Bản tin Covid-19 ngày 2.4: Cả nước hơn 9,7 triệu ca | Hàng ngàn người nguy cơ còn chưa tiêm vắc xin

02/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 2.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 2.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 65.619 ca Covid-19, 106.878 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 2.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 1.4 đến 16h ngày 2.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 65.619 ca nhiễm mới, 106.878 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 37 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.563 ca.

Ngày 2.4: Cả nước 65.619 ca Covid-19, 106.878 ca khỏi | Hà Nội 65.619 ca | TP.HCM 746 ca

Thông tin về 65.619 ca nhiễm mới như sau:

  • 3 ca nhập cảnh.
  • 65.616 ca ghi nhận trong nước (giảm 6.939 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 42.193 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (7.423), Đắk Lắk (3.999), Nghệ An (2.911), Yên Bái (2.883), Phú Thọ (2.770), Bắc Giang (2.439), Quảng Ninh (2.378), Lào Cai (2.283), Hà Giang (2.016), Thái Bình (1.911), Quảng Bình (1.857), Bắc Ninh (1.758), Vĩnh Phúc (1.706), Lạng Sơn (1.668), Tuyên Quang (1.497), Bắc Kạn (1.479), Sơn La (1.319), Hà Nam (1.158), Thái Nguyên (1.134), Cao Bằng (1.111), Hải Dương (1.088), Vĩnh Long (988), Cà Mau (978), Hưng Yên (956), Lâm Đồng (936), Lai Châu (877), Bình Định (834), Bình Dương (748), Quảng Trị (747), TP.HCM (746), Tây Ninh (737), Bình Phước (728), Hà Tĩnh (715), Điện Biên (661), Hòa Bình (661), Ninh Bình (648), Quảng Ngãi (618), Nam Định (571), Thừa Thiên-Huế (563), Bến Tre (557), Đà Nẵng (525), Đắk Nông (481), Thanh Hóa (465), Bà Rịa - Vũng Tàu (412), Phú Yên (358), Trà Vinh (342), Hải Phòng (302), Khánh Hòa (294), Bình Thuận (264), Quảng Nam (259), An Giang (150), Kiên Giang (146), Bạc Liêu (140), Kon Tum (121), Long An (115), Cần Thơ (80), Đồng Nai (40), Đồng Tháp (26), Hậu Giang (16), Ninh Thuận (13), Tiền Giang (10).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lào Cai (-521), Vĩnh Phúc (-496), Hòa Bình (-435).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+900), Bắc Ninh (+383), Bình Phước (+61).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 81.203 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.716.282 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 98.279 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.708.545 ca, trong đó có 7.710.537 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.489.939), TP.HCM (596.056), Nghệ An (398.008), Bình Dương (378.296), Hải Dương (346.361).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 106.878 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.713.354 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.276 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.770 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 218 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 64 ca
  • Thở máy xâm lấn: 224 ca
  • ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 1.4 đến 17h30 ngày 2.4 ghi nhận 37 ca tử vong tại: Hà Nội (4), Quảng Ninh (3), Trà Vinh (3), An Giang (2), Bạc Liêu (2), Bến Tre (2), Bình Định (2), Bình Dương (2), Hậu Giang (2), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (2), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Điện Biên (1), Hà Giang (1), Hòa Bình (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Nghệ An (1), Tây Ninh (1), TP.HCM (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 44 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.563 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.552.129 mẫu tương đương 84.490.344 lượt người, tăng 73.418 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 1.4 có 122.687 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 206.460.876 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.274.809 liều: Mũi 1 là 71.244.033 liều; Mũi 2 là 68.057.886 liều; Mũi 3 là 1.509.253 liều; Mũi bổ sung là 14.935.954 liều; Mũi nhắc lại là 33.527.683 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.186.067 liều: Mũi 1 là 8.808.028 liều; Mũi 2 là 8.378.039 liều.

Hà Nội thừa nhận còn bị động, lúng túng trong chống dịch

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội thừa nhận còn bị động, lúng túng trong chống dịch Covid-19

Theo kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký, năm 2021 Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương. Dù vậy, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số hạn chế khuyết điểm như bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan để phát sinh các chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Có thời điểm còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; quy định đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế; công tác truyền thông, thông tin có lúc chưa kịp thời. Sau hội nghị kiểm điểm năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu xây dựng Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này.

Mục đích của kế hoạch là vừa bảo đảm kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác.

Cụ thể, 5 nội dung cần khắc phục gồm:

- Sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

- Thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

- Năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc cho người dân.

- Công tác thông tin, truyền thông của thành phố có lúc còn chưa kịp thời.

Thành phố cũng giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nâng cấp năng lực điều trị, y tế dự phòng.

UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào kế hoạch của UBND thành phố triển khai kế hoạch khắc phục trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả hoạt động công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Vì sao trẻ nhỏ cần được theo dõi kỹ 3 ngày sau tiêm vắc xin?

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ tháng 4.2022, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ triển khai trên cả nước. Theo phê duyệt của Bộ Y tế, 2 vắc xin Covid-19 được phê duyệt tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna.

Vì sao trẻ nhỏ cần được theo dõi kỹ 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19?

Bộ Y tế cho biết từ tháng 4.2022, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ triển khai trên cả nước. Theo phê duyệt của Bộ Y tế, 2 vắc xin Covid-19 được phê duyệt tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna.

Liên quan các phản ứng sau tiêm, TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thông qua kết quả thực nghiệm và triển khai trên thế giới, tình trạng này ở nhóm trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi không khác biệt nhiều với trẻ lớn và người trưởng thành.

Cụ thể, trẻ có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại điểm tiêm nhưng biểu hiện thoáng qua và rất nhanh. Một số phản ứng toàn thân cũng được ghi nhận như mệt mỏi tương tự cúm hay sốt nhẹ trong vài ngày. Ngoài ra, tỉ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin ở nhóm trẻ 5 đến 12 tuổi khá thấp.

Theo TS Hải, việc theo dõi sau tiêm vắc xin cần được chú trọng và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh không để trẻ một mình sau khi tiêm. Cha mẹ, người thân phải thường xuyên bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như: phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác.

Theo PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), đối với vắc xin Pfizer, các phản ứng thường gặp khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (trên 80%), mệt mỏi (trên 50%), đau đầu (trên 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (trên 20%), đau cơ và ớn lạnh (trên 10%). Những phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12 - 17 tuổi khi tiêm vắc xin Covid-19.

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm.

Ngoài ra, một số ít trẻ có phản ứng: nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ hoặc ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi; mệt mỏi khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm...

Theo báo cáo của một số quốc gia đã triển khai, phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (tỉ lệ dưới 1/10.000). Tuy nhiên, trong hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận phản ứng này đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm vắc xin Covid-19.

Đối với vắc xin Moderna: các phản ứng thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau các mũi tiêm cơ bản là: đau tại vị trí tiêm (98,4%); mệt mỏi (73,1%); đau đầu (62,1%); đau cơ (35,3%); ớn lạnh (34,6%); buồn nôn, nôn mửa (29,3%); sưng, đau ở nách (27.0%); sốt (25,7%); ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%); sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.

Phản ứng thường gặp là: tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm; phản ứng ít gặp là: chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm; phản ứng rất hiếm gặp là: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

TP.HCM còn hơn 4.000 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin

Ngày 2.4.2022, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính đến ngày 30.3, thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập danh sách gần 440.500 người 65 tuổi có nguy cơ cao, kèm bệnh nền.

TP.HCM còn hơn 4.000 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19

TP.HCM đã xét nghiệm cho gần 345.000 người nguy cơ trên 65 tuổi kèm bệnh nền, phát hiện gần 6.000 người nhiễm Covid-19. Trong đó, có 2.857 người được sử dụng thuốc Molnupiravir. Đã có 5.287 người khỏi bệnh, 570 người đang cách ly điều trị và 96 ca đang điều trị tại bệnh viện.

Đến thời điểm này, TP.HCM còn 4.299 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi kèm bệnh nền chưa tiêm vắc xin Covid-19.

Trong đợt cao điểm của chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, có 3 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, có 2 ca tử vong tại bệnh viện và 1 ca tử vong tại nhà.

Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của TP.HCM vẫn tiếp tục với mục tiêu chính là phòng ngừa người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Phát hiện sớm người nhiễm để điều trị bằng thuốc kháng vi rút, tiêm vắc xin cho người chưa tiêm.

Cá bán ở chợ cũng được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 khi Trung Quốc triệt để chống dịch

Khi đợt bùng phát Covid-19 ở Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục trầm trọng hơn, nhà chức trách đã không chỉ xét nghiệm Covid-19 trên người mà còn bắt đầu xét nghiệm trên cá ở các chợ hải sản.

Cá bán ở chợ cũng được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 khi Trung Quốc triệt để chống dịch

Mới đây, một đoạn video nhanh chóng thu hút chú ý tại Trung Quốc khi cho thấy một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ toàn thân đang nhét que tăm bông vào miệng một con cá lớn để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Sự việc này được cho là xảy ra hôm 27.3, khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa hai bước trên toàn thành phố trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan. Đoạn video ngay lập tức gây nên tranh cãi.

Một người bình luận: “Thật là lãng phí tài nguyên y tế”, trong khi một người khác thắc mắc con cá có bị đưa “cách ly” ở một bể chứa khác trong 14 ngày nếu nó dương tính hay không. Nhưng một người ủng hộ thì nói rằng: “Hiện tại đại dịch đang nghiêm trọng, và đây là một nỗ lực để bảo vệ an ninh lương thực cho người dân”.

Ngày 30.3, Thượng Hải đã ghi nhận 5.982 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 2.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.