Trong căn nhà 5 gian đã cũ nằm trên lưng chừng đồi, ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi, trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhớ lại như in ngày ông và em trai bị lực lượng chức năng bắt đi vì cáo buộc có liên quan đến việc sát hại bí thư thôn Vạn Thắng.
Tưởng chừng được sống cuộc sống bình dị bên gia đình sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, sáng 28.12.1979 (âm lịch), trong lúc đi làm mộ cho nhà người quen về, ông Chinh (thượng úy quân đội) nghe mọi người xôn xao bàn tán về việc có người thắt cổ trên đồi gần nhà. Sẵn bản tính tò mò, ông Chinh theo mọi người đến xem, nhưng do sợ nên ông chỉ đứng ở vòng ngoài mà không vào trực tiếp xem.
|
Khi biết thông tin người tử vong là ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, thì ông Chinh ra về.
Đến sáng 17.1.1980 (âm lịch), khi ông Chinh đang trồng lạc ở đồng thì lãnh đạo xã cùng Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tới đọc lệnh bắt ông về tội giết người, đồng thời đưa ông về nhà để thi hành lệnh khám xét.
“Trong lúc tôi còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông chủ tịch xã đọc lệnh “Trần Ngọc Chinh cùng đồng bọn giết người”, sau đó trói tôi bằng dây thừng đưa về nhà để khám xét. Trong nhà tôi không có một thứ gì là vũ khí giết người, công an khám xét hồi lâu rồi lấy đi đôi giày Liên Xô cũ và cây bút kim tinh”, ông Chinh kể.
“Trong lúc tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bị dẫn giải lên đồn, và đưa tới trại giam Phủ Đức (Phú Thọ) ngay trong chiều cùng ngày”, ông Chinh nhớ lại.
Những ngày chịu án oan
Tại trại giam, ông Chinh phát hiện ngoài ông, công an còn bắt thêm em ruột ông là Trần Trung Thám, ông Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký, với cùng cáo buộc.
Những ngày đầu, ông Chinh bị công an lấy cung 2 lần. Tuy nhiên, trong những lần lấy cung, ông một mực khẳng định không giết người và không hề liên quan đến vụ án. 8 tháng sau, ông bị cùm chân trong phòng biệt giam chỉ vừa 1 người ngồi và có 1 ô sáng.
“Sau những trận đòn, màn hỏi cung tôi vẫn một mực khẳng định mình không giết người thì có một tù nhân khác tên Sơn, mà tôi nghĩ do công an "cài" vào, khuyên tôi nhận tội thì sẽ được hưởng khoan hồng.
“Tội giết người phải chịu chung thân hoặc tử hình, mày nhận tội thì chỉ đi 3 năm mà thôi”, tù nhân tên Sơn nói. Tôi thốt lên: "Trời ơi! Tôi có giết ông Chu Văn Quản đâu mà tôi nhận". Khoảng 2 ngày sau đó, tên Sơn này biến mất khỏi buồng giam”, ông Chinh kể.
|
Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15.6.1983, ông Ký bị tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân.
Về phía 3 người chịu án oan, ông Thám, em trai ông Chinh, qua đời vào ngày 24.5.1980 tại Bệnh viện thị xã Phú Thọ với lý do mắc bệnh kiết lỵ, chuyển tới viện điều trị nhưng không qua khỏi. Ông Thám được Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu (đình chỉ điều tra bị can) vì không phạm tội giết người.
Ông Chinh, ông Đệ cũng được thả tự do vào tháng 10.1982.
Gần 40 năm gánh chịu sự ghẻ lạnh
Được trả tự do, người thượng úy oai phong ngày nào giờ đây hốc hác, chỉ còn khoảng 39 kg, mắt lồi ra vì gầy, vượt hơn 13 km từ trại giam để trở về với gia đình.
“Trở về nhà, gặp bố mẹ, tôi hét lên vì sung sướng: Bố ơi, mẹ ơi, con là Chinh đây! Con được ra tù rồi bố mẹ ạ! Nhưng bố tôi trố mắt nhìn và hỏi: Mày là thằng nào chứ không phải Chinh. Vợ tôi chạy lại ôm tôi, chỉ biết gục đầu xuống và khóc”, ông Chinh nén nước mắt khi kể lại.
Chứng kiến cảnh gia đình ông Chinh hạnh phúc trong ngày đoàn tụ, dân làng chỉ đứng xa dè bỉu và cho rằng “thằng giết người mãn hạn tù, được thả rồi”, không một ai lui tới hỏi thăm, chia vui.
Thời điểm ông Chinh bị bắt, một mình vợ ông phải nuôi 4 đứa con nhỏ và bố mẹ già, phải chịu sự ghẻ lạnh của làng xóm, cho đến khi ông về, và tới tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa hiểu chuyện ông bị oan.
“Thời bao cấp, vợ tôi phải đi vay từng củ sắn, củ khoai để lo bữa ăn cho gia đình. Các con thì phải nghỉ học, không ai chơi cùng vì bị bạn bè kỳ thị có bố giết người. Cho đến tận bây giờ, bên thông gia vẫn chửi con gái tôi “thằng bố mày là kẻ giết người”, giọng ông Chinh nghẹn lại.
|
Không cam chịu sự ghẻ lạnh, mang án oan giết người, ông Chinh bắt đầu viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng đề nghị đính chính thông tin và minh oan cho bản thân, em trai và hàng xóm để có thể hòa nhập với cộng đồng trở lại, nhưng không được hồi âm.
“Tay tôi viết hàng trăm lá đơn gửi đi, các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện, tỉnh,... cho đến trung ương, nhưng đều không được hồi âm, hoặc chỉ nhận lại thông báo đã chuyển đơn lên cấp trên”, ông Chinh nói.
Anh Trần Văn Mạnh (43 tuổi, con trai ông Thám) cho hay từ ngày bố bị bắt rồi tử vong, cả 3 anh em đều phải nghỉ học vì gia đình không có tiền, bạn bè xa lánh, mấy anh em “có bố giết người” chỉ biết lủi thủi chơi với nhau.
Tới năm anh Mạnh lên 19 tuổi, biết suy nghĩ, thấy bố chết oan, đã đi khắp nơi để minh oan cho bố.
“Vì lúc xảy ra sự việc, tỉnh Vĩnh Phú bao gồm cả Phú Thọ và Vĩnh Phúc, nên tôi tới Vĩnh Phúc thì họ lại đẩy về Phú Thọ vì họ nói bị bắt đâu thì giải quyết ở đó. Khi tôi về Phú Thọ thì họ lại chỉ tôi về Vĩnh Phúc vì cho rằng xảy ra ở đâu thì giải quyết ở đó”, anh Mạnh kể.
Sau đó, anh Mạnh cùng ông Chinh và gia đình ông Đệ đi khắp nơi để gửi đơn kêu oan, nhưng cũng chỉ nhận lại sự im lặng.
|
Đến khoảng tháng 3.2019, anh Mạnh đăng tải câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội thì được luật sư Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Thái Hưng và cộng sự (Đoàn luật sư Vĩnh Phúc), tới gặp trực tiếp trao đổi và giúp đỡ đi tìm công lý cho gia đình.
“Ngày 9.10, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng các bên liên quan tổ chức buổi xin lỗi trực tiếp và đính chính công khai về việc bố tôi, bác tôi và ông Đệ phải chịu án oan, sai về tội giết người suốt gần 40 năm qua. Tuy nhiên, gia đình tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng phải bồi thường danh dự, kinh tế tổn thất cho các gia đình trong suốt thời gian chịu oan sai”, anh Mạnh nói.
Bình luận (0)