Xem nhanh: Ngày 244 chiến dịch, 2 bên chuẩn bị quyết chiến Kherson, Nga tiếp tục khiến Ukraine 'tắt điện'

Thế Vinh - La Vi - Trúc Huỳnh và 3 người khác
26/10/2022 23:26 GMT+7

Một thông tin tích cực cho Ukraine xuất hiện ngày hôm nay, trong bối cảnh Nga tiến hành những đợt tập kích đường không dồn dập trên khắp Ukraine. CEO tập đoàn Raytheon thông báo hai hệ thống tên lửa phòng không NASAMS đã được bàn giao cho chính phủ Mỹ và chúng đang được lắp đặt ở Ukraine.

NASAMS là tên viết tắt của Tổ hợp Phòng không Tiên tiến Quốc gia, do Raytheon kết hợp với tập đoàn Kongsberg của Na Uy phát triển. Đây là hệ thống phòng không tầm ngắn sử dụng tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, có thể bắn hạ mọi thứ, từ máy bay không người lái (UAV) đến tên lửa đạn đạo và tiêm kích.

Giới chức Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Còn ở Kherson, theo một quan chức cấp cao của Ukraine, phía Nga đang chuẩn bị cho trận chiến khốc liệt nhất ở khu vực này.

Các lực lượng Nga trong khu vực đã bị đẩy lui trong những tuần gần đây và có nguy cơ bị mắc kẹt ở bờ tây sông Dnipro, nơi thủ phủ của tỉnh Kherson đã nằm trong tay Nga kể từ những ngày đầu xung đột.

Theo một phóng viên của Reuters tại ngôi làng gần chiến tuyến Kherson đã không nghe thấy tiếng súng hay tiếng pháo nào vào hôm 25.10. Người dân cho biết quân đội Moscow sẽ sớm rút khỏi Kherson.

Giới chức thân Nga cho biết đã khuyến khích người dân sơ tán sang bờ đông, nhưng ông Yuri Sobolevsky, một thành viên của hội đồng khu vực Kherson thuộc Ukraine, cho biết giới chức thân Nga đang gây áp lực với người dân Kherson.M

ột số người dân Kherson vừa sơ tán đến Crimea mà phóng viên của hãng tin Reuters phỏng vấn trong video sau đây hy vọng đợt sơ tán sẽ trôi qua như một kỳ nghỉ và sau đó họ sẽ có thể trở về nhà.

Theo tờ The Guardian, Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thống nhất rằng sẽ cùng nỗ lực để hỗ trợ Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện đầu tiên sau vài giờ ông Sunak trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong năm nay.

Thủ tướng Sunak đã cam kết với Tổng thống Zelensky rằng sự ủng hộ của Anh đối với Kyiv sẽ kiên định và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26.10 cho biết ông Sergei Shoigu, lãnh đạo bộ này, đã điện đàm với các đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc, bày tỏ quan ngại của Nga về nguy cơ mà Moscow nói là Ukraine đang chuẩn bị sử dụng "bom bẩn" trên chính lãnh thổ nước này, theo Reuters.

Hai cuộc điện đàm này diễn ra sau các cuộc điện đàm tương tự mà ông Shoigu đã thực hiện với các đồng cấp Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua. Các nước phương Tây đã bác bỏ cáo buộc "bom bẩn" của Nga, nói đây chỉ là cái cớ mà Moscow tạo ra để leo thang xung đột.

Trước đó, Nga đã nêu vấn đề "bom bẩn" trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 25.10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho hay ông đã dành nhiều thời gian trao đổi với các đồng minh, đối tác về tính toán của Nga khi đưa ra cáo buộc Ukraine sắp sử dụng "bom bẩn" trên chiến trường. Ông Biden nhấn mạnh rằng "Nga sẽ phạm một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật" tại Ukraine.

Hiện Điện Kremlin chưa bình luận về cảnh báo của ông Biden.

Ở một diễn biến khác có liên quan, Lầu Năm Góc mới đây cho biết Moscow đã thông báo cho Washington về kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận răn đe hạt nhân. Thông tin này được đưa ra trong lúc liên minh quân sự NATO cũng đang triển khai cuộc tập trận tương tự ở Tây Âu. Hai cuộc tập trận trên đều diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang.

Tờ Foreign Policy mới đây dẫn lời giới chức Ukraine cáo buộc Nga đang tuyển mộ các thành viên của quân đoàn biệt kích thuộc quân đội quốc gia Afghanistan để chiến đấu ở Ukraine. Đây là những lính biệt kích được hải quân Mỹ và lực lượng vũ trang Anh huấn luyện. Có khoảng 20.000-30.000 lính biệt kích tình nguyện đã bị bỏ lại sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8.2021. Tuy nhiên, hiện chưa thể kiểm chứng độ chính xác của thông tin này.

Ngày 25.10, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk khuyến cáo người tị nạn Ukraine đang ở nước ngoài nên chờ tới mùa xuân để về nước do tình trạng thiếu điện ở nước này. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính có hơn 7,7 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.

Phó thủ tướng Ukraine phải đưa ra yêu cầu vừa rồi trong bối cảnh 40% hạ tầng năng lượng tại Ukraine hư hại sau các đợt tập kích của Nga. Một quan chức ở Kyiv tuần trước cảnh báo dân địa phương cần chuẩn bị cho tình huống mất điện kéo dài ở thủ đô Ukraine, có thể diễn ra vài ngày đến vài tuần.

Nga xác nhận tấn công vào các nhà máy điện Ukraine, nhưng tuyên bố rằng họ sẽ cố gắng hết sức để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Bên cạnh lưới điện, nguồn nước tại Ukraine từ lâu cũng đã trở thành mục tiêu cho cả hai bên.

Ông Peter Gleick, thành viên cấp cao tại Viện Thái Bình Dương, là một tổ chức tư vấn ở California thường theo dõi tác động của các cuộc xung đột đối với nguồn nước trên toàn thế giới, cáo buộc Nga đã biến nước thành "vũ khí" từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai.

Ông Gleick nói rằng chỉ trong ba tháng đầu của cuộc xung đột, ông và các đồng nghiệp đã ghi nhận hơn 60 trường hợp nguồn cung cấp nước dân dụng tại Ukraine bị gián đoạn và các con đập bị tấn công.

Theo dữ liệu của Viện Thái Bình Dương, Ukraine đôi khi cũng sử dụng nguồn nước làm "vũ khí" chống lại Nga. Họ từng cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.

Ở một diễn biến khác, ông Vyacheslav Boguslaev, chủ hãng sản xuất động cơ máy bay Motor Sich, người từng nhận huân chương “Anh hùng Ukraine", đã bị bắt vì tội phản quốc hôm 24.10.

Một trợ lý của tổng thống Ukraine sau đó cho biết Kyiv có thể dùng ông Boguslaev để trao đổi những binh sĩ bị Nga bắt giữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.