Xuất khẩu được mùa, vì sao doanh nghiệp thua lỗ nợ nần?

Chí Nhân
Chí Nhân
18/05/2024 06:26 GMT+7

Xuất khẩu gạo được mùa cả lượng và giá suốt từ năm 2023 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giảm lãi, thậm chí thua lỗ dẫn đến nợ tiền mua lúa của nông dân kéo dài.

Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả lượng và giá. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng mạnh; đạt 3,2 triệu tấn tăng gần 12% và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023.

"Ông lớn" ôm lỗ, nợ nông dân hàng trăm tỉ đồng

Một trong những thương hiệu gạo quen thuộc là Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Năm 2023 công ty này ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỉ đồng, tăng 18% nhưng lại lỗ sau thuế hơn 19 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 75 tỉ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức lỗ kỷ lục này là do trong năm 2023 ngoài việc lỗ tỷ giá thì các chi phí gồm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đều tăng vọt. Đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Trung An đạt 715 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỉ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác ghi nhận lỗ nặng trong năm 2023 là Công ty CP XNK An Giang (Angimex), lỗ đến 208 tỉ đồng. Nguyên nhân là doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước; do biên lợi nhuận gộp co hẹp từ mức 5% xuống còn 2% trong khi chi phí lãi vay tăng 18%.

Lộc Trời thường xuyên trúng thầu Indonesia với giá thấp là một phần nguyên nhân thua lỗ

Lộc Trời thường xuyên trúng thầu Indonesia với giá thấp là một phần nguyên nhân thua lỗ

L.T

Đáng nói, một tên tuổi lớn trong ngành lúa gạo là Lộc Trời cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nợ nần. Theo báo cáo kiểm toán, năm 2023 Tập đoàn Lộc Trời chỉ lãi ròng 16 tỉ đồng, giảm 94% so với báo cáo trước kiểm toán (265 tỉ đồng). Theo Lộc Trời, lợi nhuận giảm sau báo cáo kiểm toán vì điều chỉnh doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng và khoản lãi từ công ty liên kết giảm.

Đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỉ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2023. Có đến 96% doanh thu của công ty đến từ lĩnh vực lương thực. Dù doanh thu tăng nhanh nhưng không bằng biên độ tăng của giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 10% xuống còn 245 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng hơn 28% lên 188 tỉ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay và khoản lỗ tỷ giá. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỉ đồng, tăng thêm 15 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Kinh doanh thua lỗ, Lộc Trời còn đối mặt với tai tiếng khi nợ tiền nông dân ở An Giang cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL hàng trăm tỉ đồng. Theo cập nhật từ Lộc Trời, tính đến ngày 1.5 vẫn còn nợ tiền mua lúa của nông dân An Giang 176 tỉ đồng, ngoài ra nợ tiền nông dân ở các tỉnh thành khác trong khu vực ĐBSCL là 472 tỉ đồng. Hiện tại, Lộc Trời đang thu xếp trả nợ cho nông dân hằng tuần và dự kiến sẽ trả dứt nợ cho nông dân vào ngày 20.5.

Doanh nghiệp thua lỗ nặng vì thiếu kinh nghiệm

Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp ngành gạo cho biết: Về cơ bản thì ngành gạo là lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp và tính rủi ro cao. Vì dung lượng thị trường toàn cầu rất hẹp, chỉ khoảng 20 tỉ USD. Ngoài vấn đề mùa vụ, thời tiết; gạo còn là mặt hàng mang tính chính trị cao nên thường biến động khó lường. Chưa kể những năm gần đây, tại VN nhiều người không có kinh nghiệm cũng nhảy vào lĩnh vực này khiến thị trường vốn nhạy cảm càng thêm bất ổn.

Một chuyên gia trong ngành dẫn chứng, phương án kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là một bí mật. Nhưng nếu nhìn vào kết quả thầu công khai từ Indonesia từ cuối năm ngoái đến nay có thể thấy các doanh nghiệp VN luôn là những người chào giá thấp nhất. Cụ thể đợt mở thầu gần nhất hồi tháng 4, doanh nghiệp các nước chào giá từ 608 - 617 USD/tấn thì các doanh nghiệp VN chỉ có 585 - 590 USD/tấn. "Nếu so với giá gạo nội địa cùng thời điểm thì giá trúng thầu thấp hơn giá thành. 

Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều kinh nghiệm và nguồn cung lâu năm nên có thể cân đối được. Trong khi đó, những doanh nghiệp tư nhân bán dưới giá thành vì có những nhu cầu và kế hoạch kinh doanh khác. Do bán dưới giá thành nên một số doanh nghiệp càng xuất nhiều càng lỗ lớn và hố sâu nợ nần mỗi ngày một lớn. Mặt khác, việc này cũng vô tình phá giá gạo VN trên thị trường thế giới. Trong những doanh nghiệp tham gia thầu Indonesia thì có thể thấy Lộc Trời là doanh nghiệp non trẻ khi mới chuyển qua lĩnh vực gạo trong vài năm gần đây", một chuyên gia phân tích.

Trước áp lực trả nợ tiền mua lúa cho nông dân, trong thông báo phát đi Công ty Lộc Trời thừa nhận: "Chấp nhận bán giá thấp để có tiền thanh toán sớm cho nông dân. Đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Indonesia và Philippines. Tới ngày 25.4, Lộc Trời đã xuất khẩu 88.000 tấn gạo trị giá trên 57 triệu USD và đang có kế hoạch giao tiếp 70.000 tấn trong tháng 5 - 6". Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng khẳng định sẽ chấp nhận bán lúa khô lại cho nông dân hoặc thậm chí hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính phí lưu kho. Hợp tác với các ngân hàng đang cho nông dân vay từ trước vụ. Chi trả lãi suất chậm trả tương đương 10%/năm cho bà con nông dân. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua lúa cho nông dân.

Lộc Trời nói, vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đảm bảo cho việc vận hành được ổn định nhưng nó cũng làm tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ điều chỉnh cân bằng nguồn vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Sự điều chỉnh này sẽ giúp nguồn vốn lưu động tối ưu hóa và ngày càng ổn định.

Vẫn có doanh nghiệp thắng lớn

Năm 2023, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) bán ra trên 1,5 triệu tấn gạo (trong đó xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn), thu về lợi nhuận trên 121 tỉ đồng. Quý 1/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN đạt doanh thu 3.462 tỉ đồng, tăng 37%; khấu trừ các chi phí, lãi sau thuế 168 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái; hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra trong năm 2024.

Indonesia tiếp tục mời thầu gạo tháng 5

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa ra thông báo mời thầu gạo tháng 5. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bulog đều đặn mở thầu nhập khẩu gạo mỗi tháng với số lượng bình quân khoảng 300.000 tấn/tháng. Gạo VN thường xuyên trúng thầu lớn nhưng giá gạo cũng thường xuyên ở mức thấp nhất trong những nguồn cung. Theo số liệu hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay VN đã xuất khẩu vào Indonesia gần 550.000 tấn gạo các loại với kim ngạch đạt 348 triệu USD với giá bán bình quân là 634,9 USD/tấn. Thị phần của Indonesia chiếm 17% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN. Năm 2024, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu đến 3,6 triệu tấn gạo và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines khoảng 4,1 triệu tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.