Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nhiều quy định phòng chống dịch bệnh cũng khiến họ gặp khó.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) gia công da giày tại TP.HCM chia sẻ, công ty có hơn 5.000 lao động, nếu tuân thủ đúng quy định giãn cách 2 m thì nhà xưởng hiện tại không đủ chỗ cho công nhân. Thậm chí nhà ăn bình thường hiện nay cũng phải chia ra 4 - 5 ca mới giảm bớt số người tập trung cùng lúc nhưng làm vậy lại không đủ thời gian sản xuất. Không lẽ công ty phải thuê thêm đất để xây thêm nhà xưởng, xây thêm nhà ăn? Tất cả điều đó sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều trong khi giá đơn hàng gia công đã ký trước đây không thể tăng lên. Vì vậy DN cũng vừa hoạt động vừa chờ hướng dẫn mới từ phía nhà nước.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích: Xu hướng công việc mới sau dịch ở nhiều công ty đòi hỏi người lao động lại phải khác trước. Không thể cứ là lao động phổ thông, chân tay, bưng bê là được đối với ngành dịch vụ ăn uống mà phải có trình độ hiểu biết tương đối trong lĩnh vực công nghệ thông tin để có thể tiếp nhận các đơn hàng trên máy vi tính, chuyển giao, kết nối đều qua app. Trong khi số thất nghiệp lại hầu hết là lao động phổ thông, làm việc đơn giản. Vì thế, giải quyết công ăn việc làm ngắn trước mắt đang là bài toán khó.
|
“Không chỉ DN phải thay đổi mà cả người lao động cũng cần thay đổi để thích ứng với tình hình hiện tại đã khác so với trước đây. Xu hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Với nhiều DN, họ sẽ không muốn tuyển người để đào tạo từ đầu nên người lao động phải tự học hỏi. Nhưng các kỹ năng mới như sử dụng app cũng khá đơn giản với người trẻ tuổi ở VN hiện nay vì tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh rất cao. Quan trọng nhất là vẫn cần có chương trình thúc đẩy để DN hoạt động ổn định và thích nghi nhanh hơn. Tôi cho rằng vai trò của nhà nước và thông qua các hiệp hội ngành nghề cần hướng dẫn chi tiết và định hướng hoạt động lại cho DN. Vì nếu không, với các mệnh lệnh hành chính hiện nay chủ yếu để phòng chống dịch bệnh thì DN cũng sẽ lo ngại, chỉ hoạt động cầm chừng và nghe ngóng mà chưa dồn hết lực để tăng tốc sản xuất. Điều này sẽ khiến cho nền kinh tế khó phục hồi nhanh như mong muốn”, chuyên gia Đỗ Hòa chia sẻ thêm.
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nhận định xu hướng số hóa trong nhiều lĩnh vực dịch vụ thương mại và thậm chí sản xuất sẽ bộc lộ rõ hơn thời hậu Covid-19. Ông nói, thực ra hơi sớm khi nói chuyện hậu Covid-19, nhưng nó bắt buộc phải diễn ra và tinh thần chung của DN là chuẩn bị để ứng phó. DN Việt theo lối làm truyền thống có thể khá lúng túng khi phải điều hành hoạt động và bán hàng qua mạng, không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận và thích ứng ngay mà cần có thời gian. Ví dụ trong đợt giãn cách vừa qua, hoạt động đặt món ăn tại nhà hàng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Như vậy, một nhà hàng hoạt động kiểu truyền thống, lơ là mảng công nghệ thông tin, không coi trọng vấn đề tiếp cận với khách qua app sẽ rất khó để tồn tại và phát triển. Vì vậy, ông Robert Trần cho rằng, hoạt động của DN sau dịch cần cởi mở, phóng khoáng và… ít bảo thủ hơn mới có “cơ” tồn tại và phát triển.
Không quá lời khi cho rằng, chính dịch Covid-19 giúp cuộc cách mạng 4.0 đi vào đời sống DN nhanh, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất. Giải pháp của DN Việt trước mắt và lâu dài là phải thích ứng và tiếp nhận để tồn tại phát triển, không có cách nào khác. Bằng không, sẽ tụt hậu và tiếp tục nhường sân chơi cho DN ngoại hoặc cho thế hệ DN trẻ mới năng động và quyết đoán vươn lên.
Bình luận (0)