Tự động phát
Đoàn cứu hộ động đất Thổ Nhĩ Kỳ của quân đội Việt Nam về nước an toàn
Sau gần 10 ngày tham gia hoạt động cứu nạn quốc tế, chiều 23.2, máy bay chở 76 thành viên đoàn cứu hộ, cứu nạn của quân đội Việt Nam giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (tại thành phố Hà Nội).
Tham gia đón đoàn có thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và bà Devletsah Yayan, là Phó Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ đón, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời khẳng định đây là nghĩa vụ quốc tế cao cả và góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, bà Devletsah Yayan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng sang tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn trân trọng, ghi nhớ sự giúp đỡ này.
Trưởng đoàn là Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), cho biết từ ngày 13 - 21.2, đoàn đã tìm kiếm tại 31 điểm, đã phát hiện và tìm được 15 điểm có người bị vùi lấp; trong đó có 2 điểm có dấu hiệu của sự sống. Đoàn đã triển khai bệnh viện dã chiến, khám và cấp thuốc cho nhân dân bị thảm họa động đất; tặng hơn 25 tấn lương thực, thực phẩm, vật tư và thuốc y tế tại Hatay.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ quan chức năng tỉnh Hatay tạo điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ đoàn từ khi triển khai đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn đã gặp nhiều khó khăn trong công tác cứu nạn, nhưng khó khăn nhất là thời tiết, có lúc lạnh -5 đến -8 độ, bên cạnh đó là bất đồng ngôn ngữ nên việc trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác tìm kiếm rất khó khăn.
Bắt nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vụ tham ô hơn 86 tỉ đồng
Ngày 23.2, thông tin từ Công an thành phố Đà Nẵng cho biết cơ quan này đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Đoàn Quang Vinh (61 tuổi, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), liên quan vụ tham ô hơn 86,6 tỉ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can này để điều tra về hành vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, được quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã thông tin, vào tối 9.2, Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt tạm giam hai bị can để điều tra về hành vi tham ô tài sản, gồm: Hoàng Quang Huy (24 tuổi, là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) và Lâm Thị Hồng Tâm (50 tuổi, là thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa).
Mở rộng điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết hai bị can này đã lập các tờ séc do ngân hàng giao cho để rút tiền từ nhà trường. Bị can Lâm Thị Hồng Tâm đã để trống số tiền, giao bị can Hoàng Quang Huy ký khống vào tờ séc ở mục Kế toán trưởng, sau đó bị can Tâm trình hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh ký duyệt ở mục chủ tài khoản.
Khi bị can Đoàn Quang Vinh hỏi về việc để trống số tiền, thì bị can Tâm trình bày đã bàn với bị can Huy và đợi bị can này cân đối số tiền còn trong tài khoản rồi ghi vào cho phù hợp.
Sau khi bị can Vinh ký duyệt các tờ séc khống, bị can Tâm đã tự điền số tiền cần rút rồi gửi ngân hàng để rút tiền. Với thủ đoạn này, bị can Lâm Thị Hồng Tâm đã nhiều lần rút tiền thành công từ tài khoản ngân hàng của trường, tổng cộng đến 86,6 tỉ đồng nhưng không nhập quỹ tiền mặt mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng xác định việc bị can Đoàn Quang Vinh thực hiện việc ký séc khống cho bị can Lâm Thị Hồng Tâm, trong tờ séc không có nội dung, không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật.
Sau đó, bị can Đoàn Quang Vinh cũng không kiểm tra số tiền đã rút, không kiểm tra việc nhập quỹ tiền mặt, các việc chi thực tế cùng chứng từ liên quan.
Việc bị can Đoàn Quang Vinh để hai bị can Hoàng Quang Huy và Lâm Thị Hồng Tâm tham ô, rút tiền của trường trong thời gian dài là vi phạm nghiêm trọng các quy định về lập và ký phát séc, vi phạm các quy định về việc quản lý sử dụng tài sản công.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng cũng xác định hành vi bị can Đoàn Quang Vinh vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, được quy định tại khoản 9, điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Hiện vụ tham ô hơn 86,6 tỉ đồng tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang tiếp tục được mở rộng điều tra, làm rõ.
Thủ đoạn băng đòi nợ thuê 988 tỉ: Mang quan tài, bình gas đến nhà nạn nhân
Liên quan vụ người của Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình, TP.HCM) đòi nợ kiểu xã hội đen mà Công an tỉnh Tiền Giang, Cục Cảnh sát hình sự (tức C02) Bộ Công an vừa triệt phá thì cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ thủ đoạn đòi nợ thuê của đường dây này.
Thủ đoạn băng đòi nợ thuê 988 tỉ: Mang quan tài, bình gas đến nhà nạn nhân
Cơ quan điều tra xác định hằng tháng các nghi phạm trong đường dây đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 đến hơn 241.000 hợp đồng khách vay, tổng số tiền đã đòi được hơn 988 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án này, công an đã bắt tạm giam Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (là Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt), Nguyễn Đình Thành (là Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng) và 13 nghi phạm khác để điều tra về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" và có dấu hiệu của hành vi "khủng bố".
Cơ quan điều tra xác định, các bị can Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng có vai trò cầm đầu, đã tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật. Đáng nói, dù tên là công ty luật nhưng tại đây không có ai có văn bằng chuyên ngành luật, mà nhóm này thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Sau đó, các bị can này hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý (còn gọi là xử lý nợ xấu).
Những điều tra ban đầu cho thấy, công ty này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Thông tin từ Bộ Công an cho biết thời gian qua hoạt động đòi nợ thuê đã biến tướng tinh vi và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo điều tra, hằng tháng, Công ty Luật TNHH Pháp Việt lấy tiền công 140.000 đến 240.000 đồng trên một hợp đồng khách vay (chưa trả tiền) với các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Với các hồ sơ này, ban giám đốc công ty luật phân chia cho nhân viên đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty Luật TNHH Pháp Việt sẽ được trả công từ 25% đến 35% trên tổng số tiền đòi nợ được. Số tiền đòi nợ được bị can Trần Văn Châu trả lương cho nhân viên và mua công cụ, phương tiện phục vụ việc đòi nợ kiểu xã hội đen.
Thủ đoạn của công ty này là gọi điện thoại đến những nơi có liên quan đến "con nợ" như: các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm... rồi đe dọa giết vợ, con, người thân. Nhiều trường hợp, nhóm này đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để đe dọa tinh thần. Các nghi phạm trong đường dây còn hù dọa sẽ gây nổ cơ quan của các "con nợ" hoặc người thân của họ để buộc trả tiền.
Một nguồn tin cho biết do Trần Văn Châu và đồng phạm thu lợi nhuận rất lớn nên yêu cầu thành viên công ty không từ một thủ đoạn nào, miễn buộc được nạn nhân phải trả tiền.
Thưa quý vị, mới đây, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (thuộc Bộ Công an) đánh giá, thời gian qua hoạt động đòi nợ thuê đã biến tướng tinh vi và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc vào cuộc đấu tranh, trấn áp kịp thời và làm rõ phương thức thủ đoạn mới của tội phạm đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân tránh trở thành nạn nhân của tội phạm.
Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới công an các đơn vị địa phương sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đòi nợ thuê; đồng thời sẽ tổ chức tấn công trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này.
Công ty PouYuen Việt Nam không tái ký hợp đồng với 2.500 lao động
Chiều 23.2.2023, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với 2.500 công nhân, lao động trong tháng 3.2023. Công ty sẽ phối hợp công đoàn cơ sở họp và thông báo về thời gian chấm dứt hợp đồng và các chế độ quyền lợi.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết sở này vừa trao đổi với bộ phận nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam và có thông báo chính thức về số lượng công nhân cắt giảm. Theo đó, công ty sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với 2.500 công nhân, lao động trong tháng 3, số còn lại sẽ xử lý theo quan hệ hợp đồng, quy định pháp luật từ nay đến cuối năm 2023.
Công ty PouYuen Việt Nam không tái ký hợp đồng với 2.500 lao động trong tháng 3
Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với công đoàn cơ sở họp và thông báo đến người lao động về thời gian chấm dứt hợp đồng, các chế độ quyền lợi đối với người lao động bị cắt giảm.
Hiện nay, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang xin ý kiến tập đoàn tại Đài Loan về các chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động.
Trước đó, vào tháng 11.2022, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã cho gần 20.000 công nhân, lao động sắp xếp nghỉ luân phiên, do tình hình đơn đặt hàng khó khăn. Gần nhất là vào tháng 2.2023, công ty này tiếp tục cắt giảm 3.000 lao động.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và kịp thời ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM có một số bước chuẩn bị để kịp thời hỗ trợ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng, kết nối cung - cầu lao động...
Đại diện sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao vẫn được tổ chức và sản xuất bình thường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có lĩnh vực gia công đơn hàng xuất khẩu không được như các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết đơn hàng dự kiến ổn định đến tháng 6, tháng 7, sau đó doanh nghiệp tìm đơn hàng mới cho người lao động.
Ngày 23.2.2023, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết qua theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại TP.HCM, có Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang gặp khó khăn do sản xuất, kinh doanh, dự kiến phải cắt giảm lao động với số lượng lớn.
Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Cục Việc làm và Cục Quan hệ lao động tiền lương (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) vào cuộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chuyển đổi công việc phù hợp.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, đóng tại phường Tân Tạo (thuộc quận Bình Tân, TP.HCM) và được xem là công ty đông lao động nhất ở TP.HCM với hơn 50.500 lao động. Có thời điểm, công nhân của công ty này lên đến gần 100.000 người.
Ông Putin sẽ củng cố bộ ba hạt nhân với tên lửa, vũ khí bội siêu thanh, tàu ngầm mới
Phát biểu trước nhiều cựu chiến binh Thế chiến 2, Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ chú trọng phát triển bộ ba hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo trên đất liền, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, và máy bay ném bom hạt nhân.
Ông Putin sẽ củng cố bộ ba hạt nhân với tên lửa, vũ khí bội siêu thanh, tàu ngầm mới
Theo nhà lãnh đạo Nga, động thái trên sẽ bao gồm việc đưa vào trực chiến các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat đầu tiên, đẩy mạnh phát triển và sản xuất nhiều tên lửa bội siêu thanh hơn, đồng thời đưa tàu ngầm tên lửa đạn đạo bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của hải quân Nga vào hoạt động.
Ông Putin tuyên bố: "Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt tổ hợp tên lửa bội siêu thanh Kinzhal và cung cấp hàng loạt tên lửa bội siêu thanh Zircon".
Tổng thống Putin khẳng định nhiều khí tài tiên tiến như thiết bị trinh sát, thông tin liên lạc, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống pháo binh cũng sẽ được biên chế trong năm 2023.
Các phát biểu trên được đưa ra không lâu sau khi tổng thống Nga tuyên bố Moscow sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại với Washington. Hiệp ước này giới hạn số đầu đạn hạt nhân được triển khai của mỗi quốc gia. Lưỡng viện quốc hội Nga trong phiên họp ngày 22.2 đã thông qua dự luật đình chỉ tham gia hiệp ước New START.
Dự luật sẽ được chuyển tới Điện Kremlin và có hiệu lực sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký duyệt. Nội dung dự luật có điều khoản quy định việc Moscow quay lại New START sẽ hoàn toàn do tổng thống Nga quyết định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông xem quyết định đình chỉ tham gia của ông Putin là bước đi sai lầm. Tuy nhiên, ông Biden nói không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.
Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 25.2.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)