Chỉ là nụ, chưa là hoa là trái
Nhà thơ Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, cho biết việc trao giải cao nhất cho chùm thơ của nhà thơ Tòng Văn Hân nhận được đồng thuận cao. Trong số này có bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm đang gây xôn xao vì nhiều người cho rằng nó “chán quá”. Ông Hân là một trong hai tác giả nhận giải B (không có giải A) của cuộc thi. “Cả 4 giám khảo chung khảo đều đồng thuận trao giải cho chùm thơ của Tòng Văn Hân cả. Đó là các giám khảo Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu. Phải tin vào họ chứ”, ông Thụy nói.
Là người biên tập văn học lâu năm, ông Thụy đánh giá: “Tôi thấy nó chưa thể được giải cao được vì nó chưa thật nhuần nhuyễn về thi ca. Nhưng nó giải nhì thì lại được. Trong hội đồng chung khảo cũng nhất trí đánh giá thế. Trong mặt bằng này, tác giả được giải cũng nổi trội. So với những cuộc thi trước, có thể nó không có nét nổi bật bằng, nhưng đó cũng là điều bình thường. Không có bất cứ cái gì là chiếu cố hay châm chước. Ban giám khảo công tâm khi đánh giá”.
Về việc bài thơ đang bị chê trên mạng xã hội, ông Thụy nói: “Nhiều người băn khoăn nó chưa hay, thì do góc nhìn này góc nhìn khác, chúng tôi thấy điều đó là bình thường. Hơn nữa, cuộc thi văn thơ trong một năm thì cũng không có gì kỳ vọng lớn lắm”.
Trong khi đó, thành viên ban giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, cho biết: “Thoạt đầu tôi đề nghị không có giải nhất giải nhì, chỉ có giải ba và giải khuyến khích thôi. Nhưng sau đó mọi người chọn nói không có quả, có hoa ta mừng hoa, có nụ ta mừng nụ. Mọi người đều nhất trí trao giải nhì”. Ông Khoa cũng cho biết ban chung khảo chấm bằng cách đọc và thấy chùm nào trội thì chọn trao giải chứ không có barem điểm. Vào đến chung khảo có chừng 40 - 50 bài thơ vì trước đó ban sơ khảo đã làm việc kỹ rồi.
|
“Đa dạng thơ, đa dạng văn hóa”
Về bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm, ông Khoa nói lý do được trao giải chính là do sự nhân ái và giọng thơ riêng của nó. “Đấy là bài thơ nhân ái. Xưa nay việc chửi trộm gà nó khủng khiếp lắm, nó cay độc lắm. Nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mày nó là con thành đanh đỏ mỏ... Nhưng ở đây lời chửi đặc biệt, mong mày có nhiều gà. Bài viết bằng giọng chân thật, thật thà đúng như người dân tộc thiểu số nó mới được. Chứ nếu viết cho có vần có điệu chả khó gì đâu”, ông cho biết.
Nên đa dạng hóa, không nên đọc một kiểu, không phải cứ có vần mới là thơNhà thơ Trần Đăng Khoa, thành viên ban giám khảo |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nói thêm về đoạn thơ cuối bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Đoạn thơ nói đến chuyện con gái bà nhan sắc không bằng ai nhưng được 4 gia đình xin về làm dâu. “Vì sao người ta lại chọn cô con gái của bà mẹ chửi trộm gà này. Vì đấy là cô con gái của nhà tử tế. Người ta cần là cần một người tử tế, người đạo đức. Bây giờ chúng ta tôn vinh cái đó chứ cái gì nữa. Cái xã hội đang thiếu là đạo đức. Chính vì thế mà chúng tôi ủng hộ cái đó thôi. Nếu nó thật hay, tôi đã đề nghị giải nhất”, ông Khoa phân tích.
Tuy nhiên, cách giải thích quyết định trao giải cho Mẹ tôi chửi kẻ trộm vì tinh thần nhân ái, nhân văn của bài thơ vẫn không thật sự thuyết phục đối với những ý kiến chê bài thơ vì “nhân văn, nhân ái, trong sáng” không thể vượt trên các vấn đề thi pháp, ngôn ngữ... để trở thành tiêu chí đánh giá thế nào là thơ, chưa nói đến đánh giá thơ hay hoặc dở.
Về những ý kiến chê bài thơ không vần điệu, ngô nghê, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Nên đa dạng hóa, không nên đọc một kiểu, không phải cứ có vần mới là thơ. Bây giờ nhiều người làm thơ bỏ vần chứ. Vấn đề là nó có ý tứ, ý tưởng không và nó nói được điều gì với người đọc. Nên cởi mở để đọc thơ đa dạng”.
Về phần mình, khi chia sẻ trên mạng xã hội, TS Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định chùm thơ của Tòng Văn Hân có cái chất phác nên khi đặt bên cạnh những bài thơ quen thuộc về ngôn ngữ và điệu cảm xúc, chùm thơ lại gây ấn tượng dù không hoàn toàn tích cực. “Từ việc bài thơ này được giải, và có thể xem đây là bài thơ “dịch” một ngôn ngữ thiểu số sang một ngôn ngữ chính, ta có thể đặt vấn đề nhìn về thơ ca Việt Nam đương đại như một không gian đa ngữ”, theo ông Hiếu. Việc xuất hiện nhiều câu nhại lại bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm trên mạng xã hội, dù mang hàm ý chê bai, đùa cợt, cũng là một dạng “đối thoại” văn chương trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại đa dạng, đa chiều.
Nhà thơ Tòng Văn Hân: Tôi viết bằng chính giọng điệu của dân tộc mình
“Công việc chính của tôi là sưu tầm văn hóa dân gian. Tôi in gần chục quyển về văn hóa Thái rồi: văn hóa ẩm thực, văn hóa đồ chấm, quy trình làm nhà sàn cổ, tục cúng hồn vía… Tục cúng hồn vía là liên quan đến bài thơ này.
Người Thái giả sử nếu như có ai đó táy máy bắt trộm con gà, con lợn thì người bị mất không chửi đâu. Bởi vì người Thái quan niệm mọi bộ phận trên cơ thể con người đều có hồn vía. Nếu mà chửi thì hồn vía của miệng sẽ bị ô uế, bị tự ái, sẽ bỏ đi, sẽ khiến thân chủ chửi bị ốm đau hoặc bị làm ăn không nên, hoặc là nuôi con cái không khôn lớn, hay gặp xui xẻo.
Nếu biết chắc chắn ai ăn trộm của nhà mình thì người ta lẳng lặng báo cho trưởng bản. Trưởng bản tập trung những người có uy tín trong bản cùng nhau đến giáo dục người trộm tại gia đình người trộm. Họ gọi cả người mất trộm đến giảng hòa. Nếu mất một con gà thì đền một con gà. Thậm chí, hai bên còn gắn bó hơn trước vì ăn trộm tỏ lòng xin lỗi, nhà bị mất trộm có việc gì thì nhà ăn trộm đến giúp đỡ rất tự nguyện.
Người ta chê tôi cũng bình thường thôi. Tôi cũng sẽ vẫn viết như thế. Tôi viết để phục vụ cho chính đồng bào của mình mà. Các bài thơ tiếng Kinh khi tôi viết bằng tiếng Thái sẽ có giọng điệu mượt mà. Nếu nó dài ra một chút thì có thể sử dụng hát. Sắp tới tôi sẽ dịch bài này sang tiếng Thái. Tôi vẫn viết thơ song ngữ để đăng trên tạp chí dân tộc mà. Tôi viết bằng chính giọng điệu của dân tộc mình”.
|
Bình luận (0)