Xuất khẩu hơn tỉ USD, vì sao cây sắn vẫn bị hắt hủi?

08/04/2022 15:18 GMT+7

Thống kê kết quả xuất khẩu từ năm 2012 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sắn (khoai mì) và sản phẩm sắn năm cao nhất đạt tới 1,35 tỉ USD/năm, đứng thứ hai thế giới sau Thái Lan.

Xuất khẩu sắn (khoai mì) mỗi năm đạt trên 1,3 tỉ USD nhưng công nghệ chế biến vẫn còn thô sơ, lạc hậu

quang thuần

Ngày 8.4, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị "Phát triển sắn bền vững tại Việt Nam". Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 524.000 ha, phân bổ trên cả 4 vùng sinh thái trong toàn quốc, năng suất bình quân 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 10,69 triệu tấn củ tươi/năm và nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn củ tươi để chế biến ra 2,8 triệu tấn tinh bột sắn, 700.000 tấn sắn khô và trên 600.000 tấn bã sắn sấy khô làm thức ăn chăn nuôi... Cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Các nhà máy tập trung ở vùng Đông Nam bộ nên khu vực này đang mất cân đối nghiêm trọng giữa công suất chế biến và vùng nguyên liệu. Toàn vùng hiện có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn (chiếm 54,2% tổng số nhà máy chế biến trong cả nước), tổng công suất thiết kế 7,378 triệu tấn/năm, tuy nhiên công suất hoạt động thực tế chỉ đạt 4,767 triệu tấn/năm do phát triển nóng, tập trung nâng công suất chế biến nhưng lại không chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu dẫn đến các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu để sản xuất, phải mua 50 - 70% nguyên liệu sắn củ tươi với giá cao từ các vùng khác hoặc nhập khẩu để chế biến, tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu diễn ra phổ biến.

Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: Việc liên kết vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được 30% công suất sản xuất của mỗi nhà máy. Hiệp hội đã kêu gọi các nhà máy đầu tư ít nhất 500 - 1.000 ha, phấn đấu mỗi nhà máy có vùng nguyên liệu đảm bảo từ 40 - 50% công suất sản xuất, hạn chế việc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy trong khu vực và thậm chí cả ngoài khu vực. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương vẫn còn định kiến với cây sắn, vẫn cho rằng “cây sắn làm nghèo đất, ngành chế biến sắn ô nhiễm, không thân thiện với môi trường”. Do đó, trong quy hoạch cũng như phân bố cơ cấu cây trồng, cây sắn không được ưu tiên, không được chú trọng phát triển.

Hiện trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn, Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới và sử dụng công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, Thái Lan, chính vì vậy vấn đề nổi cộm trong chế biến sắn đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Các nhà máy xử lý chất thải chưa triệt để nên còn hiện tượng bốc mùi hôi, nước ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ hầu hết chỉ được trang thiết bị tự chế tạo hết sức đơn giản nằm rải rác gần khu dân cư và các làng nghề đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Theo Bộ NN-PTNT, định hướng đến năm 2025 - 2030 các nhà máy phải tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ chế biến, định hướng công nghệ thích hợp là công nghệ chế biến tinh bột sắn của Đức.

Về thị trường tiêu thụ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản này đạt trên 1,3 tỉ USD/năm nhưng Trung Quốc là thị trường chính, chiếm từ 90 - 94% sản lượng, trong đó hơn 65% sản lượng là xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai; công tác xúc tiến thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… còn chậm. Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội Sắn và các doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch để ổn định hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.