Bản tin Covid-19 ngày 15.3: Cả nước vượt 6,5 triệu ca | Chính thức “mở bung” du lịch

15/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 15.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 15.3.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 175.480 ca Covid-19 mới, 111.164 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 15.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 14.3 đến 16h ngày 15.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh

Covid-19 ghi nhận 175.480 ca nhiễm mới, 111.164 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 68 ca tử vong nâng tổng số tử vong lên 41.477 ca.

Thông tin về 175.480 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca nhập cảnh
  • 175.468 ca ghi nhận trong nước (tăng 14.221 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 128.256 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (26.708), Nghệ An (10.752), Phú Thọ (9.062), Hải Dương (5.464), Bắc Ninh (5.007), Thái Nguyên (4.920), Hưng Yên (4.906), Hòa Bình (4.846), Sơn La (4.827), Lạng Sơn (4.584), Cà Mau (4.476), Lào Cai (4.238), Hà Giang (4.025), Tuyên Quang (3.987), Đắk Lắk (3.980), Điện Biên (3.296), Bình Dương (3.294), Cao Bằng (3.056), Quảng Bình (3.024), Bắc Giang (2.997), Thái Bình (2.994), Vĩnh Phúc (2.993), Quảng Ninh (2.992), Gia Lai (2.872), Yên Bái (2.827), Nam Định (2.805), Lai Châu (2.593), Bình Định (2.567), Lâm Đồng (2.398), Hà Nam (2.391), Ninh Bình (2.316), TP.HCM (2.246), Quảng Trị (2.246), Tây Ninh (2.074), Hải Phòng (2.032), Bắc Kạn (1.950), Bình Phước (1.871), Khánh Hòa (1.725), Đắk Nông (1.627), Vĩnh Long (1.313), Đà Nẵng (1.277), Phú Yên (1.254), Bến Tre (1.072), Thanh Hóa (1.064), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.048), Hà Tĩnh (986), Trà Vinh (983), Quảng Ngãi (907), Bình Thuận (824), Quảng Nam (334), Bạc Liêu (244), Thừa Thiên Huế (228), Cần Thơ (195), Long An (169), Kiên Giang (137), An Giang (120), Đồng Tháp (68), Kon Tum (67), Đồng Nai (66), Sóc Trăng (65), Ninh Thuận (41), Hậu Giang (22), Tiền Giang (16).
Ngày 15.3: Cả nước 175.480 ca Covid-19, 111.164 ca khỏi | Hà Nội 26.708 ca | TP.HCM 2.246 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó:

Hà Nội (-3.125), Bắc Ninh (-2.464), Bến Tre (-1.019).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+4.025), Gia Lai (+2.872), Phú Thọ (+2.065).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 166.671 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.552.918 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 66.309 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.545.284 ca, trong đó có 3.380.325 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (864.925), TP.HCM (573.177), Bình Dương (344.034), Bắc Ninh (236.620), Nghệ An (237.313).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 111.164 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.383.142 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.269 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.358 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 455 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 116 ca
  • Thở máy xâm lấn: 335 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 13.3 đến 17h30 ngày 14.3 ghi nhận 68 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (3) trong đó 1 ca từ Trà Vinh chuyển đến.
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (10), Quảng Ninh (8 ), Bình Định (6), Bắc Giang (4), Bạc Liêu (4), Bến Tre (3), Bình Dương (3), Bình Thuận (2), Cà Mau (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (2), Kiên Giang (2), Nam Định (2), Quảng Trị (2), Bình Phước (1), Điện Biên (1), Đồng Nai (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Nghệ An (1), Ninh Bình (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), Tuyên Quang (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.477 ca, chiếm tỉ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4. 2021 đến nay đã thực hiện là 35.978.996 mẫu tương đương 81.695.059 lượt người.

Trong ngày 14.3 có 147.309 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 200.516.229 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.467.186 liều:

  • Mũi 1 là 70.914.086 liều
  • Mũi 2 là 67.825.981 liều
  • Mũi 3 là 1.493.227 liều
  • Mũi bổ sung là 14.542.915 liều
  • Mũi nhắc lại là 28.690.977liều

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.049.043 liều:

  • Mũi 1 là 8.750.408 liều
  • Mũi 2 là 8.298.635 liều

Xử lý rác thải F0 ở Hà Nội Chất thải nguy hại đang bị thu gom lộn xộn

Túi rác thải F0 màu vàng này là của một hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 tại một tòa chung cư thuộc phường Mỹ Đình 1 (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Chỉ trước đó ít phút, túi rác này còn được chủ nhà bọc lót cẩn thận, phân loại rồi xịt cồn khử khuẩn để riêng nhưng ngay sau đó lại bị thu gom chung với rác sinh hoạt.

Công nhân môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang thu rác thải F0 chung với rác thải sinh hoạt.

Nguyễn bắc

Người thu gom giúp là một thành viên tổ Covid-19 cộng đồng của tòa nhà. Xịt cồn cẩn thận, phân loại kỹ càng theo đúng hướng dẫn của UBND phường.

Theo phương án 01 của TP.Hà Nội, rác thải sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và được phân loại để thu gom riêng. Quy định là vậy nhưng thực tế, thì quá trình thu gom lại được thực hiện như thế này. Như vậy, các công đoạn phân loại rác F0, xịt cồn khử khuẩn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là không còn ý nghĩa.

Các hộ dân phường Mỹ Đình 1 có F0 đã phân loại và khử khuẩn theo hướng dẫn của UBND phường.

Nguyễn Bắc

Bây giờ tôi lên trên này để thu gom rác của các nhà đang bị cách ly Covid-19. Chia làm 2 túi, túi đen là để rác bình thường còn túi vàng tôi để phía ngoài để nhân viên thu gom rác người ta nhặt riêng ra. Bao giờ cũng để 2 túi riêng biệt 2 màu. Cũng phải xịt khuẩn các thứ, phải tự mua cái xịt khuẩn này để xịt rồi bê theo cầu thang bộ đi xuống. Tất nhiên là cũng lo ngại nhưng bây giờ không ai làm thì mình trong tổ Covid-19 mình phải đi làm thôi.

Chúng tôi làm hết khả năng thôi, cũng đeo găng tay, xịt khuẩn rồi lên nhà cũng phải vệ sinh cá nhân lại. Tôi thấy cũng an toàn rồi, tuyệt đối thì chưa vì khẩu trang này cũng không phải xịn của y tế. Các thiết bị tự mình sắm thôi. Những người quét rác thì họ chỉ nhận rác ở tầng 1 thôi. Người ta không lên từng nhà một nên chúng tôi phải cắt cử người ra làm, trong tổ Covid-19 cộng đồng này”, ông Đỗ Hiếu Học, tổ Covid-19 cộng đồng phường Mỹ Đình 1 cho biết.

Xử lý rác thải F0 ở Hà Nội Chất thải nguy hại đang bị thu gom lộn xộn

Theo thông tin từ UBND phường Mỹ Đình 1, mỗi ngày trên địa bàn phường có thêm 200 – 300 ca mắc Covid-19. Số lượng người mắc Covid-19 ngày càng nhiều nên việc thu gom riêng rác thải F0 như trước đây là không thể thực hiện được nếu không có một đơn vị chuyên nghiệp trong việc thu gom rác thải y tế.

“Đối với công tác thu gom rác thải F0 thì cũng là một vấn đề phường rất hết sức coi trọng.

Đến thời điểm này thì quả thật là số lượng F0 trên địa bàn phường nói riêng và TP.Hà Nội nói chung là rất nhiều. Vì vậy, việc thu gom riêng là chưa được thực hiện. Chúng tôi vẫn hướng dẫn người dân công tác phân loại, khử khuẩn. Khi mang túi rác của các F0 ra ngoài phân biệt bằng túi nilon màu vàng xịt khuẩn, khử khuẩn, mang ra trước cửa nhà để đúng giờ quy định để thu gom. Còn đơn vị thu gom hiện giờ vẫn đang là thu gom chung với rác thải sinh hoạt”, bà Lưu Mai Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 chia sẻ.

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Hà Nội áp dụng phương án 01 về hướng dẫn thu gom rác thải, các phường thuộc Q.Nam Từ Liêm đều chưa có đơn vị chuyên thu gom rác thải y tế của các hộ gia đình có F0. Việc thu gom này hiện đang do đơn vị môi trường Urenco 7 thực hiện, trộn chung với rác thải sinh hoạt.

Công nhân môi trường quận Nam Từ Liêm lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh từ rác thải.

Nguyễn Bắc

Không biết được đâu là rác Covid-19, đâu là rác không có Covid-19. Bởi vì để chung túi như này thì làm sao được. Chúng tôi không thể phân biệt được. Cứ thế này mà làm thôi, dân bỏ bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Không ai thông báo cả, cũng không biết nhà ai có Covid-19 cả. Chúng tôi rất là lo lắng. Bởi vì, chị em chúng tôi là lao động chính trong nhà. Làm thế này thì không biết túi nào là F0, túi nào là không F0, không biết đằng nào mà lần. Trước tiên là lo cho mình, thứ hai là gia đình mình bị lây nhiễm. Đấy, công việc nó là như thế.

Trước kia nhà có F0 thì họ dán cái biển đỏ ở trước cửa là từng hộ đó là F0 thì bọn tôi còn tránh xa, 2 – 3 hôm thì mình vào nhà lấy rác ở trước cổng 1 lần. Bây giờ thì hầu như nhà nào cũng như nhà nào, vào đều hết cả”, một công nhân vệ sinh môi trường quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Trang bị của những công nhân này chỉ có khẩu trang vải, găng tay cao su. Dù đã đeo đến 2 lớp khẩu trang nhưng nỗi lo nhiễm bệnh vẫn luôn thường trực. Họ phải tiếp xúc với rác thải F0 nguy hại hằng ngày, hằng giờ mà không có áo bảo hộ, khẩu trang y tế hay găng tay bảo hộ trong khi việc thu gom rác thải nguy hại trong bối cảnh F0 bùng nổ ở Hà Nội vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Việt Nam "mở bung" du lịch, miễn visa cho công dân 13 nước

Cụ thể, Việt Nam miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Hôm nay (15.3), Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng cho ngành du lịch hồi sinh sau 2 năm kiệt quệ vì Covid-19

đậu tiến đạt

Việc miễn thị thực không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ hôm nay (15.3) đến hết ngày 14.3.2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với Nghị quyết này, chính sách miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia đã được Việt Nam khôi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Cũng trong chiều nay, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức buổi họp báo về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 25 của Bộ Chính trị.

Việt Nam "mở bung" du lịch, miễn visa cho công dân 13 nước

Trong khi đó, cả hệ sinh thái ngành du lịch từ hàng không, lữ hành cho tới lưu trú, các điểm vui chơi… đã sẵn sàng mở rộng cửa đón khách. Các doanh nghiệp kỳ vọng với nhu cầu lớn của du khách quốc tế hiện nay, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế thông qua các chuyến bay thường lệ, lượt khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng. Du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi.

Bao lâu thì F0 không còn lây truyền bệnh cho người khác?

Nhưng thời gian lây nhiễm ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, cường độ tiếp xúc và phản ứng của hệ thống miễn dịch của họ.

Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người sẽ không còn lây nhiễm từ 5 đến 6 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy 1/3 số người nhiễm Covid-19 có khả năng lây nhiễm lâu hơn 5 ngày, theo Healthline.

Nghiên cứu mới cho thấy những người bị nhiễm Covid-19 nhẹ có thể lây nhiễm trung bình trong 6 ngày

Shutterstock

Theo nghiên cứu do Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ) thực hiện, bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron vẫn có khả năng lây nhiễm cho người từng nhiễm Covid-19.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 56 bệnh nhân mới được chẩn đoán, trong đó có 37 người nhiễm chủng Delta và 19 người nhiễm biến thể mới Omicron. Tất cả đều bị bệnh nhẹ, với các triệu chứng giống như cúm, và không ai phải nhập viện.

Kết quả cho thấy, cho dù là biến thể nào hoặc cho dù đã tiêm chủng 2 hoặc 3 mũi hay chưa tiêm chủng, những người tham gia "trung bình loại bỏ virus sống trong khoảng 6 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng”.

“Và cứ 4 người thì có 1 người còn thải virus sống đến hơn 8 ngày”, tiến sĩ Amy Barczak từ Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, theo hãng tin Reuters.

Nghiên cứu hiện được đăng trên trang chờ duyệt medRxiv.

Tiến sĩ Barczak cho biết: “Mặc dù không biết chính xác đủ bao nhiêu virus sống mới có thể lây truyền bệnh cho người khác, nhưng những dữ liệu này cho thấy những người bị nhiễm Covid-19 nhẹ có thể lây nhiễm trung bình trong 6 ngày và đôi khi lâu hơn”, theo Reuters.

Bao lâu thì F0 không còn lây truyền cho người khác?

Vì vậy, các quyết định về cách ly cần phải tính đến những thông tin này, cho dù là biến thể nào hoặc đối với người đã tiêm chủng hay chưa.

Các quan chức y tế hiện khuyến cáo F0 nên cách ly từ 7 đến 10 ngày, trong khi một số nước chỉ quy định từ 5 - 10 ngày.

Để biết chính xác F0 có còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác không, các chuyên gia y tế khuyên không nên làm xét nghiệm PCR vì nó rất nhạy cảm và có thể phát hiện một lượng nhỏ virus không lây nhiễm.

Còn test nhanh có thể phát hiện lượng virus cao và hiện được cho là hiệu quả trong việc biết được liệu F0 còn có thể lây nhiễm hay không, theo Healthline.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 15.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.