Bản tin Covid-19 ngày 10.11: Cả nước thêm 7.930 ca | 1,4 triệu người chưa được nhận hỗ trợ đợt 3

10/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 10.11 của Báo Thanh Niên được phát mỗi tối tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 10.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 7.930 ca Covid-19 mới, 1.254 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 10.11 cho biết tính từ 16h ngày 9.11 đến 16h ngày 10.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.930 ca nhiễm mới, 1.254 ca khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế cũng thông báo về 79 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 22.765 ca.Thông tin về 7.930 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.414), Đồng Nai (848), Bình Dương (627), An Giang (450), Tây Ninh (435), Tiền Giang (396), Kiên Giang (327), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Đồng Tháp (274), Bạc Liêu (234), Bà Rịa - Vũng Tàu (191), Đắk Lắk (181), Cà Mau (180), Vĩnh Long (157), Cần Thơ (139), Long An (132), Bình Phước (131), Khánh Hòa (122), Hà Giang (94), Bến Tre (87), Hà Nội (80), Trà Vinh (74), Hậu Giang (63), Gia Lai (61), Quảng Ngãi (57), Nghệ An (51), Ninh Thuận (50), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (44), Bình Định (39), Bắc Giang (36), Đắk Nông (36), Thanh Hóa (33), Nam Định (29), Đà Nẵng (26), Bắc Ninh (23), Hưng Yên (23), Quảng Nam (19), Hải Dương (18), Phú Yên (16), Quảng Bình (13), Kon Tum (11), Quảng Trị (11), Lạng Sơn (9), Tuyên Quang (8 ), Điện Biên (6), Hà Nam (6), Thừa Thiên Huế (6), Ninh Bình (5), Vĩnh Phúc (4), Cao Bằng (2), Thái Nguyên (2), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hòa Bình (1), Bắc Kạn (1), Hải Phòng (1), Thái Bình (1).
Ngày 10.11: Cả nước 7.930 ca Covid-19, 1.254 ca khỏi | TP.HCM 1.414 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-274), Hà Nội (-188), An Giang (-107).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+194), Tiền Giang (+189), TP.HCM (+138).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 7.596 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.076 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 987.758 ca, trong đó có 841.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (442.630), Bình Dương (240.974), Đồng Nai (74.913), Long An (36.122), Tiền Giang (19.099).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.254
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 844.054

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.620 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.617
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 588
  • Thở máy không xâm lấn: 91
  • Thở máy xâm lấn: 311
  • ECMO: 13

Từ 17h30 ngày 9.11 đến 17h30 ngày 10.11 ghi nhận 79 ca tử vong tại 14 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (43), Bình Dương (9), Long An (4), Tiền Giang (4), An Giang (4), Đồng Nai (3), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Bạc Liêu (2), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 69 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.765 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 132.663 xét nghiệm cho 237.046 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 23.370.536 mẫu cho 62.976.831 lượt người.

Trong ngày 9.11 có 1.646.940 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 93.962.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 62.806.992 liều, tiêm mũi 2 là 31.155.673 liều.

Gần nửa triệu người ở Bình Chánh đang chờ gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Chiều 9.11.2021, đoàn công tác của UBND TP.HCM đã có buổi kiểm tra về các chính sách hỗ trợ Covid-19 tại UBND huyện Bình Chánh.

Theo báo cáo của UBND huyện, trong gói hỗ trợ đợt 1, địa phương đã chi hỗ trợ cho hơn 35.000 lao động tự do với tổng số tiền hơn 53 tỉ đồng.

Đợt 2, huyện hỗ trợ cho hơn 50.000 lao động tự do (bao gồm của đợt 1 và số lao động tự do phát sinh chỉ đủ điều kiện hưởng đợt 2). Đồng thời, huyện Bình Chánh đã chi hỗ trợ cho 3.069 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hơn 187.000 hộ lao động có hoàn khó khăn.

Đợt 3, huyện đã chi hỗ trợ cho 330.000 người; đến nay còn hơn 472.000 người chưa được nhận hỗ trợ.

Gần nửa triệu người ở Bình Chánh đang chờ gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Huyện Bình Chánh kiến nghị TP.HCM sớm phân bổ nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho người dân trong đợt 3, đồng thời cho gia hạn thêm thời gian hoàn thành chi hỗ trợ.

Tại buổi làm việc ông Phạm Văn Lũy, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng đã nêu ra một số khó khăn trong việc chi hỗ trợ cho người dân như lực lượng mỏng, nhiều tổ trưởng tổ Covid-19 cộng đồng lớn tuổi và xin nghỉ,...

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đánh giá huyện Bình Chánh có tập trung công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời cho người dân hiểu về các quy định phòng chống dịch và chính sách an sinh xã hội, chủ động rà soát, ngăn chặn trục lợi, thực hiện nghiêm túc các quy định của UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẽ những khó khăn địa phương trong những tháng vừa qua.

Về vấn để chi hỗ trợ cho người dân, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đề nghị địa phương cần chủ động rà soát một lần nữa đối với những trường hợp trùng, không đúng diện thụ hưởng, không còn thực tế ở địa đảm bảo chi đúng đối tượng.

Liên quan đến vấn đề tài chính, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết huyện Bình Chánh đạt tỉ lệ chi trả thấp nhất trong 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các quận này đều tạm ứng ngân sách của địa phương từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện chi hỗ trợ.

Vì vậy, ông Lâm yêu cầu huyện tìm thêm phương án về kinh phí để giải quyết tình trạng chưa chi trả cho hơn 472.000 người.

Trước đó, ngày 8.11, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng thông tin gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 mới chỉ chi trả cho hơn 6,1 triệu người (đạt tỉ lệ hơn 81% so với danh sách khoảng 7,5 triệu người được thẩm định, phê duyệt). Vì vậy, vẫn còn khoảng 1,4 triệu người "chưa chạm tay" được gói an sinh đợt 3.

  • Phản ánh về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được xử lý trong 48 giờ

  • Bộ Y tế vừa có công văn về hướng dẫn quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 gửi Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế Bộ, ngành.

    Theo công văn, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đến nay, đã triển khai tiêm được hơn 90 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, tuy nhiên nhiều người đã được tiêm nhưng còn thiếu, không có hoặc sai thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ảnh hưởng đến việc xác định thông tin về tiêm chủng cho công dân.

    Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đơn vị phát triển xây dựng và đưa vào sử dụng chức năng "Phản ánh thông tin tiêm chủng Covid-19".

    Nhằm chuẩn hóa việc thực hiện tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế ban hành kèm theo hướng dẫn Quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.

    Trên cơ sở thông tin phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến việc cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, các cơ quan quản lý y tế (Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã) và các cơ sở tiêm chủng sẽ truy cập Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 thực hiện việc rà soát, phản hồi và cập nhật bổ sung thông tin chứng nhận tiêm cho người dân.

    Phản ánh về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được xử lý trong 48 giờ

    Cụ thể, các cơ quan quản lý y tế và cơ sở tiêm chủng phải thực hiện việc rà soát và cập nhật kết quả xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân trong vòng 48 giờ kể từ khi hệ thống ghi nhận thông tin phản ánh của người dân.

    Trường hợp thông tin phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 không có thông tin chính xác về điểm tiêm chủng, hệ thống sẽ lưu dữ liệu phản ánh trên Cổng thông tin, định kỳ hàng ngày các cơ quan quản lý y tế sẽ chủ động phân công cán bộ tiếp nhận và trực tiếp xử lý phản ánh tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn/login theo tài khoản được cấp để duyệt thông tin phản ánh cụ thể các trường hợp như sau:

    Trường hợp thông tin phản ánh của người dân không có thông tin điểm tiêm nhưng có thông tin tỉnh, thành phố (nơi tiêm) thì Sở Y tế/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp xử lý phản ánh trên Cổng thông tin.

    Trường hợp thông tin phản ánh của người dân không có thông tin điểm tiêm nhưng có thông tin tỉnh, huyện (nơi tiêm) thì Sở Y tế/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp xử lý hoặc cấp tài khoản và hướng dẫn cho Trung tâm Y tế huyện xử lý phản ánh trên Cổng thông tin.

    Trường hợp thông tin phản ánh của người dân không có thông tin điểm tiêm nhưng có thông tin tỉnh, huyện, xã (nơi tiêm) thì Sở Y tế/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp xử lý hoặc cấp tài khoản và hướng dẫn cho Trung tâm Y tế huyện/Trạm Y tế xã trực tiếp xử lý phản ánh trên Cổng thông tin.

    Trường hợp thông tin phản ánh của người dân trên Cổng thông tin có đầy đủ thông tin chi tiết về điểm tiêm chủng và thông tin các mũi tiêm, dữ liệu sẽ được đẩy thẳng về Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng tại địa chỉ tiemchungcovid19.moh.gov.vn.

    Các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện việc tiếp nhận và xử lý phản ánh thông tin chứng nhận tiêm chủng của người dân tại địa chỉ tiemchungcovid19.moh.gov.vn theo tài khoản được cấp để duyệt thông tin phản ánh.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay để đảm bảo công tác tiêm chủng được hiểu quả hơn nữa, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đó là việc đồng bộ, xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 (PC-COVID) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng.

  • Đồng Nai giải thể các chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ

    Sáng 10.11.2021, sau một tháng áp dụng “bình thường mới”, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định giải thể các chốt soát Covid-19 giáp ranh các tỉnh, thành phố khác. Từ thời điểm này, tỉnh Đồng Nai không còn chốt kiểm soát Covid-19.

    Cụ thể là 8 chốt trên các tuyến quốc lộ và 2 tuyến trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh với TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

    Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND các huyện, thành phố giải thể 13 chốt kiểm soát dịch Covid-19 cũng giáp ranh các tỉnh, thành khác nhưng do các đơn vị này lập nên.

    Đồng Nai giải thể các chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ

    Trước đó, từ 9.10, UBND tỉnh Đồng Nai chấm dứt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ, bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” .

    Đồng Nai đã cho mở lại hầu như tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bãi bỏ giấy đi đường, giải thể các chốt kiểm soát trong nội tỉnh, chỉ giữ lại các chốt giáp ranh với các tỉnh, thành khác.

  • Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nâng đỡ tương lai cho trẻ mồ côi

    Đại dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua đã gây ra bao tai ương, mất mát cho cộng đồng. Dịch bệnh đã cướp đi bao sinh mạng, trong đó, rất nhiều phụ huynh là trụ cột gia đình đã ra đi, nhiều em bỗng chốc trở thành mồ côi, sống bơ vơ giữa cuộc đời.

    Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nâng đỡ tương lai cho trẻ mồ côi

    Trước tình hình đó, ngày 16.9, Báo Thanh Niên đã phát động chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” và phát đi lời kêu gọi chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Sau 54 ngày, chương trình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, các nhà hảo tâm. Trong tháng 10, từ số tiền của bạn đọc muôn phương đóng góp, Báo Thanh Niên đã trao hỗ trợ khẩn cấp cho gần 1.000 trẻ mồ côi với số tiền gần 3 tỉ đồng.

    Nhiều em nhỏ trở thành trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19

    lê nam

    Ngay đầu tháng 11, Báo Thanh Niên triển khai chương trình bảo trợ lâu dài nhằm giúp các bậc phụ huynh, các gia đình có thêm khoản kinh phí hằng tháng để trang trải phí sinh hoạt và học tập cho các cháu, thông qua các buổi lễ ký kết giữa nhà bảo trợ và đại diện các gia đình hay người giám hộ của trẻ.

    Lắng nghe câu chuyện của các em, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa đã chung tay hỗ trợ, giúp các bé có động lực để đi tiếp trên đường đời.

    Chương trình đã thực hiện ký kết bảo trợ học bổng hằng năm và trao học bổng năm đầu tiên cho 25 em học sinh mồ côi giữa Báo Thanh Niên và Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO.

    Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, và bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ hàng không sân bayTân Sơn Nhất (SASCO), trao học bổng cho các em

    ĐÀO NGỌC THẠCH

    Sau đó, là ký kết Biên bản thỏa thuận bảo trợ bằng hình thức chu cấp hằng tháng cho 10 em nhỏ mồ côi do Báo Thanh Niên là đơn vị nhận bảo trợ và trao tiền chu cấp tháng đầu tiên cho các em.

    Ông Nguyễn Văn Trang - một bạn đọc thân thiết của Báo Thanh Niên - cũng nhận bảo trợ cho 10 em nhỏ mồ côi và trao tiền chu cấp tháng đầu tiên ngay tại chương trình cho gia đình các em.

    Ông Nguyễn Văn Trang với các cháu mà ông nhận hỗ trợ

    ĐÀO NGỌC THẠCH

    Cuối cùng là ký kết Biên bản đồng hành với chương trình, bảo trợ các cháu mồ côi giữa Báo Thanh Niên và Cộng đồng chạy bộ Vì nhịp tim Việt.

    Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên - cũng nhận bảo trợ cho 1 em học sinh mồ côi không may mất đi người cha thân yêu trong đại dịch. Đó là em Lê Thị Ngọc Tuyết (học sinh lớp 3 ở quận 8, TP.HCM). Một bạn đọc thân thiết khác của Báo Thanh Niên cũng nhận bảo trợ cho anh trai của Tuyết là em Lê Minh Khang (học sinh lớp 9) để cả 2 anh em có thêm chỗ dựa bước tiếp trong chặng đường tươi lai.

    Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên mong rằng sẽ giúp các em từng bước vượt qua nỗi mất mát, lấp bớt phần nào khoảng trống tình cảm và nỗi lo âu đời thường; đồng hành và cùng các em hướng tới tương lai tươi sáng ở phía trước.

    Tâm chấn Covid-19 châu Âu đang báo động

    Đến 18 giờ chiều 10.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 250.966.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.067.000 ca tử vong và hơn 7.314.697.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

    • Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất với hơn 46.694.000 trường hợp mắc bệnh cùng 757.409 ca tử vong.
    • Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.412.000 ca nhiễm và 142.557 ca tử vong.
    • Kế tiếp là Nga với hơn 8.764.000 ca nhiễm và 245.794 ca tử vong.
    • Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.290.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 72.510 ca tử vong.
    • Ukraine với hơn 3.277.000 ca nhiễm cùng 78.865 ca tử vong xếp ở vị trí thứ năm.
    Người dân Đức xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Berlin

    reuters

    Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge tuần trước cảnh báo khu vực này lại đang trở thành tâm dịch của thế giới và sẽ có thêm 500.000 ca tử vong do Covid-19 trước tháng 2.2022 nếu xu hướng này tiếp tục.

    NBC News dẫn lại dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết 13/45 quốc gia châu Âu có số ca bệnh mới tăng gấp đôi trong 2 tuần qua. Số ca mắc Covid-19 ở Cộng hòa Czech, San Marino, Hungary và Ba Lan cao hơn gấp 3 lần hồi giữa tháng 10. Tại Nga, Ukraine và Hy Lạp, số trường hợp dương tính liên tục đạt kỷ lục mới. Đáng nói, 6/10 nước có số ca nhiễm tăng cao nhất thế giới hiện nằm ở châu Âu.

    Ông Kluge nhận định tốc độ tiêm chủng chậm lại cùng với việc các nước đang gỡ bỏ những biện pháp hạn chế đã khiến làn sóng lây nhiễm thứ 4 bùng phát. Theo AP, chỉ 67% trong 83 triệu dân Đức chủng ngừa đủ 2 mũi, thấp hơn so với Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Các nước Đông Âu cũng mới chỉ chủng ngừa xong cho khoảng hơn 30% dân số.

    WHO trông chờ vắc xin Covid-19 dạng uống và xịt mũi

    Ngày 9.11, Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho hay đang trông chờ thế hệ thứ 2 của vắc xin Covid-19, trong đó có dạng uống và xịt mũi.

    Bà Swaminathan cho rằng những vắc xin Covid-19 dạng uống và xịt mũi có thể có lợi thế so với những dạng tiêm hiện nay vì chúng có thể được phân phối dễ dàng hơn và thậm chí nhiều người có thể tự dùng, theo AFP.

    Cũng theo bà Swaminathan, hiện có 129 vắc xin khác nhau đã được thử nghiệm trên người, trong khi còn 194 loại khác chưa có tiến triển, vẫn đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

    Bà Swaminathan nhận định “Có thể có những lợi thế đối với một số loại vắc xin thế hệ 2 nếu có vắc xin dạng uống hay xịt mũi, việc dùng sẽ dễ dàng hơn so với vắc xin dạng tiêm”.

    Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan

    Reuters

    WHO hiện chỉ phê chuẩn dùng khẩn cấp đối với 7 loại vắc xin Covid-19, gồm những loại được bào chế bởi các công ty Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và Bharat Biotech.

    Bà Swaminathan cho biết, hiện nay chưa có loại vắc xin Covid-19 nào được tuyên bố có hiệu quả bảo vệ 100%. Tuy nhiên, 90% cũng đã là hiệu quả bảo vệ tuyệt vời so với chẳng có hiệu quả nào.

    Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 10.11 của Báo Thanh Niên.

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.