh - Đỗ Quyên
>> “Cải lương dừng lại chứ không chết”
>> Cải lương di tản
>> Cải lương đón Tết đìu hiu
>> “Kẻ ngoài đạo” theo sát cải lương
>> Cải lương đất Bắc, người “lạ” thành quen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.