Xem nhanh: Đã qua 365 ngày, xung đột Nga-Ukraine sẽ còn nóng hơn, lan rộng?

Xem nhanh: Đã qua 365 ngày, xung đột Nga-Ukraine sẽ còn nóng hơn, lan rộng?

Thanh Niên
Chịu trách nhiệm nội dung: Thế Vinh; Kịch bản + MC: Trúc Huỳnh; Quay: Thanh Hải; Dựng: Thanh Nguyên; Làm thumbnail + background: Cẩm Tiên
24/02/2023 23:28 GMT+7

Ngày 24.2.2023 là ngày đánh dấu cột mốc tròn một năm xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ.

Đúng một năm trước, tức ngày 24.2.2022, Tổng thống Vladimir Putin chính thức phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine, với mục tiêu mà Nga đưa ra là "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" Ukraine và bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga tại Donbass.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, trong sáng 24.2.2022, nhiều tiếng nổ vang lên khắp các thành phố lớn ở Ukraine như Kyiv, Kharkiv, Odessa. Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ 3 hướng gồm Belarus ở miền bắc, Nga ở miền đông và Crimea ở miền nam.

Trưa cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Ông Zelensky cũng đã có bài phát biểu đầu tiên gửi đến người dân Ukraine, và hình ảnh và giọng nói của ông đã xuất hiện hằng ngày suốt thời gian một năm qua để giúp người dân và binh sĩ Ukraine giữ vững tinh thần kháng cự Nga.

Có thể thấy, xung đột Nga-Ukraine đã trải qua một năm vô cùng khó khăn và khốc liệt. Trong 365 ngày qua, toàn thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự kiện chấn động, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn không chỉ trong lãnh thổ Ukraine nói riêng mà còn là tại khu vực châu Âu, và rộng hơn là trên toàn cầu.

Xung đột giữa hai nước là cuộc xung đột địa chính trị quy mô lớn chưa từng có ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II và những hệ lụy của nó vẫn sẽ còn dai dẳng trong những năm tháng về sau.

Nhận định về tình hình giao tranh, theo chuyên gia Carl Schuster (Cựu chỉ huy một đơn vị tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan), trong thời gian tới, cả Nga lẫn Ukraine đều không thay đổi đáng kể về chiến lược. Cả hai đều muốn tiến hành các cuộc tấn công lớn.

Ông Schuster nói với phóng viên báo Thanh Niên rằng: "Có thể, Nga muốn tập trung tấn công ở phía đông để hoàn toàn kiểm soát vùng Donbass, Ukraine thì muốn tập trung phía nam nhằm cô lập bán đảo Crimea với hy vọng chiếm lại nó. Tuy nhiên, cả hai đều khó đạt bước tiến lớn".

Tuy nhiên trên thực tế, các cuộc tấn công của Moscow sẽ bị hạn chế do cần củng cố Crimea. Kyiv sẽ tiếp tục tấn công gây tổn thất cho lực lượng và cơ sở hậu cần của Nga ở Donbass. Và Moscow cũng sẽ tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine để làm suy yếu tinh thần của nước này. Hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự hiện tại do bị giới hạn về khả năng hậu cần.

Kính mời quý vị đón xem bản tin tổng hợp đặc biệt tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 24.2.2023 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.