Xử lý BOT 'nhầm chỗ', thu phí không dừng đều chậm

Mai Hà
Mai Hà
10/06/2022 06:15 GMT+7

Dự án thu phí không dừng chậm 3 năm, chậm di dời các trạm BOT “nhầm chỗ” như Bắc Thăng Long - Nội Bài, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ... là các vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 9.6.

“Bộ trưởng hứa như đinh đóng cột”, sao vẫn chậm?

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhắc lại từng chất vấn khi ông Thể nhậm chức Bộ trưởng Bộ GTVT: “Bộ trưởng hứa như đinh đóng cột với tôi là năm 2019 thu phí không dừng sẽ triển khai trong cả nước. Nhưng tới nay vẫn làm nửa vời, ngay cả Hà Nội, nhiều lúc đi qua tôi thấy rất kỳ lạ”.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vị trí đặt không đúng, nhưng đến giờ này trạm thu phí đấy vẫn hoạt động bình thường. Vậy bao giờ trạm vô cùng bất cập này sẽ được dỡ bỏ?

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)

Cho biết rất mừng khi Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu sau 30.6 sẽ xả trạm nếu dự án BOT nào chưa xong thu phí không dừng, song ĐB Trí cũng nêu, cử tri cho rằng có sự không minh bạch, lợi ích nhóm khi nhà đầu tư chậm triển khai thu phí không dừng.

Chúng tôi là cơ quan nhà nước, cũng không có quyền lợi gì ở trong này, nhưng phải giám sát để làm sao người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án thu phí không dừng triển khai từ năm 2015, theo đề án tới 2019 ít nhất mỗi trạm BOT có 2 làn ETC, về cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ (trừ 28 trạm của VEC). Nhưng nếu chỉ có làn ETC mà không dán đủ thẻ thì cũng không triển khai được, trong khi dán thẻ ETC từ 2016 đến nay mới đạt 3,2 triệu thẻ. “Hiện chưa phát hiện lợi ích nhóm liên quan đến nhà đầu tư, còn cá nhân nào liên quan sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thể nói.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Gia Hân

ĐB Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) thì thắc mắc, Bộ GTVT hiện vẫn chưa điều chỉnh phương án tài chính cho nhà đầu tư, việc sau 30.6 yêu cầu sẽ xả trạm có đúng căn cứ pháp lý hay không? Nếu mất tiền ngân sách ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây nhiều bức xúc cho người dân và đặt không đúng chỗ, đã được kiến nghị dỡ bỏ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn hoạt động

Ngọc thắng

Ông Thể khẳng định, Chính phủ xác định thu phí không dừng là điểm nóng phải giải quyết dứt điểm như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các phó thủ tướng cũng đã họp rất nhiều lần để thúc tiến độ. Căn cứ để xả trạm là các doanh nghiệp đã cam kết với Chính phủ, riêng VEC cũng đã cam kết sẽ hoàn thành lắp đặt ETC xong trước 31.7.

Bao giờ dời trạm BOT “đặt nhầm chỗ”?

Về vấn đề xử lý các trạm BOT “đặt nhầm chỗ”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu 2 năm trước, trả lời văn bản về kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng, Bộ trưởng Thể cho biết dự án trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn. "Vậy nhưng đến giờ này trạm thu phí đấy vẫn hoạt động bình thường. Vậy bao giờ trạm vô cùng bất cập này sẽ được dỡ bỏ?", ông Hiếu hỏi và cho rằng lời hứa của Bộ trưởng với người dân cần được giám sát từ những việc nhỏ cho đến dự án lớn của quốc gia.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Lân Hiếu tranh luận

TTXVN

Bộ trưởng Thể thừa nhận trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây nhiều bức xúc ở TP.Hà Nội, Bộ GTVT cũng đã có những phương án kết thúc hoạt động trạm thu phí BOT này. Song, lãnh đạo Bộ GTVT dẫn giải, thời điểm trả lời ĐB Hiếu là khi doanh thu của BOT đang tốt, nhưng do Covid-19 doanh thu sụt giảm. Các dự án BOT trước đây ký hợp đồng có điều chỉnh, doanh thu tăng thì dự án giảm thời gian thu phí 5 năm, 3 năm, còn những dự án khó khăn “phải điều chỉnh để làm sao đảm bảo hài hòa”. Dù vậy, ông Thể cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến ĐB, rà soát để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân.

"Chúng tôi là cơ quan nhà nước, cũng không có quyền lợi gì ở trong này, nhưng phải giám sát để làm sao người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng hợp đồng", Bộ trưởng Thể nói thêm và mong ĐB thông cảm, bởi đã trình bày sự thật. Bộ GTVT đang kiểm tra trạm BOT này, khi đủ điều kiện hợp đồng sẽ dừng ngay và không để tạm ở vị trí đó nữa.

ĐB Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, nêu thêm: Hiện nay có một nhóm phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, hoạt động ở cả trên mạng và thực địa, gây phức tạp về an ninh, lực lượng công an phải xử lý rất phức tạp. Ông Trung đề nghị nói rõ bao giờ sẽ dừng để cử tri và Quốc hội (QH) biết.

Theo Bộ trưởng Thể, hiện có 2 giải pháp: Nếu kết thúc sớm trước khi quyết toán hợp đồng thì phải để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận theo quy định, giải pháp này đang làm. Thứ hai là dỡ bỏ ngay trạm BOT thì nhà nước phải mua lại một phần.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết thêm, 21/70 dự án BOT đang triển khai đều vướng mắc. Bộ GTVT đã xử lý như dời trạm về đúng vị trí hoặc điều chỉnh giá với 14 trạm BOT, còn lại đang trình lên QH. Nếu không có nguồn lực (nhà nước bố trí ngân sách mua lại - PV) thì không xử lý được.

ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu dẫn chứng kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, kiểm toán 83 dự án BOT và BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm. Liệu có khó khăn trong quá trình giám sát các công trình BOT hay không?

Trước chất vấn này, Bộ trưởng Thể cho biết dự án BOT có 2 con số. Con số kiểm toán đưa ra đúng, nhưng chưa đúng bản chất, chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng ban đầu khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Con số thứ hai là sau kiểm toán, quyết toán, Bộ GTVT mới ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. “Bộ GTVT không làm sai về vấn đề này. Bởi nếu ký hợp đồng sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, ông Thể nêu.

“Không có tư duy nhiệm kỳ”

Nhắc lại khẳng định của Bộ trưởng Thể về việc các dự án giao thông lớn thường chậm tiến độ, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) lo ngại khi Bộ GTVT tiếp tục trình ra QH 5 dự án cao tốc lớn tại kỳ họp này. Thừa nhận trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT và cá nhân khi một số dự án trọng điểm trước đây chậm tiến độ, song theo ông Thể, “chậm trước đây và hiện nay khác nhau”. Trước đây, chậm do dự án không được bố trí đủ tiền, vốn nhỏ giọt nên kéo dài 5 năm, thậm chí 7 - 8 năm, còn chậm hiện nay không phải do vốn mà do khâu tổ chức thực hiện, do thời tiết... Với quyết tâm của Chính phủ, giám sát sâu sát từng dự án, vấn đề chậm tiến độ tới đây sẽ giảm nhẹ.

ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) thì băn khoăn, “tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở ngành giao thông?”. Theo Bộ trưởng Thể, tất cả quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch, được định hướng nhiều chục năm, chứ không phải bộc phát đưa vào. Các dự án lớn thường nằm trong các nghị quyết đại hội Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. "Những căn cứ này đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Dù có thông tin người ta nêu là có tư duy nhiệm kỳ, nhưng ngành giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá, nên không có tư duy nhiệm kỳ", ông Thể nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm. "Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật", ông Thể khẳng định.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhắc nhở dù ngành giao thông đã làm được nhiều việc, song các công trình trọng điểm, dự án vốn ngân sách phần lớn đều chậm tiến độ. Một số dự án thành phần chưa lựa chọn nhà đầu tư theo kế hoạch ban đầu. Thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, thủ tục điều chỉnh biến động giá vật liệu còn chậm và vướng mắc. Đặc biệt, một số công trình giao thông xảy ra sự cố không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, hư hỏng cục bộ, xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng...

“Việc chậm tiến độ các dự án giao thông quan trọng khá phổ biến, thường kéo dài thêm 2 - 3 năm làm tăng tổng mức đầu tư từ 1,5 - 2,5 lần hoặc nhiều hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư”, Chủ tịch QH nhấn mạnh. Cụ thể như dự án sân bay Long Thành, dự án sử dụng vốn ODA như đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM... Chủ tịch QH cũng yêu cầu ngành giao thông phối hợp các địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, có biện pháp đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc, có phương án giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án BOT nhanh trong năm 2022...

Quyết tâm hoàn thành 3.000 km cao tốc đến 2025

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: “Tổng chiều dài các tuyến cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015 - 2020 (1.932/487 km). Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành rất rườm rà, thường triển khai mất 2 - 3 năm mới xong thủ tục đầu tư cho một dự án. Giải phóng mặt bằng lớn, khoảng 10.198 ha, di dời tái định cư khoảng 19.841 hộ. Riêng khối lượng vật liệu xây dựng (đá, cát, vật liệu đắp) lên tới khoảng 200 - 250 triệu m3.

Phải tập trung cao nguồn lực, đầu tư dứt điểm, không dàn trải. Tới nay, QH đã phân bổ 339.000 tỉ đồng, đủ nguồn vốn để triển khai. Ngoài ra, rút ngắn thủ tục đầu tư từ 1 - 2 năm, trước đây triển khai 2 - 3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm. Chính phủ quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025 và 5.000 km đến năm 2030”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.