Xứ sở kim chi mê ớt Việt hơn cả thanh long, sầu riêng

Chí Nhân
Chí Nhân
13/08/2024 16:10 GMT+7

Không phải sầu riêng hay thanh long mà ớt và hạt mè mới chính là những thứ mà người Hàn Quốc phải chi nhiều tiền nhất để nhập khẩu từ Việt Nam; bên cạnh còn có xoài và chuối. Đây là những loại nông sản giúp nước này trở thành nhà nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc là chuối, hạt mè, xoài, ớt và thanh long. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc đã chi 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua cả Mỹ để trở thành nhà mua hàng lớn thứ 2 của Việt Nam. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, người Hàn càng chi nhiều tiền hơn so với đầu năm để mua rau quả Việt Nam. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023 thì quý 1/2024 tăng trưởng 18,5%, đến quý 2.2024 tăng tới 88%.

Xứ sở kim chi mê ớt Việt hơn cả thanh long, sầu riêng- Ảnh 1.

Chuối là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc

CHÍ NHÂN

Trong nửa đầu năm 2024, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là sản phẩm chuối với giá trị lên tới 35 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Những nhà xuất khẩu chuối hàng đầu Việt Nam vào thị trường này như công ty của Bầu Đức hay Huy Long An cho biết, rất thích bán hàng vào thị trường Hàn Quốc vì giá cả ổn định trong suốt cả năm nên thuận tiện trong việc cân đối và lên kế hoạch sản xuất lâu dài.

Đặc biệt, đứng ngay sau trái chuối là hạt mè với giá trị gần 30 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Trái xoài đứng ở vị trí thứ 3 với kim ngạch gần 24 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu xoài trong quý 2 chậm lại so với quý 1 do không phải cao điểm thu hoạch loại quả này - thường rơi vào quý 1 và 4.

Xuất khẩu ớt vào thị trường Hàn Quốc đạt tới 11 triệu USD, đứng ở vị trí thứ 4 cao hơn cả thanh long đạt 10 triệu USD. "Vua trái cây" - sầu riêng cũng đạt tốc độ tăng trưởng 62% nhưng kim ngạch còn khá khiêm tốn khi mới đạt 1,4 triệu USD.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như: hạnh nhân tăng 243 lần đạt kim ngạch 1,8 triệu USD, gừng tăng 517% đạt kim ngạch 1,2 triệu USD, hạt tía tô tăng 352% đạt 1,2 triệu USD, nấm hương tăng 125% đạt 2,3 triệu USD…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, phân tích: Có 3 nguyên nhân khiến Hàn Quốc tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Thứ nhất, chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm của họ; thứ 2 là giá cả cạnh tranh và thứ 3 vận chuyển thuận tiện, chi phí thấp.

Về bối cảnh chung, căng thẳng Biển Đỏ khiến hàng hóa có nguồn gốc từ các nước khu vực Nam Mỹ sụt giảm mạnh, như Chile giảm 11% còn Peru giảm đến 20%; ngược lại Hàn Quốc phải tăng nhập từ các nước ASEAN.

Số liệu của hải quan Hàn Quốc cho biết, xuất khẩu rau quả của Thái Lan sang nước này tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực ASEAN với 42% đạt 147 triệu USD, Việt Nam đứng thứ 2 với 34% đạt 208 triệu USD và Philippines tăng 21% đạt 209 triệu USD. Có 5 nguồn cung rau quả lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024 theo thứ tự là Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.