Nhiều nền văn hóa đã từng lo ngại xu hướng toàn cầu hóa sẽ biến đổi dẫn các giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên, trên thực tế, các nét riêng văn hóa khi gặp gỡ nhau lại tạo nên xu hướng hội nhập và phát triển. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa 4.0, với khái niệm “thế giới phẳng”, cùng sự bùng nổ của Internet, thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ, cùng với đó là một nhu cầu vô cùng tận nguồn nhân lực toàn cầu.
Để không "vô hình" giữa môi trường đa văn hóa
PGS.TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) chuyên ngành Giao thoa và Quản trị đa văn hóa, từng chia sẻ: “Những tưởng khi du học hay hòa nhập vào môi trường quốc tế sẽ khiến bản thân mất đi những nét truyền thống; nhưng hóa ra truyền thống lại là thứ duy nhất khẳng định và nhận diện bản thân mình là ai để không vô hình, vô danh giữa một môi trường đa văn hóa”.
PGS. Mai cho rằng: “Mối lo chính vẫn là sự xung đột của các giá trị văn hóa khác nhau. Chúng ta học được một bài học thích đáng rằng, khi các giá trị văn hóa va chạm nhau, tính cách và đặc thù văn hóa không bị pha trộn mà ngược lại, trở nên xung đột mãnh liệt. Theo nhiều thống kê, 40% các chuyên gia không hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được gửi đi công tác ở nước ngoài vì không hiểu biết về văn hóa của nước sở tại chứ không phải vì họ kém cỏi ”.
Cùng câu chuyện toàn cầu hóa và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, TS. Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) nhận định rằng Việt Nam cũng đang chuyển dịch cùng với những thách thức này.
Theo thống kê của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ IVCE năm 2017, người Việt chi 4 tỉ USD/năm cho du học. “Người Việt không muốn thành người phương Tây. Họ muốn con họ có bằng cấp của phương Tây, nhưng vẫn muốn con cái giữ được nét nhuần văn hóa và suy nghĩ Việt ”, TS. Giang chia sẻ.
Những thách thức
Có thể thấy, toàn cầu hóa đang gây ra những tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế - xã hội của 95 triệu người dân Việt Nam. Trong đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là một nhu cầu cấp thiết của tiến trình hội nhập và phát triển đất nước mà còn là một giải pháp mang tính bền vững cho sự thịnh vượng của dân tộc.
|
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi không chỉ những gì “chúng ta làm” mà còn cả “chúng ta là ai”. Nó sẽ ảnh hưởng đến danh tính của chúng ta và tất cả các vấn đề liên quan đến nó: ý thức về quyền riêng tư, quan niệm về quyền sở hữu, mô hình tiêu dùng, thời gian, cách chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và nuôi dưỡng các mối quan hệ.
Có thể nói, giáo dục tạo ra nền tảng cốt lõi kiến tạo những công dân tốt trong cộng đồng tại quốc gia mình trước tiên, sau đó là công dân tốt của thế giới, đồng nghĩa với một nguồn nhân lực tốt.
Là gốc rễ của mọi vấn đề, giáo dục giúp chúng ta hiểu về quá khứ để đối diện với những thách thức của tương lai. “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đối cả thế giới” (N.Mandela).
Tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương
Theo TS. Đặng Hoàng Giang, trong bài toán nhân lực toàn cầu hóa hiện tại các giá trị chung toàn cầu mà chúng ta hướng tới phải là những giá trị phổ quát, kinh điển, cần thiết cho mọi quốc gia, xã hội, cộng đồng. Đó là những giá trị nhân bản: công bằng, bác ái, vị tha, bao dung, tôn trọng quyền con người. “Trên nền tảng của những giá trị cơ bản đó, chúng ta có thể suy nghĩ thêm về những giá trị văn hóa cần thiết cho một cuộc sống trong thế giới hiện đại, thế giới toàn cầu hoá”, TS. Giang nhận định.
Văn hóa được truyền giao theo con đường giao tiếp xã hội, chứ không phải là di truyền. Giao lưu và tiếp biến văn hoá là phương thức tồn tại của mọi nền văn hoá. Do đó, việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa phải được diễn ra bên trong những cộng đồng đầu tiên mà thế hệ 4.0 chung sống, bao gồm gia đình - lớp học, nhà trường - xã hội.
Từ những giá trị văn hóa, một đội ngũ nhân lực toàn cầu hóa "designed in Vietnam" sẽ ra đời.
Bình luận (0)