Xem nhanh: Ngày 234 chiến dịch quân sự, trại huấn luyện Nga bị 'khủng bố'; Belarus có máy bay mang vũ khí hạt nhân?

16/10/2022 22:19 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khuya 15.10 thông báo tình hình rất khó khăn tại thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk nhưng quân đội Ukraine hiện vẫn quyết bám trụ.

Bakhmut gần như là điểm duy nhất trên chiến trường mà các lực lượng Nga còn giữ được đà tấn công, trong khi quân đội Ukraine đã giành lại kiểm soát diện tích lãnh thổ lớn cả ở miền đông và miền nam trong vòng hơn một tháng qua. Lực lượng Nga, có sự tham gia tích cực của các tay súng thuộc nhà thầu an ninh tư nhân Wagner, đã nhiều lần tổ chức tấn công hướng đến Bakhmut, nhưng cũng chưa thể xuyên thủng được phòng tuyến của lực lượng Ukraine.

Bakhmut là thị trấn chiến lược ở phía bắc Donetsk, nằm trên trục đường chính dẫn đến hai thành phố lớn gồm Sloviansk và Kramatorsk trong cùng địa bàn tỉnh.

Cũng trong bài phát biểu khuya 15.10, Tổng thống Ukraine Zelensky nói từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự từ tháng 2 đến nay, hơn 65.000 lính Nga đã thiệt mạng. Con số binh sĩ tử trận mà bộ quốc phòng Nga công bố hôm 21.9 là gần 6.000 người.

Trong ngày hôm nay, xảy ra một vụ nổ súng nghiêm trọng làm 11 lính Nga thiệt mạng. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trong một trại huấn luyện nằm trên lãnh thổ Nga.

Trong một động thái đáng lưu ý trong khu vực, Bộ Quốc phòng Belarus ngày 15.10 cho biết các đoàn xe đầu tiên của quân đội Nga, một phần của lực lượng có tên gọi "nhóm quân khu vực", đã đến Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trước đó cho biết quân nhân Belarus sẽ được triển khai cùng các lực lượng Nga gần biên giới Ukraine.

Một diễn biến gây lo ngại hơn nữa là theo báo Anh The Guardian ngày 15.10 dẫn lại thông tin từ trang Belarusian Hajun Project, Nga sẽ chuyển các hệ thống Iskander-M đến Belarus và trang bị thêm cho các máy bay Su-25 của Belarus năng lực kỹ thuật để mang đầu đạn hạt nhân.

Nếu được xác nhận, đây có thể sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng ở châu Âu giữa lúc Nga và phương Tây đã tăng cường răn đe lẫn nhau về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 16.10 đã phát lời kêu gọi công dân nước này rời lãnh thổ Ukraine. Thông cáo cho biết đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine có thể hỗ trợ sơ tán người dân.

Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 16.10 cho biết đại sứ quán Trung Quốc đã khuyến cáo công dân nước này ở Ukraine phải “nhanh chóng tìm nơi trú ẩn khi có dấu hiệu đầu tiên của còi báo động và mang theo nhu yếu phẩm dự trữ”, và “rời khỏi ukraine trong thời gian sớm nhất có thể”.

Chất lượng cuộc sống tại Ukraine khi xung đột đã kéo dài qua tháng thứ 8 chắc chắn là rất không thoải mái, và lo ngại ngày càng tăng khi những tháng mùa đông đã kề cận. Hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị nhiều thiệt hại, và mới đây còn là mục tiêu chủ yếu trong đợt tập kích tên lửa dồn dập của Nga. Chính quyền đang kêu gọi người dân dự trữ mọi thứ từ củi đến máy phát điện để chuẩn bị cho những sự cố bất ngờ trong mùa đông, khi nhiệt độ có thể xuống đến âm 20 độ C.

Xung đột tại Ukraine không chỉ dẫn đến thiếu hụt năng lượng ở nước này, mà còn gây một cuộc khủng hoảng ở châu Âu, khiến hóa đơn tiền điện và khí đốt tăng kỷ lục.

Tuy nhiên, cơn khủng hoảng còn có thể nghiêm trọng hơn nữa khi lục địa này đối mặt với mùa đông. Và tình hình dự báo thời tiết cho đến nay chưa cho người dân và giới hoạch định chính sách châu Âu được lạc quan về khả năng mùa đông sẽ không quá giá rét.

Theo bản cập nhật thông tin của tình báo quốc phòng Anh hôm nay 16.10, Bộ Quốc phòng Anh nhận định rằng việc Nga phóng tên lửa ồ ạt vào các thành phố Ukraine trong vài ngày qua làm kho tên lửa tầm xa của Nga thêm cạn kiệt hơn nữa, và vì vậy có khả năng sẽ làm hạn chế khả năng tấn công mục tiêu tầm xa của Nga trong tương lai. Cũng theo tình báo Anh, Nga “có thể không đủ năng lực để sản xuất tên lửa tiên tiến để đáp ứng tốc độ tiêu thụ hiện nay”.

Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, các loại vũ khí tiên tiến như các tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga, hoặc về phía Ukraine là các tổ hợp pháo phản lực HIMARS của Mỹ hay UAV tấn công TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm nhiều chú ý. Tuy nhiên, trên thực tế thì dù các loại vũ khí nói trên có tạo nên điểm nhấn thì chính các loại vũ khí đời cũ, phần lớn là từ thời Liên Xô cũ, vẫn đóng vai trò lớn trong chiến sự.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14.10 cho biết Washington sẽ gửi thêm đạn dược và xe quân sự cho Ukraine trong gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 725 triệu USD.

Đây là gói viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ kể từ khi Nga tấn công hàng loạt thành phố và thị trấn Ukraine trong tuần qua. Đến nay, giá trị các khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine tính tổng cộng đã lên đến hơn 17,5 tỉ USD. Theo Lầu Năm Góc, gói hỗ trợ mới nhất bao gồm tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) và pháo dẫn đường chính xác, cũng như vật tư y tế, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng gói hỗ trợ này được thiết kế để giúp Ukraine tăng cường khả năng đánh trả Nga, trong cuộc phản công đã giúp Kyiv giành lại nhiều vùng lãnh thổ những tuần gần đây.

Nước Đức trong tuần qua đã cung cấp tổ hợp phòng không Iris T hiện đại cho Ukraine ngay sau khi Nga tung đợt tập kích tên lửa dữ dội vào các thành phố khắp Ukraine. Hành động này đã phần nào giảm bớt chỉ trích mà Berlin đã phải hứng chịu vì chậm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Lý do mà Berlin đưa ra khi không cung cấp nhiều loại vũ khí hiện đại mà Kyiv yêu cầu là vì Đức phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu quốc phòng của chính mình. Và đây không phải là điều vô lý. Một đánh giá gần đây bi quan cho rằng quân đội Đức hiện chỉ có đủ lượng đạn dược cho một hoặc hai ngày chiến tranh.

Theo các nguồn tin quân sự, Nga gần đây cũng có nỗ lực cải tiến các loại vũ khí hiện có để tiếp tục cung cấp cho chiến trường Ukraine. Ngày 13.10, tập đoàn sản xuất vũ khí Uralvagonzavod của Nga thông báo sẽ cung cấp thêm pháo tự hành 2S7M Malka thế hệ mới cho quân đội Nga. Đây được xem là vũ khí tự hành mạnh nhất thế giới hiện nay, có khả năng bắn đạn hóa học cũng như đầu đạn hạt nhân. Hồi tháng 5, trang tin quân sự Army Recognition dẫn nguồn tin cho biết pháo 2S7M Malka đã được quân đội Nga triển khai tại chiến trường Ukraine.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây khó khăn cho nền kinh tế Nga cũng như các doanh nghiệp quốc phòng của nước này. Do đó, việc sản xuất xe tăng hiện đại T-90 cũng gặp phải trở ngại lớn.

Bên cạnh đó, trong 3 năm tới, Nga sẽ nâng cấp dòng xe tăng T-62 nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài với Ukraine. Theo đó, Nga dự kiến sẽ hiện đại hóa khoảng 800 xe tăng T-62 cho quân đội nước này.

Truyền thông Nga dẫn lời tướng Andrey Gurulyov, nghị sĩ Hạ viện Nga và cựu tư lệnh Quân khu miền Nam, cho biết dòng xe tăng T-62 sẽ được cải tiến hệ thống tầm nhiệt và nhìn đêm, cũng như tăng năng lực đối phó tên lửa chống tăng Javelin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.