Xem nhanh: Ngày 260 chiến dịch, Nga rút khỏi thủ phủ Kherson, phá cầu huyết mạch, Mỹ bơm tiếp vũ khí cho Ukraine
Theo The Guardian, các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới số 28 cầm cờ Ukraine hôm 10.11 đã xuất hiện ở làng Kyslivka, chỉ cách trung tâm thành phố Kherson khoảng 15km.
Tự động phát
Cũng hôm 10.11, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận quá trình rút quân khỏi thành phố Kherson vẫn đang diễn ra. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các đơn vị quân đội Nga đang được điều động tới vị trí đã chuẩn bị sẵn sàng ở bờ đông sông Dnipro theo đúng kế hoạch”.
Trong lúc này thì có tin cầu Antonovsky, là con đường qua sông gần nhất nối thành phố Kherson bên bờ tây với bờ đông sông Dnipro, đã bị sập.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối ngày 10.11 cho biết lực lượng của Ukraine đã giải phóng 41 khu định cư trong cuộc tiến công tại miền nam. Cũng trong ngày 10.11, phía Ukraine đã giành lại được thành phố Snihurivka thuộc tỉnh Mykolaiv, theo video được đăng tải trên mạng xã hội cũng như trên truyền hình quốc gia Ukraine.
Theo Reuters, Snihurivka được coi là thành phố cuối cùng mà Nga vẫn còn kiểm soát tại tỉnh Mykolaiv, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tuyến đường chiến lược dẫn đến thành phố Kherson.
Một phần phía đông nam của tỉnh Mykolaiv đã bị Nga gộp vào tỉnh Kherson trong nỗ lực đơn phương sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine hồi tháng 9. Tuy nhiên, Ukraine đã từng bước đẩy lùi lực lượng Nga tại khu vực này đồng thời tiến về phía thành phố Kherson.
Hôm 10.11 Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Đáng chú ý trong số vũ khí mới viện trợ là tên lửa phòng không HAWK. Đây là loại tên lửa được phát triển từ thời chiến tranh Việt Nam nhưng đã được nâng cấp. Bên cạnh đó là 4 hệ thống tên lửa phòng không Avenger, sử dụng tên lửa tầm ngắn Stinger.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết các tên lửa HAWK sẽ được tân trang và sẽ được gửi cùng các giàn phóng do Tây Ban Nha cung cấp. Bà Singh cũng cho biết hệ thống Avenger có thể giúp Ukraine ngăn chặn tên lửa hành trình, máy bay không người lái và trực thăng.
Gói viện trợ còn gồm một lượng rốc két chưa rõ số lượng cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, 21.000 quả đạn pháo 155mm, 500 quả đạn pháo 155mm dẫn đường chính xác, cùng đạn cối, xe Humvee, súng phóng lựu, các loại vũ khí nhỏ, đạn dược và trang thiết bị khác.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ hôm nay cho biết Washington muốn mua đạn pháo của Hàn Quốc để gửi cho Ukraine, ngay cả khi Seoul nhấn mạnh rằng chỉ bán cho Washington với điều kiện Mỹ là bên sử dụng cuối cùng.
Quan chức Mỹ giấu tên, khi thảo luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra, xác nhận rằng Washington muốn gửi đạn pháo 155mm của Hàn Quốc tới Ukraine. Theo vị quan chức này, quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) có thể được sử dụng để mua đạn dược, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có được vận chuyển qua lãnh thổ Mỹ hay không.
Nếu được xác nhận, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc bán đạn pháo với đích đến là lực lượng Ukraine. Việc bán vũ khí cho Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc giữ nguyên cam kết không cung cấp khí tài quân sự chết người cho Ukraine.
Còn về phía Mỹ, thỏa thuận giúp nước này không phải rút thêm vũ khí từ kho đạn đang suy giảm nhanh chóng, như thừa nhận của các quan chức. Hồi tháng 8, lượng đạn pháo 155mm trong kho của Mỹ đã giảm xuống mức khiến Lầu Năm Góc lo ngại và các quan chức nói rằng tình hình giờ càng tệ hơn.
Việc Nga tuyên bố sẽ rút khỏi bờ tây của Dnipro, rời thành phố Kherson, khu vực đô thị duy nhất mà Moscow chiếm được kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2, đã trở thành bước lùi lớn của nước này trong cuộc xung đột. Về phía Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov mới đây nói rằng việc Nga rút quân sẽ giải phóng lực lượng của cả hai bên để tập trung vào các cuộc giao tranh ở một số nơi khác.
Ông Reznikov gợi ý rằng Nga có thể tăng cường các đơn vị của mình ở khu vực lân cận là Zaporizhzia, tỉnh còn lại ở miền nam Ukraine mà Nga đã ký sắc lệnh sáp nhập vào lãnh thổ. Theo bộ trưởng quốc phòng Ukraine, “Mùa đông sẽ làm chậm lại mọi hoạt động trên chiến trường của tất cả các bên. Nó có lợi cho tất cả các bên. Bạn sẽ được nghỉ ngơi”. Ông dự đoán Ukraine sẽ vươn lên mạnh mẽ sau khoảng lặng này và lực lượng sẽ được củng cố bởi hàng ngàn binh sĩ đang được huấn luyện ở Anh.
Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Bali (Indonesia), Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ không tham dự trực tiếp cuộc gặp cấp cao năm nay, theo các quan chức Indonesia. Việc này giúp phía chủ nhà bớt khó xử về ngoại giao do các thành viên phương Tây trong G20 chủ trương cô lập Nga về chính trị. Nhưng vì Nga là một thành viên quan trọng của nhóm và xung đột ở Ukraine hiện là chuyện thời sự hàng đầu thế giới nên sự kiện lớn của G20 ở Bali dẫu có thành công đến đâu thì cũng sẽ vẫn không thể tránh khỏi bị khiếm khuyết.
Việc ông Putin không tới Bali khiến vấn đề xung đột ở Ukraine tuy vẫn có thể được đề cập tại G20 nhưng không còn được đa số các thành viên xem là chủ đề trọng tâm được ưu tiên trong chương trình nghị sự. G20 vốn không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận và giải quyết vấn đề Ukraine. Nhưng có không ít vấn đề khác mà G20 phải giải quyết lại liên quan trực tiếp xung đột ở Ukraine nên hội nghị khó đạt giải pháp cho tất cả các vấn đề ấy, như đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Bình luận (0)