Bản tin Covid-19 ngày 9.11: Cả nước thêm 8.133 ca nhiễm| Chấm dứt 'loạn giá' xét nghiệm
Bản tin Covid-19 ngày 9.11 của Báo Thanh Niên được phát mỗi tối tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 9.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 8.133 ca Covid-19 mới, 1.325 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 9.11 cho biết tính từ 16h ngày 8.11 đến 16h ngày 9.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.133 ca nhiễm mới, 1.325 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 88 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố nâng tổng số tử vong lên 22.686 ca.Thông tin về 8.133 ca nhiễm mới như sau:
- 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 8.129 ca ghi nhận trong nước (tăng 175 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.952 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.276), Đồng Nai (923), Bình Dương (619), Sóc Trăng (572), An Giang (557), Đồng Tháp (379), Kiên Giang (291), Cà Mau (285), Bình Thuận (279), Hà Nội (268), Tây Ninh (241), Bạc Liêu (232), Tiền Giang (207), Đắk Lắk (197), Trà Vinh (180), Cần Thơ (163), Vĩnh Long (154), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Hà Giang (127), Bình Phước (108), Khánh Hòa (99), Long An (93), Bình Định (65), Hậu Giang (58), Bến Tre (50), Nghệ An (50), Ninh Thuận (49), Bắc Ninh (46), Gia Lai (44), Quảng Nam (39), Quảng Ngãi (39), Đà Nẵng (32), Thừa Thiên Huế (32), Bắc Giang (31), Phú Thọ (26), Thanh Hóa (24), Lâm Đồng (20), Nam Định (20), Hưng Yên (17), Vĩnh Phúc (15), Phú Yên (10), Quảng Ninh (7), Thái Bình (7), Quảng Trị (6), Hà Nam (6), Điện Biên (6), Hải Phòng (4), Kon Tum (4), Hải Dương (4), Hòa Bình (3), Hà Tĩnh (3), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2).
Ngày 9.11: Cả nước 8.133 ca Covid-19, 1.325 ca khỏi | TP.HCM 1.276 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-209), Tiền Giang (-185), Tây Ninh (-113).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+157), Trà Vinh (+129), Đắk Lắk (+64).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 7.347 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 984.805 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.996 ca nhiễm.
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 979.840 ca, trong đó có 839.983 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (441.216), Bình Dương (240.347), Đồng Nai (74.065), Long An (35.990), Tiền Giang (18.703).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.325
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 842.800
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.350 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.355
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 553
- Thở máy không xâm lấn: 105
- Thở máy xâm lấn: 324
- ECMO: 13
Từ 17h30 ngày 8.11 đến 18h30 ngày 9.11 ghi nhận 88 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (38), Bình Dương (11), An Giang (7), Kiên Giang (5), Tây Ninh (4), Bạc Liêu (4), Đồng Nai (3), Long An (3), Cần Thơ (3), Tiền Giang (2), Lâm Đồng (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1), Hậu Giang (1), Hà Nội (1), Sóc Trăng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 69 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.686 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 147.248 xét nghiệm cho 282.887 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 23.237.873 mẫu cho 62.739.785 lượt người.
Trong ngày 8.11 có 1.536.448 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 92.211.330 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.907.563 liều, tiêm mũi 2 là 30.303.767 liều.
Người chưa tiêm vắc xin Covid-19 về quê phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần
Ngày 8.11.2021, Bộ Y tế đã có công văn số 9472 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Về tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2:Theo Bộ Y tế, các địa phương cần chỉ đạo chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố).
Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. Trong đó, lưu ý căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế.
Người chưa tiêm vắc xin Covid-19 về quê phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần |
Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe:
- Một là, với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19): sẽ phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K. Những người này vẫn phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
- Hai là, với những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): Cần thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy kể từ ngày về địa phương.
- Ba là, với những người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19: Cần phải thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương; - Những người đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng ở TP.Vĩnh Long |
XUÂN PHÚC |
Đối với các cơ sở lao động: Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ. Xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất và xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
Việc xét nghiệm thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Gộp 3-5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh; gộp 10-20 đối với xét nghiệm RT-PCR.
Bộ Y tế lưu ý trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỉ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.
Dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỉ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động tại các văn bản của Bộ Y tế.
Giá test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 giảm hơn 50%
Theo Thông tư 16, giá tối đa khi thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh giảm còn 109.000 đồng/mẫu.
Từ ngày 1.7 đến nay, giá xét nghiệm test xét nghiệm này là 238.000 đồng/mẫu. Như vậy, giá mới ban hành theo thông tư 16 giảm hơn 50%.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR, theo Thông tư 16, giá tối đa còn 538.00 đồng/mẫu đơn, trong khi giá áp dụng từ 1.7 đến nay là 734.000 đồng.
Để giảm chi phí, Thông tư 16 cũng hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu theo các phương pháp gộp mẫu (quy trình gộp mẫu thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1817/QĐ-BYT ngày 7.4.2021.
Giá test xét nghiệm nhanh Covid-19 giảm hơn 50% |
Theo đó, khi xét nghiệm gộp mẫu, giá tối đa 538.000 đồng chia cho số mẫu gộp (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).
Thông tư 16 áp dụng từ ngày 10.11.
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 quy định tại Thông tư 16 chỉ tính chi phí trực tiếp của việc lấy mẫu bảo quản mẫu và thực hiện trả kết quả xét nghiệm và chi phí tiền lương; chưa tính chi phí khấu hao và quản lý. Đối với xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, giá của 1 dịch vụ xét nghiệm sẽ gồm chi phí lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm và chi phí thực hiện xét nghiệm.
Cùng với việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, về đấu thầu đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.
Ngoài việc ban hành giá xét nghiệm đã giảm nhiều so với 4-5 tháng trước, Bộ Y tế cho biết đang hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế sẽ giúp điều chỉnh, quản lý tốt hơn về giá test xét nghiệm và giá xét nghiệm SARS-CoV-2, giúp tiết kiệm hơn cho cơ sở y tế cũng như người dân, đồng thời vẫn kiểm soát được chất lượng sinh phẩm xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế, thời điểm năm 2020 và đầu năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp ở nhiều nước khiến nhu cầu test xét nghiệm tăng cao trong khi nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm Covid rất hạn chế khiến giá các loại test xét nghiệm không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng đều ở mức cao. Khi đó, giá test nhanh các nhà tài trợ mua khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR khoảng 500.000 đồng/test - 1 triệu đồng/test.
Bộ trưởng Y tế lý giải nguyên nhân 'loạn giá' xét nghiệm Covid-19
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV, trong đó có vấn đề "loạn" giá xét nghiệm Covid-19.
Báo cáo của ông Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm Covid-19 mà cụ thể là hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế, nghiêm túc thực hiện việc công khai, cập nhật về giá trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tuần này |
đậu tiến đạt |
"Hiện tại, trên cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán", báo cáo cho hay.
Ông Long cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí. Thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn về giá dịch vụ xét nghiệm để kịp thời điều chỉnh khi giá sinh phẩm xét nghiệm có hiều biến động.
Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải nguyên nhân 'loạn giá' xét nghiệm Covid-19 |
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế phòng chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, với sự tham gia của các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra việc sản xuất, lưu thông thuốc, vắc xin, vật tư y tế; kiểm tra, giám sát, thanh tra việc mua sắm vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch tại các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các địa phương.
Theo ông Long, với nhiều giải pháp nêu trên, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Số lượng test xét nghiệm được cấp phép tăng nhanh, từ 41 test (8 test sản xuất trong nước, 33 test nhập khẩu) vào tháng 6 lên đến 131 test (14 test sản xuất trong nước, 117 test nhập khẩu) vào tháng 10.
Đối với test kháng nguyên SARS-CoV-2 số lượng cấp tăng nhanh từ 8 test (1 test sản xuất trong nước, 7 test nhập khẩu) tháng 6 lên 60 test (3 test sản xuất trong nước, 57 test nhập khẩu) tháng 10.
Bộ trưởng Y tế cho biết, cùng với sự gia tăng của các loại sinh phẩm xét nghiệm trên thị trường Việt Nam, giá test trung bình do các công ty công bố "cũng đã giảm nhiều".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận "giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức" do các cơ sở y tế công lập áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực thanh thực chi.
Giá xét nghiệm gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cộng chi phí test xét nghiệm (từ 1.7.2021).
Trong đó, chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công sẽ được thanh toán theo cùng 1 một mức; giá chi phí xét nghiệm được thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sinh phẩm.
Trong khi đó, đối với cơ sở y tế tư nhân theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ sở được tự quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.
Test nhanh Covid-19 |
Duy tính |
Để quản lý giá trang thiết bị y tế và xét nghiệm Covid-19 trong thời gian tới, ông Long cho biết, Bộ Y tế sẽ đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá.
Bên cạnh đó, sẽ quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.
Ông Long cũng cho biết, Bộ Y tế cũng sẽ quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc nhà phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hưu số lưu hành đã công khai đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán.
Bên cạnh đó, sẽ có quy định cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Ngoài ra, ông Long cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ bổ sung quy định về bình ổn giá trang thiết bị y tế; xây dựng, triển khai đề án sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, tập trung quản lý, đánh giá chất lượng sau bán hàng.
Xuất hiện học sinh bị nhiễm Covid-19 trong lớp học ở TP.HCM
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết vào sáng 1.11, khi Trường THCS-THPT Thạnh An tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần cho toàn bộ học sinh, giáo viên thì ghi nhận có một trường hợp dương tính với Covid-19 thông qua test nhanh.
Về khâu xử lý, ông Xuân cho biết nhà trường sau đó đã tổ chức xét nghiệm lại cho toàn bộ học sinh và giáo viên trong lớp này.
Lớp học có 30 em, riêng học sinh bị nhiễm Covid-19 thì trường cho nghỉ học, điều tra truy vết và được đưa đi điều trị. Trong khi đó, 29 học sinh còn lại thì chuyển sang hình thức học trực tuyến và tiếp tục được theo dõi tình hình sức khỏe. Còn các lớp khác trong trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp bình thường tại trường.
Học sinh ở xã đão Thạnh An đã đi học lại từ ngày 20.10 |
PHẠM HỮU |
“Hiện 29 học sinh khác trong lớp và những người có tiếp xúc với ca dương tính này đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR”, ông Xuân nói và cho biết thêm, từ khi mở cửa trường học đón học sinh đi học trở lại, hai trường ở xã đảo Thạnh An vẫn tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần và xét nghiệm khi có yếu tố dịch tễ… cho học sinh và nhân viên, giáo viên để tầm soát dịch bệnh.
Xuất hiện học sinh bị nhiễm Covid-19 trong lớp học ở TP.HCM |
Thông tin thêm về trường hợp này, thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Thạnh An cho biết ngày 1.11 ngay sau khi phát hiện có học sinh dương tính thì tổ an toàn Covid-19 của trường lập tức cách ly trường hợp này ở phòng riêng, báo về gia đình và cơ quan liên quan. Tạm thời, UBND huyện Cần Giờ đã xác minh được nguồn lây của học sinh này.
Trước đó, hai trường đầu tiên của TP.HCM là Trường THCS-THPT Thạnh An và Trường tiểu học Thạnh An đã đón 5 khối lớp gồm 1, 2, 6, 9, 12 đi học trực tiếp trở lại từ ngày 20.10, với 238 học sinh. Hàng tuần, UBND huyện Cần Giờ đánh giá lại tình hình tổ chức học tập, có phương án xử lý tình huống phát sinh.
Dịch bệnh ở châu Âu vẫn nóng bỏng
Đến 18 giờ chiều 9.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 250.415.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.057.000 ca tử vong và hơn 7.293.000.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.
- Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất với hơn 46.613..000 trường hợp mắc bệnh cùng 755.643 ca tử vong. Dù vẫn là nơi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tích lũy nhiều nhất thế giới nhưng diễn biến dịch tại Mỹ không còn nóng bỏng như giai đoạn cao điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 nhờ những tiến triển trong chương trình tiêm vắc xin Covid-19. Hiện nay, nhiều tiểu bang ở Mỹ đang tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho cả trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 11.
Phụ huynh Mỹ nhẹ nhõm khi trẻ dưới 11 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 |
- Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.379.000 ca nhiễm và 142.293 ca tử vong.
Kế tiếp là Nga với hơn 8.689.000 ca nhiễm và 243.405 ca tử vong. Nga cùng với vương quốc Anh hiện đang là 2 nơi bùng dịch mạnh nhất châu Âu khi cả số ca nhiễm và ca tử vong đều tăng cao trong bối cảnh mùa đông đang cận kề. - Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.261.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 72.314 ca tử vong.
- Ukraine với hơn 3.252.000 ca nhiễm cùng 77.989 ca tử vong xếp ở vị trí thứ năm.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 9.11 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)