The Reuters, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm 22.5 cho biết quân đội nước này vẫn đang tấn công vào bên sườn thành phố Bakhmut.
Bà Maliar nói Ukraine vẫn còn giữ một vị trí nhỏ bên trong thành phố, và một lần nữa bác bỏ khẳng định của Nga rằng họ đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với Bakhmut.
Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, tư lệnh lục quân Ukraine, cũng nói rằng lực lượng nước này kiểm soát một phần của Bakhmut, tuy “không đáng kể” nhưng cũng đủ để tạo điều kiện quay lại thành phố khi tình hình thay đổi, theo Reuters.
Hôm 20.5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các đội xung kích của lực lượng quân sự tư nhân Wagner, với sự hỗ trợ của pháo binh và không quân của nhóm chiến đấu miền nam, đã hoàn thành việc kiểm soát Bakhmut. Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố trên vài giờ sau khi ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Wagner, thông báo đã kiểm soát hoàn toàn Bakhmut.
Trong hôm 21.5 ông Prigozhin đưa ra thông báo cho biết lực lượng Wagner sẽ rời Bakhmut từ ngày 25.5 đến ngày 1.6. Ông xác nhận Wagner đang chuyển giao các vị trí ở Bakhmut cho Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Prigozhin tuyên bố: “Như tôi đã nói hôm qua, chúng tôi đang bàn giao các vị trí của mình cho Bộ Quốc phòng Nga và vào ngày 25.5, chúng tôi sẽ rời khỏi khu vực chiến đấu”. Và kể từ ngày 1.6, “sẽ không còn thành viên nào của Wagner xuất hiện ở tiền tuyến cho đến khi chúng tôi hoàn tất quá trình tái tổ chức lực lượng, trang bị và huấn luyện", ông Prigozhin cho biết như vậy.
Nhà lãnh đạo Wagner cũng bác bỏ phát ngôn trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Nga chưa kiểm soát hoàn toàn Bakhmut.
Liên quan nỗ lực tiếp sức cho Ukraine, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ đối với nỗ lực chung với các quốc gia đồng minh và đối tác về việc đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16.
Từ lâu, chiến đấu cơ F-16 đã là loại phương tiện nằm trong danh sách mong muốn được hỗ trợ của Ukraine, với việc nước này cho rằng F-16 sẽ là vũ khí giúp củng cố hệ thống phòng không và ngăn các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, đối với Nga, việc các nước phương Tây cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine làm nổi lên nghi vấn về việc các nước NATO sẽ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G7 được tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản) cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay Anh sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Ukraine vào mùa hè này.
Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 21.5 cho rằng chiến đấu cơ F-16 khó có thể được giao cho Ukraine trong tương lai gần, và “liên quan đến việc huấn luyện phi công là một dự án dài hạn”.
Mỹ cũng vừa công bố thêm gói viện trợ quân sự mới trị giá 375 triệu USD cho Kyiv, bao gồm đạn dược, pháo binh, xe bọc thép và huấn luyện. Tổng thống Joe Biden nói với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ở Nhật rằng Mỹ đang làm tất cả những gì có thể để tăng cường năng lực quân sự của Ukraine.
Tuy nhiên, ngân sách viện trợ Ukraine trị giá 48 tỉ USD mà quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12.2022 hiện chỉ còn lại khoảng 6 tỉ USD và nhiều khả năng sẽ cạn kiệt vào giữa mùa hè nếu không được bổ sung.
Lo ngại này được nêu lên trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tung ra một cuộc phản công lớn. Giới chức Kyiv trong thời gian qua đã kêu gọi các bên giảm bớt kỳ vọng vào một thắng lợi quyết định từ cuộc phản công này. Nhận định của giới quan sát là cuộc xung đột có thể tiếp tục ở thế giằng co kéo dài, trong khi triển vọng đàm phán hòa bình chưa có dấu hiệu sáng sủa.
Kính mời quý vị đón xem bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 22.5.2023 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)