Bài học thú vị từ bữa ăn học đường

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/11/2019 00:00 GMT+7

Không chỉ là những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bữa ăn học đườn g với học sinh Nhật Bản là thời gian các em được học về tinh thần hợp tác, sự biết ơn, bảo vệ môi trường ...

Trong chương trình Đồng sáng tạo tri thức cho lãnh đạo trẻ của JICA đang diễn ra tại Nhật Bản, chúng tôi được quan sát, trải nghiệm bữa ăn học đường tại trung tâm cung cấp suất ăn Chuo, TP.Kurume, tỉnh Fukuoka.

Dùng thực phẩm địa phương để giáo dục tình yêu quê hương

Chị Minako Amai, chuyên gia dinh dưỡng, giáo viên thúc đẩy giáo dục ẩm thực, dẫn chúng tôi lên tầng 2, qua cửa kính có thể quan sát một dây chuyền đang làm ra những món ăn nóng sốt, thơm lừng cho các học sinh (HS) THCS trong TP.
Các món sau khi nấu xong sẽ theo xe tải chở về các trường, từ đó HS tự chia nhau cơm, đồ ăn từ các hộp, tự phân loại rác, thu gom bát đũa, để các bác lái xe chở về. “Không có nhân viên phục vụ cơm cho HS hay quét dọn nhà ăn. Ngay từ tiểu học, các em đã thay phiên nhau làm vai trò này. Đây là cách để các em tăng cường giao tiếp, học cách chia sẻ đồ ăn, kết nối với tất cả mọi người. Tất cả các em đều được dạy phải ăn hết đồ ăn, không kén chọn, để yêu sinh mệnh, biết ơn người làm ra món ăn đó”, GS Hitoshi Sato của Trường ĐH Fukuoka chia sẻ.
Bài học thú vị  từ bữa ăn học đường

Một phần ăn thông thường của học sinh THCS tại TP.Kurume

Ở Nhật Bản, giáo viên thúc đẩy giáo dục ẩm thực có vai trò quan trọng, không chỉ thiết kế những bài giảng dùng cơm suất (chia sẻ ngay trong giờ ăn, hoặc lồng ghép vào các môn học), họ còn phát hành những bản tin về ẩm thực. Ví dụ hôm nay ăn cá sa ba sốt củ cải mài, củ ngưu bàng xào thịt bò, súp tương miso, sẽ có những câu chuyện thú vị về các nguyên liệu, ý nghĩa văn hóa của những món này. “Nó được in vào giấy phát cho các em, hoặc các em cùng nghe ở bản tin radio của trường”, chị Minako Amai nói.
Việc xây dựng thực đơn cho trường học tại Nhật Bản không chỉ gói gọn ở cân bằng dinh dưỡng, mà mỗi thực đơn còn là một mẫu để các bà nội trợ có thể xây dựng bữa ăn cho gia đình, còn các HS có trải nghiệm phong phú về ẩm thực. Chị Minako Amai cho hay, tùy theo lễ tết, bữa ăn học đường sẽ thay đổi. Suất ăn trong dịp lễ Vu lan sẽ có khác biệt với dịp tết, hay Tết Trung thu… Ngoài món ăn Nhật Bản, các em có ngày ăn món Ấn Độ, Hàn Quốc hay cả VN để hiểu thêm về ẩm thực thế giới. Bên cạnh đó, một nguyên tắc quan trọng trong bữa ăn học đường, đó là người Nhật tích cực sử dụng thực phẩm của địa phương. “Không chỉ luôn tươi mới hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn, qua củ cải hay cà tím, bông cải… trồng nơi này, chúng tôi dạy các em thêm biết ơn người nông dân, thêm yêu quê hương nơi các em sinh ra và lớn lên”, chị Minako Amai chia sẻ.

Có luật cơm suất trường học

Ông Shinohara, Giám đốc trung tâm cung cấp suất ăn Chuo, cho hay tại các trường của Nhật đều có chương trình ăn thử bữa ăn học đường, người tham gia là cha mẹ học sinh. Vừa cùng ăn thử suất ăn xem ngon chưa, cần điều chỉnh gì không, phụ huynh cùng lắng nghe chia sẻ của các cô giáo về cách đảm bảo dinh dưỡng cho con ở nhà.
Điều đặc biệt, đó là tại Nhật Bản có luật cơm suất trường học. Có 7 quy định trong luật cơm suất trường học. Đó là, phải duy trì và nâng cao sức khỏe; hình thành thói quen ăn uống lành mạnh; giáo dục tính xã hội, tinh thần hợp tác. Đồng thời, cơm suất trường học để giáo dục thái độ quý trọng sinh mệnh, bảo vệ môi trường; giáo dục lòng biết ơn; hiểu về sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Chị Izumi, điều phối chương trình, cho biết nếu vi phạm luật cơm suất trường học, tùy vào sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Học quét dọn trước khi học chữ

Bữa trưa học đường là bắt buộc với tất cả HS tiểu học trên toàn nước Nhật. Mỗi suất ăn có một phần trợ giá của nhà nước. Từ cấp THCS trở đi, các em có thể mang cơm hộp (Bento) từ nhà, nhưng cách giáo dục qua bữa ăn học đường không thay đổi.
Trao đổi với PV, GS Hitoshi Sato, Trường ĐH Fukuoka, cho biết từ khi còn rất nhỏ trẻ em tại Nhật đã được giáo dục làm sao để giữ không gian xung quanh luôn sạch sẽ. Mỗi em phải thay giày trước khi vào lớp, thay giày khác để vào toilet, hay ra sân bóng. Việc trực nhật là một điều hiển nhiên, với tất cả HS ở đất nước này từ tiểu học. Trước giờ học, các bạn luân phiên làm sạch lớp học, sắp xếp bàn ghế, dọn tủ giày, lành lang…
“Con gái tôi học lớp 3, khi trở về nhà con cũng quét dọn. Chúng tôi quan niệm, việc học dọn dẹp phải được học trước khi học tiếng Nhật và các môn văn hóa. Nó không chỉ làm cho mọi thứ sạch hơn, mà còn nâng cao tinh thần của mỗi con người”, GS Hitoshi Sato nói.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.