Rác nhựa ngập đô thị
Lê Nguyễn Bảo Như, 5 tuổi, đi một vòng quanh con rùa làm bằng vật liệu composite tại phố sách trên đường 19 Tháng 12, Hà Nội. Chú rùa này làm cô bé nhớ đến đoạn phim tài liệu vừa mới xem không lâu. “Trong phim có con rùa ăn phải rác. Bụng nó to ra phải đưa đi bệnh viện. Bác sĩ phải mổ nó ra...”, Bảo Như nói. Mẹ cô bé, chị Thu Quỳnh, cho biết chú rùa trong bộ phim sau đó đã không qua khỏi vì lượng ni lông mà nó nuốt vào bụng quá nhiều.
Rùa composite (trưng bày tại phố sách đường 19 Tháng 12 từ ngày 9 - 17.11) là tác phẩm của nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên và nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức. Làm từ composite, những móng rùa khi sờ vào có cảm giác giống rùa thật.
Nhưng rùa không có mai như rùa thường mà là rất nhiều tấm ảnh thời sự ghép lại. Ở đó, nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức chụp những mảnh túi ni lông và rác thải ni lông khắp chốn cùng quê. “Đáng sợ, vì rác thải ni lông ở đâu cũng nhiều. Thành phố càng nhiều”, ông Đức nói. Tác phẩm nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nghệ thuật thường niên Davines Art Series. Năm nay, lần thứ 7 tổ chức, chủ đề của hoạt động là Be the Change, có nghĩa là hãy tạo nên thay đổi bạn muốn thấy.
Với Hà Nội, rùa là một biểu tượng. Đó là rùa vàng trong chuyện hoàn kiếm thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi đánh đuổi giặc Minh. Đó cũng là con vật duy nhất được đội bia tiến sĩ trong Văn Miếu. “Nhưng biểu trưng văn hóa ấy sẽ bị mất thiêng vì phải “đội” rác thải nhựa khó phân hủy. Văn hóa, lịch sử, tính thiêng còn hay mất phụ thuộc vào chính chúng ta”, nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên nói.
Cùng lúc, nghệ sĩ Đỗ Hiệp dựng một Chú Tễu ống hút khổng lồ cao 5 m. Hình ảnh quen thuộc của văn hóa đồng bằng Bắc bộ này được dựng bằng một vạn ống hút nhựa các màu. Theo tác giả, nếu như rác thải túi ni lông là vấn đề của cả đô thị lẫn nông thôn, thì ống hút là câu chuyện đậm chất đô thị hơn nhiều. Vấn đề lớn của đô thị, theo ông Hiệp, chính là việc khó phân hủy của ống hút nhựa.
Cây đời tươi xanh trong lọ nhựa cũ
Những ý tưởng để thay đổi đời sống trong triển lãm Be the Change gắn chặt chẽ với sự thay đổi môi trường từ lối sống thị dân. Chẳng hạn, những hộp đựng dầu xả đã được rửa sạch và trồng cây trong đó. Những chai lọ, hộp đựng hóa mỹ phẩm vốn vô cùng quen thuộc cũng như vô cùng nhiều trong đời sống đô thị, thường bị quăng ra môi trường.
|
Tuy nhiên, tại phố sách, chúng đã được kết lại thành những bức tường cây xanh tươi trong tác phẩm Cây đời của Flinh và Đặng Thùy Anh. Những bức tường cũng được cuốn tròn như những khu vườn để người dân đi dạo. Tác phẩm Chúng ta ăn nhựa của Phạm Trần Quân là ba hình nhân trong dáng vẻ ủ rũ, mệt mỏi vì ô nhiễm nhựa, được phối ghép bằng những túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa...
Triển lãm còn giới thiệu chùm 3 bộ phim ngắn của nghệ sĩ Nguyễn Trung Kiên. Trong đó, có phim Tôi bán hoa không bán rác. Trong phim này, liên tiếp những cảnh đổ rác, gom rác, chở rác tại các đô thị lớn.
“Ngoài công việc văn phòng thì mình muốn tạo những không gian cho chính mình. Những vật liệu như gỗ mà mọi người đã bỏ đi hoặc bộ bàn ghế người ta không còn sử dụng nữa thì mình sử dụng để tạo nên quán này”, chị Hoàng Hương Giang - một chủ quán cà phê - chia sẻ trong phim... Nhiều dự án cá nhân sản xuất ống hút thân thiện, các hộp cơm văn phòng nói không với ni lông và bát đũa dùng một lần. Bản thân các nhân vật trong phim cũng thừa nhận, họ phải thay đổi thói quen sống, ngừng sử dụng những vật dụng quá tiện dụng để có được môi trường bền vững hơn.
Giám tuyển của triển lãm, ông Lê Thiết Cương, cho biết với Be the Change, điều các nghệ sĩ muốn hướng tới là môi trường ngày một sạch bền vững hơn. Tuy nhiên, họ không kêu gọi tẩy chay nhựa mà muốn mọi người học cách sống với nhựa, tái chế nhựa, giảm lượng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Tôi nghĩ nghệ sĩ chúng tôi đeo đuổi cuộc sống nghệ thuật và thanh bình, bền vững như vậy”, ông Cương nói.
Bình luận (0)