Sinh viên nên rời điện thoại, bước ra khỏi vùng an toàn

Hà Ánh
Hà Ánh
30/10/2019 19:28 GMT+7

Sinh viên cần bước ra khỏi ghế nhà trường, rời điện thoại và máy tính, ra khỏi vùng an toàn tìm một việc tình nguyện ở trường, cộng đồng và xã hội để phát triển bản thân.

Lời khuyên này được đưa ra từ “Diễn đàn việc làmkhởi nghiệp” trong khuôn khổ dự án nâng cao hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam nhằm tăng cơ hội việc làm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng nay 30.10.

Là người đi xin việc hay đối tác doanh nghiệp?

Tại diễn đàn này, bà Selena Lê, nhà sáng lập No Waste Vietnam, đã có những chia sẻ cho sinh viên về cách để có được việc làm sau khi ra trường. 
“Tôi tốt nghiệp ĐH gần 13 năm trước từ ngôi trường này nhưng chưa bao giờ có khai niệm đi xin việc. Năm 2013 khi còn là sinh viên năm 2 ngành ngữ văn Trung Quốc, tôi đã đầu quân cho một công ty của Nhật. Khi phỏng vấn người ta hỏi vì sao tôi nộp hồ sơ vào công việc yêu cầu người có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, tôi đã nói tôi có khả năng làm được. Buổi phỏng vấn chớp nhoáng nhưng hợp đồng làm việc của tôi đã kéo dài tới năm thứ 4 ĐH”, bà Selena Lê chia sẻ câu chuyện của mình.

Bà Selena Lê chia sẻ với sinh viên trong diễn đàn

Hà Ánh

 

Từ đó, người sáng lập No Waste Vietnam rút ra: “Sinh viên muốn mình sẽ là ai, là người xin việc hay đối tác của các doanh nghiệp. Với tôi không có khái niệm người xin việc làm mà chỉ có partner (đối tác), người hỗ trợ doanh nghiệp để cùng phát triển. Muốn vậy, bạn phải có nghệ thuật trở thành một đối tác ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”.
Muốn trở thành đối tác của nhà tuyển dụng, bà Selena Lê cho rằng quan trọng nhất là việc xác định được mục tiêu vì khi có mục tiêu bạn sẽ biết bước tiếp theo cần làm gì như học gì, trang bị kỹ năng nào…
“Các trường ĐH hiện có quá nhiều hoạt động để các bạn lựa chọn tham gia. Vấn đề còn lại là các bạn cần bước ra khỏi ghế nhà trường, khỏi điện thoại và máy tính, ra khỏi vùng an toàn tìm một việc tình nguyện ở trường, cộng đồng và xã hội để nhận ra được bản thân có thể đóng góp gì, hoàn thiện kỹ năng nào. Quan trọng hơn hết là từ chính những hoạt động đó, nhân sinh quan của bạn sẽ thay đổi”, nữ doanh nhân đưa ra lời khuyên.

Từ chối ứng viên có năng lượng kém

Từ thực tế quá trình tuyển dụng bản thân và môi trường xung quanh, bà Selena Lê đã chỉ ra nhiều vấn đề còn vướng của sinh viên dẫn đến hồ sơ xin việc không được chấp nhận. Cụ thể là rất nhiều kỹ năng còn thiếu như: giao tiếp, sáng tạo giải quyết vấn đề, kỹ năng thích ứng, đặc biệt kỹ năng phản biện rất kém.
Bà Selena Lê nêu ra nhiều hạn chế của người trẻ ngay những ngày đầu tiên đi làm như hay quên đồ, đi làm tuần đầu tiên nhưng có việc nghỉ, giao việc nhưng quên việc. Phần đông chỉ làm việc đúng giờ mà không có khả năng nán lại thêm 30-40 phút sau giờ làm việc.
“Tôi có nghe nói các bạn ăn mì tôm rất nhiều, chỉ đổi gió chút xíu là bệnh. Một người không có năng lượng, nhìn mệt mỏi, khi phỏng vấn nhìn không tập trung thì tôi không cần phỏng vấn thêm mà loại ra ngay. Vì một người như vậy thì làm sao có thể chịu đựng để vượt qua được thách thức trong công việc, đặc biệt là cấp quản lý cao hơn. Do vậy, bên cạnh kiến thức, kỹ năng thì sức khỏe và tinh thần luôn rất quan trọng”, bà Selena Lê nhấn mạnh.
“Những người mới ra trường là thường mơ màu hồng nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu mục tiêu. Vấn đề của hiện nay không phải là hệ thống giáo dục mà các bạn sinh viên không làm chủ được mình. Hiện nay khi người ở vùng quê đã biết cách thanh toán bằng ứng dụng điện thoại, sinh viên cần nghĩ đến mình sẽ là ai trong 5-10 năm nữa”, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhắn nhủ.
Với trường ĐH, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị: “Làm sao trường ĐH phải thay đổi để sinh viên sau khi ra trường, thậm chí chưa ra trường có thể làm được công việc ở Mỹ, Anh chứ không chỉ công ty nước ngoài tại Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.