Bản tin Covid-19 ngày 1.3: Cả nước 114.144 ca mới | Ca nhiễm ở phía Bắc tăng nhanh vùn vụt

01/03/2022 19:45 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 1.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 1.3.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước công bố thêm 114.144 ca Covid-19 mới, 40.932 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 1.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 28.2 đến 16h ngày 1.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới, Sở Y tế Hà Giang đăng ký bổ sung 15.382 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 114.144 ca.

Trong ngày có 40.932 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế cũng thông báo về 86 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 40.338 ca.

Ngày 1.3: Công bố 114.144 ca Covid-19, 40.932 ca khỏi | Hà Nội 13.323 ca | TP.HCM 2.022 ca

Thông tin về 114.144 ca nhiễm Covid-19 vừa được công bố như sau:

  • 19 ca nhập cảnh.
  • 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 66.861 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (13.323), Quảng Ninh (4.011), Bắc Ninh (3.933), Nghệ An (3.864), Lào Cai (3.398), Hưng Yên (3.393), Sơn La (3.087), Nam Định (3.072), Phú Thọ (2.966), Vĩnh Phúc (2.913), Thái Nguyên (2.788), Hòa Bình (2.574), Lạng Sơn (2.534), Hà Giang (2.444), Hải Dương (2.355), Hải Phòng (2.309), Bắc Giang (2.209), Ninh Bình (2.174), Yên Bái (2.118), Đắk Lắk (2.116), Tuyên Quang (2.063), TP.HCM (2.022), Thái Bình (1.960), Khánh Hòa (1.880), Cao Bằng (1.718), Quảng Bình (1.659), Gia Lai (1.392), Đà Nẵng (1.387), Cà Mau (1.303), Bình Phước (1.291), Điện Biên (1.228), Hà Nam (1.095), Lâm Đồng (1.092), Lai Châu (1.045), Bình Định (995), Bà Rịa - Vũng Tàu (856), Đắk Nông (855), Bình Dương (846), Hà Tĩnh (786), Phú Yên (675), Quảng Trị (524), Tây Ninh (507), Thanh Hóa (493), Bắc Kạn (474), Quảng Nam (392), Quảng Ngãi (381), Bình Thuận (375), Thừa Thiên Huế (319), Bạc Liêu (218), Trà Vinh (198), Kon Tum (196), Bến Tre (193), Đồng Nai (163), Vĩnh Long (162), Cần Thơ (154), Long An (88), Kiên Giang (47), Đồng Tháp (32), Sóc Trăng (32), Ninh Thuận (32), An Giang (21), Tiền Giang (8 ), Hậu Giang (5).

Ngày 1.3.2022, Sở Y tế Hà Giang đăng ký bổ sung 15.382 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Hà Giang.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-5.094), Lai Châu (-618), Quảng Trị (-454).- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+1.392), Thái Nguyên (+1.296), Sơn La (+984).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 80.898 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 40.932 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.479.883 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.851 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.119 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 348 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 94 ca
  • Thở máy xâm lấn: 281 ca
  • ECMO: 9 ca

Từ 17h30 ngày 28.2 đến 17h30 ngày 1.3 ghi nhận 86 ca tử vong tại: Hà Nội (20), Thái Nguyên (6 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (5), Hải Dương (5), Ninh Bình (5), Bình Định (4), Bình Thuận (3), Hà Nam (3), Hà Tĩnh (3 ca trong 02 ngày), Hòa Bình (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Cao Bằng (2), Gia Lai (2), Kiên Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Hà Giang (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Nam Định (1), Quảng Bình (1), TP.HCM (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 94 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.776.222 mẫu tương đương 79.309.194 lượt người.

Trong ngày 28.2 có 1.574.507 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 194.970.502 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.190.280 liều: Mũi 1 là 70.744.790 liều; Mũi 2 là 67.456.673 liều; Mũi 3 là 1.444.684 liều; Mũi bổ sung là 13.979.774 liều; Mũi nhắc lại là 24.564.359 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.780.222 liều: Mũi 1 là 8.629.081 liều; Mũi 2 là 8.151.141 liều.

Tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2 ml

Hôm nay, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 457/QĐ-BYT (Quyết định 457) về “Sửa đổi điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12.6.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19".

Hôm nay 1.3, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tại Quyết định 475, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) - vắc xin Covid-19 Pfizer cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA Covid-19.

Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc xin mRNA Covid-19.

Tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2 ml

Dạng bào chế của vắc xin Pfizer: với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm; hỗn dịch tiêm.

Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Quy cách đóng gói: đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên mỗi lọ chứa 6 liều.

Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: mỗi lọ chứa 10 liều.

Vắc xin Pfizer được sản xuất tại các cơ sở: Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ; BioNTech Manufacturing GmbH, Đức; Pharmacia and Upjohn Company LLC (Pharmacia & Upjohn Company LLC), Mỹ; Hospira Incorporated (Hospira Inc.), Mỹ.

Quyết định 475 có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thua lỗ, nợ nần, nông dân Long An cắn răng chặt bỏ vườn Thanh Long

Đây từng là những gốc thanh long mang theo niềm hy vọng và bao nhiêu công sức của bà con huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Nhiều nhà vườn Long An bắt đầu chặt bỏ cây từ cuối năm 2021 đến nay

Nguyên Phạm

Khoảng 1 năm trở lại đây, hình ảnh này không còn quá xa lạ ở vựa thanh long lớn nhất Long An này. Dù tiếc nuối công sức chăm bẵm và số tiền đầu tư bỏ ra bao lâu nay, nhiều nhà vườn vẫn phải cắn răng chặt bỏ hàng trăm, hàng ngàn gốc cây.

Thua lỗ, nợ nần, nông dân Long An cắn răng chặt bỏ vườn Thanh Long

Nhiều nhà vườn rơi vào hoàn cảnh nợ nần đành phải phá vườn tính đường trồng cây khác

Nguyên Phạm

Một số chủ vườn cho biết, giá cả thanh long xuống rất thấp từ đầu năm 2021 đến nay, trước Tết Nguyên Đán 2022, có thời điểm giá thanh long bán sỉ tại vườn chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ nông dân rơi vào tình cảnh nợ nần chi phí phân bón, tiền vốn đầu tư đã vay ngân hàng và các chi phí nhân công khác. Càng làm càng lỗ, nhiều hộ bắt buộc phải tự tay chặt gốc những vườn cây mình đã dày công đầu tư.

Giá thanh long tại vườn ở thời điểm cuối tháng 2.2022 dao động khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg và biến động liên tục ở mức giá thấp; so với chi phí sản xuất thanh long xông đèn khoảng 10 triệu đồng mỗi công đất, người nông dân chỉ lỗ cho tới lỗ nặng, phần lớn nông dân trong vùng đã bỏ vụ trái mùa năm nay.

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn dự kiến sẽ tiếp tục ùn tắc, đóng cửa trong thời gian tới, gây nhiều khó khăn cho cả nhà nông và thương lai

Nguyên Phạm

Một số thương lái đã bao mua với giá cao từ đầu mùa, tuy nhiên giá thanh long bất ngờ lao dốc khiến thương lái bị đẩy vào thế khó khi bắt buộc phải nhập hàng từ nhà vườn. Tình hình giá cả liên tục biến động cũng khiến nhiều thương lái ngán ngẩm, không dám nhập hàng thêm.

Giá cả biến động liên tục công với thông tin Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông báo ngừng tiếp nhận xe chở nông sản khiến không chỉ giá thanh long mà các loại hoa quả khác như mít, dưa hấu cũng lao dốc bất ngờ.

Không sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 không triệu chứng

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437 ngày 27.2.2022 sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19” ban hành kèm theo Quyết định 250 ngày 28.1.2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại Quyết định 437, Bộ Y tế có sửa đổi nguyên tắc điều trị người bệnh Covid-19; các thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19. Trong đó, về nguyên tắc điều trị người bệnh Covid-19, với thuốc Molnupiravir, hướng dẫn mới bổ sung thêm nội dung: không sử dụng Molnupiravir cho F0 không triệu chứng (theo hướng dẫn cũ, thuốc dùng cho F0 không triệu chứng và F0 nhẹ điều trị tại nhà và cộng đồng).

Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 là Remdesivir và Molnupiravir.

Không sử dụng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cho F0 không triệu chứng

Đối với thuốc Remdesivir

  • Remdesivir chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở ô xy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập. Thuốc nên phối hợp với Corticoid (ưu tiên Dexamethason).
  • Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.
  • Chống chỉ định dùng Remdesivir với người có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc; người bệnh có men gan ALT tăng trên 5 lần giới hạn trên của khoảng giá trị bình thường.
  • Cần chú ý: trẻ em dưới 12 tuổi thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em.
  • Với phụ nữ có thai và nuôi con bằng sữa mẹ hiện chưa có dữ liệu đầy đủ. Không khuyến cáo sử dụng, trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
  • Theo dõi người bệnh trong thời gian truyền và trong vòng 1 giờ sau truyền để phát hiện và xử trí kịp thời phản vệ và các phản ứng tiêm truyền (nếu có).
  • Theo dõi tăng men gan trong quá trình sử dụng thuốc. Ngưng sử dụng thuốc nếu ALT tăng trên 5 lần giới hạn trên bình thường trong quá trình điều trị.

TP.HCM còn 36.000 liều thuốc Molnupiravir phát miễn phí

NGỌC DƯƠNG

Đối với thuốc Molnupiravir

  • Thuốc sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Không sử dụng trong các trường hợp gồm: F0 không triệu chứng, F0 nặng và nguy kịch.
  • Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
  • Thuốc chống chỉ định với người quá mẫn với Molnupiravir hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Các tình huống cần chú ý khi sử dụng Molnupiravir như sau: không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn... của thuốc.
  • Đối với phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản: cần sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Monulpiravir cuối cùng.

Theo Quyết định 437, F0 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà hoặc các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tùy theo tình hình dịch tại từng địa phương, với theo dõi, đánh giá diễn biến bệnh của nhân viên y tế.

Đánh giá mức độ như sau:

  • Mức độ nhẹ: là F0 có chỉ số SpO2 trên 96%; nhịp thở dưới 20 lần/phút; nhịp thở dưới 20 lần/phút.
  • Mức độ trung bình: là F0 có chỉ số SpO2 94 - 96%; nhịp thở 20 - 25 lần/phút; tổn thương trên XQ dưới 50% hoặc người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 1.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.