3 ngày 5 trận động đất: Cần giải mã hiện tượng động đất 'chùm'

Thu Hằng
Thu Hằng
29/11/2019 04:45 GMT+7

Chỉ trong 3 ngày, tại H.Trùng Khánh (Cao Bằng) xảy ra 5 trận động đất mạnh 2,6 - 5,4 độ Richter. Đây là đợt động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại khu vực này, khiến ở Hà Nội cũng cảm nhận được dư chấn.

6 giờ 49 phút 50 giây ngày 28.11, khu vực H.Trùng Khánh xảy ra động đất tại vị trí có tọa độ 22.844 độ vĩ bắc, 106.581 độ kinh đông, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Đây là trận động đất thứ 5 xảy ra tại địa phương này chỉ trong 3 ngày qua. Chưa kể còn có thêm 2 trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), chỉ cách H.Trùng Khánh khoảng 1 km.

Nhiều trường học, nhà dân nứt tường

Ông Đàm Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND H.Trùng Khánh, cho hay trận động đất thứ 5 không mạnh bằng trận đầu tiên nhưng người dân địa phương cảm nhận rõ sự rung lắc. Theo UBND H.Trùng Khánh, các trận động đất đã khiến 24 trường học nứt tường, nhiều nhà dân bị xô mái ngói, nứt tường; lở núi cũng làm hư hỏng 1 ô tô và ảnh hưởng hoa màu của người dân. Chính quyền huyện đã phải ra văn bản chỉ đạo các trường học, cơ quan, đơn vị cảnh báo các địa điểm có nguy cơ xảy ra động đất hoặc sạt lở; đồng thời hướng dẫn người dân cảnh giác để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất nếu động đất tiếp diễn.
Theo Viện Vật lý địa cầu, những trận động đất mạnh nhất ghi nhận được ở VN gồm: động đất tại Điện Biên năm 1935, xảy ra trên đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu và động đất Tuần Giáo năm 1983 xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La, đều có độ lớn lên tới 6,8 độ Richter. Trên thềm lục địa nam Trung bộ, năm 1923 xảy ra trận động đất có độ lớn 6,1 độ Richter, phát sinh do sự phun trào của núi lửa Hòn Tro.
T.Hằng
 
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), sau mỗi trận động đất lớn thường có các trận động đất nhỏ, còn gọi là các dư chấn dao động cho đến khi tắt hẳn. “Cao Bằng nằm trên đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, được đánh giá là đứt gãy cấp độ 2; có khả năng phát sinh động đất, nhưng không thuộc khu vực có động đất mạnh. Tuy nhiên, để “giải mã” hiện tượng động đất “chùm” cần phải có thời gian. Viện Vật lý địa cầu đã cử các nhà khoa học lên Cao Bằng khảo sát, nghiên cứu và sẽ công bố kết quả trong thời gian sớm nhất”, ông Phương cho hay.

Xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó

Trước lo lắng của người dân, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết mỗi trận động đất lớn đều có tiền chấn và dư chấn. Những trận động đất xảy ra trong 3 ngày qua là dư chấn của trận động đất 5,4 độ Richter. Ngoài nứt tường, tại khu vực này đã có hiện tượng núi lở, đá lăn, sụt lún đường giao thông. “Đây là hiện tượng đáng chú ý, cần tuyên truyền cho người dân; đồng thời di dời nhà cửa ở khu vực chân núi để đảm bảo an toàn”, ông Xuân Anh khuyến cáo.
Còn theo GS-TS Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội Kiến tạo VN, Cao Bằng không phải là khu vực có các trận động đất lớn mà khu vực Điện Biên mới là khu vực có đứt gãy sinh chấn lớn nhất VN và thường xuyên xảy ra các trận động đất; sau đó đến các khu vực sông Mã, sông Cả được xem là các đới đứt gãy lớn có khả năng sinh ra dư chấn. Cũng theo GS-TS Phan Trọng Trịnh, trận động đất cường độ 5,4 độ Richter tại Cao Bằng không phải là lớn. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ nguy hiểm của các trận động đất, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu đứt gãy đang hoạt động, tính phân đoạn của đứt gãy đang hoạt động và chu kỳ lặp lại của các trận động đất.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương cho hay dù chưa thể dự báo sẽ còn bao nhiêu trận động đất nữa, nhưng trong những ngày tới, khả năng sẽ còn có những dư chấn. “Người dân cần bình tĩnh, bởi những dư chấn về sau thường không mạnh và có cường độ giảm dần. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần đưa ra kịch bản sẵn sàng ứng phó với các trận động đất”, ông Phương nói.

Nhà cao tầng có an toàn?

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết những rung chấn tại các nhà cao tầng ở Hà Nội vừa qua là ảnh hưởng của sóng từ chấn tâm động đất tại Cao Bằng và diễn ra chỉ khoảng 10 giây, hoặc chỉ có thể phát hiện khi quạt trần, đèn trong nhà rung lắc. Người dân Hà Nội không cần quá lo ngại do các nhà cao tầng mới xây ở Hà Nội và cả nước nói chung đều được tính toán, thiết kế, thi công đảm bảo khá tốt khả năng kháng chấn.

Ông Nguyễn Đại Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST - Bộ Xây dựng), cho biết từ năm 1997, VN đã áp dụng quy chuẩn kháng chấn theo tiêu chuẩn nước ngoài. Đến năm 2006, tiêu chuẩn về kháng chấn, động đất ở VN được ban hành, nên nhà cao tầng được xây dựng từ năm 2006 ở Hà Nội đều được thiết kế, thi công có kháng chấn. Theo tiêu chuẩn này, nhà dưới 20 tầng được thiết kế, thi công để chịu được động đất đến cấp 7 (độ MKS - đơn vị tính động đất quốc tế, tương đương tối đa 5,9 độ Richter). Nhà cao tầng trên 20 tầng phải cộng thêm hệ số, tương đương chịu được động đất cấp 8 (độ MKS - tương đương tối đa 6,8 độ Richter).
Đối với các công trình nhà chung cư cũ được xây dựng đã vài chục năm qua, đặc biệt là những khu xây theo phương thức lắp ghép tấm lớn thì tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu có động đất mạnh. Vì vậy, cần sớm có phương án tái thiết để tránh hậu quả nếu có động đất.
Lê Quân
Theo các nhà khoa học, dự báo động đất rất khó; nước có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản cũng chưa thể dự báo được. VN nằm ngoài các vành đai lửa, có thể tránh được những trận động đất hủy diệt nhưng cũng tồn tại các đứt gãy hoạt động, có khả năng phát sinh động đất, núi lửa và sóng thần. Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu nói các nhà khoa học đang thu thập thông tin để đề xuất nghiên cứu bản đồ phân vùng dự báo động đất trên cả nước. “Mỗi năm có vài chục trận động đất ở mức độ trung bình xảy ra tại VN và thường xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc. Hiện nay chúng ta chỉ có thể dự báo được cấp độ mà chưa thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Vì vậy, cần có những hiểu biết và biện pháp cần thiết để ứng phó với hiện tượng này trong cuộc sống”, ông Phương nói và cho rằng trong những năm tới, động đất sẽ không giảm nên các biện pháp phòng chống, giảm thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra cần phải được chú trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.