Xuất khẩu rau quả sang Mỹ, EU tăng mạnh

23/02/2023 06:34 GMT+7

Trái ngược sự sụt giảm của nhiều ngành hàng, xuất khẩu rau quả của VN vào các nước Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường có nhu cầu lớn, doanh nghiệp tăng đơn hàng

Theo bà Đỗ Linh Nhâm, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xuất khẩu rau quả trong tháng đầu năm 2023 đến các thị trường Mỹ và EU khá lạc quan. Trong tháng 1, doanh nghiệp này có 5 container xuất khẩu thành công, chủ yếu là rau quả chế biến, đóng hộp đến Mỹ và Nhật Bản. Đối với Mỹ, năm 2022, doanh nghiệp này xuất khẩu được 300 tấn đậu tương tươi tách vỏ. Đây là mặt hàng mà đối tác Mỹ rất thích vì vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa dùng làm nguyên liệu chế biến đồ hộp hoặc đưa trực tiếp vào các bữa ăn công nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. "Đối tác Mỹ đặt hàng gấp 2 lần so với năm 2022 nhưng chưa thể chốt đơn. Vì chúng tôi còn phụ thuộc vào vùng nguyên liệu ở VN và phải cân đối với các thị trường khác", bà Nhâm nói.

Xuất khẩu rau quả sang Mỹ, EU tăng mạnh - Ảnh 1.

Công nghệ xử lý bảo quản quả bưởi tươi trong 90 ngày giúp trái cây được xuất khẩu rất mạnh sang Mỹ bằng đường biển

Mạnh Hưng

Cũng là doanh nghiệp đang xuất khẩu sầu riêng, bưởi vào Mỹ theo đường biển, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết mỗi tuần doanh nghiệp này có 3 - 4 container hàng đến Mỹ. Đặc biệt, từ khi Mỹ cho nhập khẩu bưởi tươi từ VN, lượng đơn hàng tăng lên rất nhanh. "Đang cuối mùa thu hoạch nên sản lượng bưởi xuất khẩu có giảm sút so với tháng 1 nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cực kỳ tiềm năng cho bưởi VN", bà Vy cho hay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho rằng trái ngược với dự báo lạm phát, suy thoái kinh tế ở các nước EU, Mỹ khiến nhu cầu nhập khẩu bị cắt giảm nhưng vừa qua, xuất khẩu các sản phẩm rau quả của VN vào các thị trường này tăng trưởng rất ấn tượng. "Khảo sát trong tháng 1, nhiều doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, giá cước vận tải đường biển đã giảm về mức trước khi có dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp VN đang xuất khẩu rất thuận lợi", ông Tùng thông tin.

Tăng sản phẩm chế biến, kiểm soát chặt chẽ chất cấm

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), năm 2022, ngành nông nghiệp có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở thị trường EU so với năm 2021. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng năm 2022 tăng 42,1%; gạo tăng 63,9%, rau quả tăng 20,2%; thủy sản tăng 32,9%... Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định EVFTA được thực thi, nhiều loại thuế quan được cắt giảm giúp nông sản VN dễ xâm nhập thị trường EU hơn. Thực tế, các doanh nghiệp khối EU quan tâm nhiều hơn đến thị trường VN. Cũng theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, một trở ngại lớn của hàng VN xuất khẩu vào EU là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng xanh của EU.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho rằng các doanh nghiệp không nên e ngại thị trường EU vì đây là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, phải có đủ số lượng hàng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm. Nếu doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, có nhà máy chế biến hiện đại… sẽ từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật để đặt chân được vào thị trường EU, rộng hơn là cả châu Âu. Cũng theo ông Khuê, đối với ngành rau quả, châu Âu là thị trường nhập khẩu rất lớn, chiếm 45% tổng nhu cầu của cả thế giới, trong đó VN có nhiều mặt hàng rau quả nhiệt đới là thế mạnh so với nhiều nước khác.

Còn theo bà Đỗ Linh Nhâm, nếu xét về khoảng cách địa lý, Mỹ và EU không phải là những thị trường lợi thế trong khi rau quả của VN chủ yếu xuất khẩu tươi. Nhưng ở những thị trường này có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm rau quả chế biến, đóng hộp. Theo đó, bà Nhâm cho rằng để chủ động có nguồn hàng xuất khẩu ổn định quanh năm, các doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ chế biến sâu.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay đầu tháng 2 đã có khoảng 20 doanh nghiệp VN tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Đức và có một số hợp đồng được ký kết thành công. Ngoài ra, từ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới đến nay, Hiệp hội Rau quả VN đón nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ Đông Âu sang tìm hiểu các vùng sản xuất rau quả. Còn tại Mỹ, xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây dự báo tăng mạnh trong năm nay.

Mỗi thị trường EU, Mỹ đều đặt ra những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên để xuất khẩu bền vững vào các thị trường này, doanh nghiệp VN cần đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ việc sử dụng các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm; khắc phục tình trạng vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún diễn ra trong nhiều năm nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên ưu tiên đầu tư vào công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến rau quả để thúc đẩy xuất khẩu đến nhiều thị trường hơn. t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.