Bác sĩ 83 tuổi dành trọn tâm huyết vì sức khỏe cộng đồng

11/06/2022 06:10 GMT+7

Nhìn cảnh con đánh cha, mẹ không dám nhìn con, vợ không nhìn chồng, những cảnh trộm cướp, chết chóc… do tệ nạn ma túy gây ra nhan nhản ai mà không bức xúc!

Ma túy đã làm băng hoại lớp trẻ, là tệ nạn đã ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, sức lao động của giống nòi.

Sáu mươi năm trong nghề y, ông hiểu rất rõ “ma túy” là một bệnh khó bỏ, là quỷ dữ đã giết hàng triệu người trong năm trên thế giới. Cai ma túy không thể nói bằng miệng mà lớp trẻ nghe theo, phải kiên quyết áp dụng những phương pháp y học để cai nghiện.

Đến tuổi về hưu (2005), nhưng ông đã lựa chọn cho mình con đường là dành tất cả cuộc đời còn lại tiên phong mở ra “cơ sở cai nghiện ma túy”; Chữa trị, châm cứu hầu giúp con nghiện cắt cơn để từ bỏ ma túy bằng con đường ngắn nhất. Ông là bác sĩ Võ Tấn Hưng (sinh năm 1939) hiện ở tại 99C Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Trong 63 tỉnh thành ở nước ta, có 9 điểm được cấp giấy chứng nhận hành nghề “cơ sở cai nghiện ma túy”. Tại ĐBSCL, duy nhất chỉ có cơ sở cai nghiện của bác sĩ Võ Tấn Hưng.

Bác sĩ Võ Tấn Hưng

Tôn Thất Lang

Cơ sở cai nghiện ma túy

Người tầm thước, gương mặt phúc hậu, nụ cười thật hiền, ông đã ở tuổi trên 80 nhưng không ai có thể ngờ rằng ông luôn tận tụy với công việc suốt ngày, có khi đến khuya, bận rộn xử lý những ca bệnh đang oằn oại, quậy phá, la hét... vì lên cơn nghiện.

Là một chiến sĩ trên mặt trận y học, nhất là cai nghiện, đòi hỏi phải dũng cảm, chịu đựng và chiến đấu trong âm thầm. Ông đã tìm ra phương pháp cắt cơn nghiện bệnh nhân ngay bằng châm cứu không sử dụng ma túy mà bệnh nhân vẫn không vật vã. Thời gian 10 - 15 ngày vừa cắt cơn vừa giải độc phục hồi sức khỏe. Đây là thời gian mà bác sĩ Hưng túc trực 24/24 giờ, dõi theo tiến triển và ngăn chặn những biến chứng của con nghiện. Tận mắt chứng kiến mới thấy được biết bao khó khăn xảy ra, biết bao triệu chứng đi kèm của con nghiện khi cắt cơn: mỏi mệt, rã rời, toát mồ hôi, tiêu chảy, đau bụng, nổi da gà, nở đồng tử, tức ngực, co giật, ói mửa, hôn mê, cao huyết áp, xuất huyết dưới da, ói máu…

Ông cho biết thường cơn nghiện nhẹ có chừng 10 triệu chứng, nghiện vừa từ 15 - 20 triệu chứng, nghiện nặng trên 20 triệu chứng.

Một số người cho rằng việc làm của ông có thể đem bệnh xã hội, bệnh thời đại mà mọi người lo sợ, xa lánh về gia đình. Nhưng với cái tâm trong sáng, thực hiện lời Bác Hồ dạy là chăm lo cho sức khỏe cộng đồng, từ đó, ông đã thuyết phục được gia đình chung tay cùng ông trước vấn nạn ma túy.

Ai một lần đến cơ sở cai nghiện mới biết đây là thành phần phức tạp, có nhiều bệnh nhân đang cai nghiện, công an đến đọc quyết định phạm pháp bắt đem đi. Có lúc vợ chồng đánh ghen nhau trong thời gian cai vì người yêu đến nuôi bệnh. Ngoài ra, con nghiện không chịu hợp tác lúc gia đình đem đến nhờ cai, thậm chí hăm dọa, phá phách đòi về. Khi cơn nghiện đòi hỏi, họ không tự kiểm soát, thậm chí có những lần bất ngờ bác sĩ Hưng bị đánh, không tránh né kịp. Ông thổ lộ: “Mình già rồi thế mà họ “bất nhơn” đấm mình mấy đấm, tức ngực mấy ngày liền. Có nhiều lúc nửa đêm họ la hét, gây áp lực đòi thuốc”.

Một mặt ông áp dụng y học đối với bệnh nhân cho cơn nghiện dịu xuống, một mặt phải trấn an vợ con, tạo niềm tin cho gia đình.

Với giọng từ tốn, ông nói: “Nhiều lúc tôi thấy sức mình có hạn, muốn nghỉ nghề nhưng bà con lại động viên, khuyến khích ủng hộ việc làm nhân đạo, xây dựng môi trường sống lành mạnh cho con em, xóa bỏ tệ nạn xã hội. Vả lại nghề này đã ăn sâu vào máu thịt nên vẫn tiếp tục..., tiếp tục suốt đời”.

Sau thời gian khoảng 15 - 20 ngày cắt cơn cai nghiện, ông trả bệnh nhân về với gia đình với ước mong gia đình giáo dục, tìm cho họ học nghề thích hợp, đưa họ đến với cộng đồng để làm lại cuộc đời.

Bác sĩ Võ Tấn Hưng chăm sóc con nghiện

Tận tụy với công việc

Sinh ra và lớn lên ngay trên vùng đất thép Củ Chi, đã từng tham gia chống Mỹ trong lực lượng Biệt động Sài Gòn, bị địch bắt đày ra Côn Đảo với những trận đòn “thập tử nhất sinh” trong nhà lao nên sức khỏe của ông bị ảnh hưởng cho đến bây giờ.

Được điều về làm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ năm 1982, trong công tác chuyên môn, tuy sức khỏe yếu song ông đã dày công nghiên cứu các đề tài khoa học, kỹ thuật phục vụ cho công việc chữa trị bằng châm cứu, đông y. Trong các công trình nghiên cứu, ông đã đem lại niềm hạnh phúc cho bệnh nhân như điều trị “thấp khớp mãn tính”. Phương pháp châm cứu Chôn chỉ CATGUT, để điều trị “cắt cơn hen” trong 10 lần châm cứu (40 ngày). Phương pháp châm cứu phục hồi “tiếng nói” sau di chứng liệt, viêm não, tai biến mạch máu não.

Đặc biệt là công trình nghiên cứu cải tiến ứng dụng phương pháp châm cứu “cắt cơn nghiện ma túy”. Việc làm này khiến ông tốn nhiều thời gian, công sức: Đi đến các trại ma túy học hỏi, tìm hiểu; Kết hợp với cơ sở cai nghiện Fatima, kết hợp người đến điều trị bệnh xã hội. Đề tài của ông được đánh giá cao trong hội nghị tổng kết 30 năm thừa kế, phát huy và phát triển y học dân tộc được tổ chức năm 1992 tại Hà Nội.

Trong hơn ba mươi năm điều trị cai nghiện ma túy, ông đã cắt cơn hơn 1.000 bệnh nhân nghiện ma túy có thời gian từ 6 tháng đến 15 năm. Kết quả điều trị cho thấy, sau khi châm cứu từ 5 - 10 phút là cắt được ngay cơn vật vã. Kết hợp đông y và châm cứu để cắt cơn là phương pháp an toàn, ít tốn kém nhất dành cho người nghiện muốn quay về con đường lương thiện.

Năm 1999, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Trong hội nghị toàn quốc năm 2003 tại Đà Nẵng về vấn đề “phòng chống tệ nạn ma túy”, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền Phạm Hưng Củng đã phát biểu: “Bác sĩ Võ Tấn Hưng ở Cần Thơ là một người dũng cảm, đã chiến đấu với ma túy giành lại con người”.

Kể cũng đúng thôi, con đường của bác sĩ Hưng đi không những gian khó, chông gai mà còn rất dễ bị lây nhiều mầm bệnh hiểm nguy đến tính mạng bản thân cũng như gia đình bất cứ lúc nào.

Quên mình giúp người

Cuộc đời và nghề nghiệp của ông không thể kể hết qua một vài trang báo, bởi quan niệm của ông không giống như một số người cho rằng “Đèn nhà ai nấy sáng, sống chết mặc ai, tội gì ta phải quan tâm đến người bên cạnh”.

Trong mười mấy năm qua, từ ngày nghỉ hưu đến nay ông không phí tuổi già với bao bộn bề lo toan cho cơ sở cai nghiện. Hiện nay, bệnh nhân mỗi ngày không dưới 70 người, ngôi nhà trở nên chật hẹp nên đã dời lên P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ. Ở đó, ông cùng con trai là bác sĩ Võ Tấn Sinh tiếp tục công việc điều trị dưới tên gọi “Doanh nghiệp tư nhân cai nghiện ma túy Võ Tấn Hưng”.

Ngoài ra, ông còn kết hợp với các nhà hảo tâm xây dựng 9 phòng thuốc nam, châm cứu miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện xây cầu miễn phí cho bà con qua lại tại P.Phước Thới.

Bác sĩ Võ Tấn Hưng, dù tuổi già nhưng vẫn phục vụ cộng đồng không mệt mỏi, chăm lo đời sống, sức khỏe người nghèo, giúp họ chữa bệnh, chống lại tệ nạn xã hội. Ông xứng đáng là Ủy viên BCH T.Ư Hội Châm cứu Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.