Sáng nay (20.2), Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức Hội nghị góp ý đề án "Xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030".
Bia sẽ là 'đặc sản' hút du khách đến với TP.HCM ?
Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 được Sở Du lịch TP đặt hàng công ty Roland Berger - 1 trong 3 tập đoàn tư vấn chiến lược lớn và uy tín hàng đầu trên thế giới - triển khai với nhiều hình thức thu thập thông tin, dữ liệu như khảo sát thực địa , khảo sát trực tuyến, nghiên cứu chuyên sâu thông qua 14 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước...Từ đó, Roland Berger đã tổng hợp, đưa ra đánh giá chuyên sâu về tình trạng ngành du lịch thành phố, làm nền tảng cho đề xuất các sáng kiến, giải pháp, chương trình hành động phát triển du lịch TP.HCM trong thời gian tới.
Trình bày đề án, đại diện Roland Berger cho biết chiến lược đã xác định tầm nhìn du lịch TP.HCM đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm nhữnh giá trị khác biệt của di sản văn hoá, lối sống trong một thành phố an toàn, thông minh, mang đến sự hứng khổ và cảm xúc trên mỗi hành trình.
Việc thực hiện chiến lược một cách đúng đắn sẽ đưa TP.HCM vào top 20 điểm đến toàn cầu, top 5 điểm đến hàng đầu châu Á và top 4 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, cũng như cải thiện thời gian lưu trú của khách quốc tế và duy trì thời gian lưu trú khách nội địa.
Để thực hiện tầm nhìn và những mục tiêu đặt ra ở trên, khung chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến 2030 bao gồm 5 chiến lược phát triển then chốt, đó là: sản phẩm; thị trường; thương hiệu và marketing; cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ hỗ trợ; các nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp.
Về sản phẩm, các nhà nghiên cứu đánh giá hiện tại TP.HCM chưa có định vị sản phẩm đặc thù và vượt trội so với các khu vực khác trong khu vực. Chiến lược về sản phẩm đã chỉ rõ 3 nhóm sản phẩm có thể khai thác trở thành "đặc sản" của TP.HCM. Trong đó, nhóm sản phẩm cốt lõi đó là văn hóa di sản, ẩm thực và mua sắm; nhóm sản phẩm tạo sự khác biệt là hoạt động giải trí về đêm, sản phẩm thiên nhiên và thám hiểm; nhóm sản phẩm của tương lai là y tế, chăm sóc sức khỏe và kinh doanh, MICE.
Đặc biệt, chuyên gia từ Roland Berger chỉ ra rằng bên cạnh những món ăn vốn quá nổi tiếng, gắn liền với hình ảnh ẩm thực Việt Nam như phở, bánh mỳ, tại TP.HCM còn rất nhiều đồ ăn, thức uống đặc biệt có thể làm nên thương hiệu cho thành phố.
"TP.HCM có văn hóa uống cà phê, uống bia rất hay. Hiếm có nơi nào trên thế giới có thể cung cấp nhiều loại bia cho du khách như tại TP.HCM. Đây có thể trở thành sản phẩm khác biệt, mang tính đặc trưng làm nên thương hiệu riêng cho du lịch thành phố." - vị này nói.
Liên kết để tận dụng nguồn lực từ các địa phương
Góp ý cho chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong chiến lược du lịch của thành phố mới chỉ nêu các tour tuyến mà chưa đưa ra giải pháp liên kết với các tỉnh lân cận. Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu khá gần thành phố, vì vậy cần đẩy mạnh liên kết du lịch giữa tỉnh và TP.HCM để từ đó xây dựng các tour tuyến du lịch liên kết giữa hai tỉnh như các gói sản phẩm du lịch 1 ngày, 2 ngày…đi từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng mong mỏi liên kết phát triển du lịch với TP.HCM, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, TP.HCM có ngành du lịch phát triển nhất vùng vì vậy có thể kéo du lịch các vùng khác phát triển theo. Tỉnh Tây Ninh có các điểm du lịch như: núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ; hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và nhiều danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch…. Đặc biệt, Tây Ninh có ẩm thực phong phú, đa dạng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, các món chay của tôn giáo Cao Đài…rất phù hộp liên kết phát triển du lịch ẩm thực với TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh khi xây dựng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Theo ông Siêu, hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ, công nghệ cũng đi sâu rộng vào đời sống của người dân. Vì vậy chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM cần lĩnh hội công nghệ thông tin để ứng dụng phát triển ngành du lịch, đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân của khách hàng, xây dựng các tour du lịch chất lượng cao….
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh tiềm lực du lịch tại TP.HCM là cái hữu hạn, nhưng tiềm lực lớn để phát triển du lịch bền vững, căn cơ chính là tận dụng tiềm năng của các tỉnh, thành lân cận. Do đó, thành phố cần phải kết nối với các tỉnh lân cận như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để cùng nhau phát triển.
“Trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM cần khai thác thêm các yếu tố nghệ thuật. Thành phố hiện mới có sản phẩm du lịch, sự kiện thời trang, ẩm thực trong khi các show du lịch nghệ thuật, các buổi biểu diễn tầm cỗ quốc tế chưa nhiều…Đặc biệt, TP.HCM cần đẩy mạnh khai thác kinh tế về đêm, đây là thế mạnh của thành phố khi có sẵn các khu, điểm du lịch hoạt động về khuya như: khu phố Tây, khu ẩm thực…”, ông Hà Văn Siêu góp ý.
Bình luận (0)