Xem nhanh 20h ngày 20.10: Kỷ luật nhiều lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Đà Nẵng | Xăng dầu vẫn "nóng"

20/10/2022 19:58 GMT+7

Thủ tướng nhận định “Một bộ phận cán bộ năng lực yếu, né tránh trách nhiệm”. Kỷ luật nhiều lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Đà Nẵng . Nhiều trạm xăng lại hết hàng, nghỉ bán . Trời rét đột ngột, nhiều người Hà Nội chưa kịp chuẩn bị áo ấm đi làm. Tổng thống Putin tuyên bố thiết quân luật ở các vùng Nga vừa sáp nhập từ Ukraine... Tất cả sẽ có trong bản tin “Xem nhanh 20h” ngày 20.10 trên kênh YouTube Báo Thanh Niên và website thanhnien.vn - nơi tổng hợp những tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý cùng góc nhìn từ những câu chuyện đời sống thường ngày.

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 20.10 của BáoThanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Thủ tướng: “Một bộ phận cán bộ năng lực yếu, né tránh trách nhiệm”

Sáng 20.10.2022, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và dự kiến năm 2023.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dù có nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60.000 tỉ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn chương trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Một bộ phận cán bộ năng lực yếu, né tránh trách nhiệm”

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định còn một số tồn tại, hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.

Theo dự kiến, tại Kỳ họp Quốc hội thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Kỷ luật nhiều lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Đà Nẵng

Trong các ngày 18 và 19/10/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 21. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: Một là, Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: UBKT Trung ương ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND Thành phố và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; trong quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ; để xảy ra vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Thành phố. Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên có nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của cấp ủy và chính quyền Thành phố.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm thuộc về Ban cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng và các ông bà: Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; Huỳnh Đức Thơ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố; Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố;Ngô Thị Kim Yến, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế; Trần Văn Miên, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố;Nguyễn Văn Phụng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính,Tôn Thất Thạnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC Thành phố.

Giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh bị khởi tố, bắt giam về hành vi 'tham ô tài sản”, bị khai trừ Đảng

Đ.X

Liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số tổ chức đảng, đảng viên.Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định: Khiển trách Ban cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 và các ông: Lê Trung Chinh, Huỳnh Đức Thơ, Hồ Kỳ Minh, Trần Văn Miên, Nguyễn Văn Phụng; Cảnh cáo bà Ngô Thị Kim Yến; Khai trừ ra khỏi Đảng ông Tôn Thất Thạnh.UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.

Kỷ luật Chủ tịch và loạt lãnh đạo Đà Nẵng vi phạm trong phòng, chống dịch

Hai là, tiếp tục xem xét một số đảng viên liên quan đến vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

  • Khai trừ ra khỏi Đảng ông Phùng Ngọc Tấn, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Quyền Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  • Cảnh cáo ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  • Khiển trách các ông: Phạm Văn Đức, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội;Võ Quang Trọng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Trần Minh Tuấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, nguyên Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ba là, Thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 19 đối với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

  • Cảnh cáo các ông: Mai Văn Trinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 và năm 2021; Nguyễn Huy Bằng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Bộ, nguyên Chánh Thanh tra Bộ;Trần Thanh Khiết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án;Trần Tú Khánh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Khiển trách ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Nhiều trạm xăng lại hết hàng, nghỉ bán

Nhiều trạm xăng dầu ở Gò Vấp, quận 12, TP.HCM những ngày trước còn có hàng thì đến trưa ngày 20.10.2022 đã xuất hiện những tấm bảng thông báo "tạm ngưng bán hàng".

Một số trạm xăng không để bảng thông báo thì nhân viên cũng ngồi lắc tay ra hiệu cho người dân đi chỗ khác mua.

Ngược lại, một số cây xăng ở khu vực này một ngày trước đó hết xăng thì nay lại có hàng và đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn vất vả vì nhiều cây xăng đang trong tình trạng “im ỉm khóa”.

Thậm chí, có người xe hết xăng, lo ngại khi nhiều trạm xăng gần nhà hết hàng nên họ phải mượn xe đi mua xăng bỏ vào túi nilon mang về.

"Xe mình hết xăng mình phải mượn xe đi mua chứ nhỡ đi bộ mà chỗ này không bán, chỗ kia không mở thì mệt lắm", bà Trần Thị Mai (Q.Gò Vấp) cho biết.

Mượn xe, mang túi nilon đi mua xăng vì nhiều trạm nghỉ bán

Bên cạnh một số nơi thông báo hết xăng và nhân viên cũng không biết khi nào sẽ có hàng trở lại thì một số trạm xăng dầu ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp vẫn trong tình trạng ngừng hoạt động hoặc thông báo đang sửa chữa.

Trước đó, ngày 19.10, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo liên quan thị trường xăng dầu. Cụ thể, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh thành phía nam gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Cũng liên quan đến tình hình xăng dầu, ngày 18.10, Bộ Công thương đã gửi 2 công văn “hỏa tốc” đến Ngân hàng Nhà nước và đến Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở theo quy định hiện hành, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng cho thị trường. Thứ hai, văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng xăng dầu sớm để kịp bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Tại công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.

Đồng thời, văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công thương cũng đã lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại “bơm” tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.

Trời rét đột ngột, nhiều người Hà Nội chưa kịp chuẩn bị áo ấm đi làm

Nhiệt độ giảm sâu còn 16 – 18 độ C, mưa lạnh trong sáng 20.10.2022 đã khiến nhiều người dân Hà Nội gặp khó khăn khi di chuyển trong giờ cao điểm. Trời mưa khiến mật độ giao thông tăng cao, đặc biệt là số lượng các phương tiện ô tô. Những chiếc áo khoác ấm lần đầu xuất hiện trong mùa lạnh năm nay. Nhiều người dân cho biết nhiệt độ xuống quá nhanh khiến họ chưa kịp chuẩn bị áo ấm, co ro trong thời tiết mưa rét.

Trời rét đột ngột, nhiều người Hà Nội chưa kịp chuẩn bị áo ấm đi làm

Mưa lạnh trong sáng 20.10.2022 đã khiến nhiều người dân Hà Nội gặp khó khăn khi di chuyển trong giờ cao điểm.

ngọc vũ

Nhiệt độ giảm sâu còn 16 – 18 độ C, mưa lạnh trong sáng 20.10.2022 đã khiến nhiều người dân Hà Nội gặp khó khăn khi di chuyển trong giờ cao điểm. Trời mưa khiến mật độ giao thông tăng cao, đặc biệt là số lượng các phương tiện ô tô. Những chiếc áo khoác ấm lần đầu xuất hiện trong mùa lạnh năm nay. Nhiều người dân cho biết nhiệt độ xuống quá nhanh khiến họ chưa kịp chuẩn bị áo ấm, co ro trong thời tiết mưa rét.

"Hôm qua mình cũng có xem dự báo thời tiết, cũng biết là gió mùa về nhưng không nghĩ là nó về nhanh như thế. Sáng nay đi làm cũng chưa kịp chuẩn bị quần áo ấm. Đi từ nhà đến cơ quan lạnh lắm", chị Trần Mai Ánh, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết.

Áo mưa, ô dù đi mưa và những chiếc áo ấm đã trở thành vật dụng không thể thiếu.

ngọc vũ

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một bộ phận không khí lạnh từ Trung Quốc đã di chuyển xuống miền Bắc. Thủ đô Hà Nội có nền nhiệt giảm mạnh, gây mưa GIông từ rạng sáng ngày 20.10. Áo mưa, ô dù đi mưa và những chiếc áo ấm đã trở thành vật dụng không thể thiếu.

"Vừa qua cũng nghe trên báo đài, không khí lạnh về. Cũng biết trước được mấy ngày nay rồi. Thật sự đợt không khí lạnh này tăng cường cũng rất là rét đấy, cũng không nghĩ là rét sâu như thế này đâu. Ngày hôm qua vẫn còn nắng mà hôm nay đã rét rồi, phải mặc áo rét ra đường như các bạn thấy. Mọi người đều mặc áo khoác hết rồi", anh Nguyễn Trọng Tới, H.Đông Anh, TP.Hà Nội chia sẻ.

Dự báo ngày 24 – 26.10, không khí lạnh, mưa rét tăng cường gây mưa lớn cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

ngọc vũ

Dự báo, đợt không khí lạnh này có thể ổn định và kéo dài trong những ngày tới. Ngày 24 – 26.10, không khí lạnh, mưa rét tăng cường gây mưa lớn cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc bộ phổ biến từ 12-14 độ. Khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa từ 15-18 độ.

Bản tin "Xem nhanh 20h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai 21.10 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.