Bản tin Covid-19 ngày 20.12: “Nóng” sau vụ bê bối mua sắm, thổi giá kit test

20/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 20.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 20.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.977 ca Covid-19, 1.937 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 20.12 cho biết tính từ 16h ngày 19.12 đến 16h ngày 20.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới, 1.937 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 225 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 29.791 ca.

Ngày 20.12: Cả nước 14.977 ca Covid-19, 1.937 ca khỏi | Hà Nội 1.612 | TP.HCM 687 ca

Thông tin về 14.977 ca nhiễm mới như sau:

  • 11 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 14.966 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.127 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.000 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.612), Bến Tre (985), Cà Mau (967), Tây Ninh (947), Đồng Tháp (786), Cần Thơ (773), Khánh Hòa (709), TP.HCM (687), Vĩnh Long (596), Bạc Liêu (552), Sóc Trăng (448), Bình Định (411), Tiền Giang (347), Hậu Giang (342), Trà Vinh (329), Kiên Giang (302), Đồng Nai (284), Hưng Yên (276), Bà Rịa - Vũng Tàu (273), An Giang (270), Thanh Hóa (246), Phú Yên (237), Thừa Thiên-Huế (228), Bình Thuận (222), Bắc Ninh (212), Lâm Đồng (174), Bình Dương (155), Đà Nẵng (142), Quảng Ninh (136), Quảng Nam (129), Nghệ An (116), Gia Lai (97), Hải Phòng (95), Hà Giang (85), Bình Phước (78), Đắk Nông (63), Hòa Bình (59), Lạng Sơn (52), Ninh Thuận (50), Thái Bình (46), Long An (46), Nam Định (45), Vĩnh Phúc (44), Ninh Bình (39), Sơn La (34), Quảng Ngãi (31), Hải Dương (31), Quảng Bình (29), Quảng Trị (24), Hà Nam (21), Bắc Giang (21), Hà Tĩnh (16), Phú Thọ (16), Kon Tum (12), Thái Nguyên (10), Yên Bái (10), Tuyên Quang (9), Lào Cai (3), Cao Bằng (3), Điện Biên (3), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (-481), Cà Mau (-378), Thừa Thiên-Huế (-342).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hậu Giang (+339), Hà Nội (+207), Hưng Yên (+196).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.450 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.555.455 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.772 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.549.945 ca, trong đó có 1.107.082 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (495.370), Bình Dương (289.330), Đồng Nai (95.212), Tây Ninh (64.961), Long An (39.709).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.937 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.109.899 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.615 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.257 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.264 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 166 ca
  • Thở máy xâm lấn: 906 ca
  • ECMO: 22 ca

Từ 17h30 ngày 19.12 đến 17h30 ngày 20.12 ghi nhận 225 ca tử vong. Gồm:

  • Tại TP.HCM (56) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Cà Mau (1), Long An (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Vĩnh Long (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (30), An Giang (22), Bình Dương (16), Bến Tre (14), Sóc Trăng (11), Tiền Giang (11), Vĩnh Long (9), Long An (8 ), Đồng Tháp (8 ), Cần Thơ (8), Bình Thuận (7), Khánh Hòa (4), Cà Mau (3), Gia Lai (2), Đắk Nông (2), Lâm Đồng (2), Bình Phước (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Kiên Giang (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Bịnh Định (1), Đà Nẵng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 244 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.791 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 108.855 mẫu xét nghiệm cho 138.512 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 28.972.248 mẫu cho 72.840.350 lượt người.

Trong ngày 19.12 có 696.414 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 139.458.125 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.889.748 liều, tiêm mũi 2 là 62.270.169 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.298.208 liều.

Lãnh đạo HCDC khẳng định không mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á vì giá cao

Chiều 20.12.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp báo định kỳ. Một thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm là ngành y tế TP.HCM có giao dịch, mua sắm kit test với Công ty Việt Á hay không?

Trả lời câu hỏi đó, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định đơn vị này không xài kit test của Công ty Việt Á. Trước đây, trong thời gian HCDC tổ chức đấu thầu mua sắm thì Công ty Việt Á có đến chào giá nhưng vì giá cao nên HCDC không mua.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết việc mua sắm kit test thời gian qua được thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của các bộ, sở, ngành liên quan và giá mà HCDC mua là giá thấp nhất trên thị trường ở từng thời điểm.

Đồng thời, chuyện mua kit test này là chỉ riêng của HCDC, không bao gồm các bệnh viện, cơ sở y tế khác trên địa bàn.

Liên quan đến câu hỏi ngoài HCDC thì trên địa bàn TP.HCM có những đơn vị nào sử dụng, mua sắm kit test từ Công ty Việt Á, đại diện Công an TP.HCM, Sở Y tế và HCDC cho biết cần kiểm tra, rà soát lại và sẽ trả lời tại buổi họp báo chiều thứ 5, ngày 23.12.2021.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và một số đơn vị, địa phương.

Công ty Việt Á do ông Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4.2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.

TP.HCM yêu cầu tăng cường thanh tra nhập khẩu, mua sắm kit test nhanh Covid-19

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa giao Sở Y tế và Thanh tra TP.HCM tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit test nhanh Covid-19 và xét nghiệm RT-PCR.

TP.HCM yêu cầu tăng cường thanh tra nhập khẩu, mua sắm kit test nhanh Covid-19

Việc tăng cường kiểm tra nhằm thực hiện theo công văn số 8345 ngày 4.10 của Bộ Y tế.

Theo đó, Phó chủ tịch Dương Anh Đức giao Sở Y tế tham mưu văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Y tế rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19).

Sở Y tế tiếp tục thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng như các quy định về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sinh phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Y tế báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy định. “Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, tham mưu UBND TP.HCM chuyển hồ sơ sang Công an TP.HCM để xử lý theo quy định của pháp luật”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức yêu cầu.

UBND TP.HCM cũng giao Thanh tra TP.HCM phối hợp, hỗ trợ và theo dõi, đôn đốc Sở Y tế thực hiện các chỉ đạo nêu trên.

TP.HCM: Hàng quán ở 6 phường thuộc Q.10 ngừng phục vụ rượu, bia

Ngày 20.12, trao đổi với báo chí về biện pháp ứng phó khi mức nguy cơ dịch Covid-19 trên địa bàn ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), Chủ tịch UBND Q.10 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết quận đã cảnh báo và yêu cầu các phường tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và áp dụng các phương án cụ thể với từng nơi, tùy theo diễn biến tình hình.

TP.HCM: Hàng quán ở 6 phường thuộc quận 10 ngừng phục vụ rượu, bia

Cụ thể, với 6 phường thuộc cấp độ 3 dịch Covid-19 gồm: P.2, P.8, P.12, P.13, P.14 và P.15 áp dụng ngay các biện pháp theo quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ như hàng quán ngừng phục vụ rượu, bia và hạn chế một số hoạt động. Đối với 8 phường đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) và cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), các hoạt động vẫn được tổ chức bình thường nhưng chính quyền địa phương phải theo sát diễn biến dịch.

Bà Hường cho biết việc địa phương tăng cấp độ dịch do số ca mắc mới gia tăng, tuy nhiên các ca này vẫn trong tầm kiểm soát. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, quận đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19, thống kê sơ bộ có hơn 7.500 người.

Qua xét nghiệm tầm soát, Q.10 ghi nhận 88 ca mắc Covid-19 mới được phát hiện, chiếm đa số trường hợp F0 trên địa bàn trong tuần qua. Bên cạnh đó, quận cũng ghi nhận một số lượng nhất định trường hợp mắc mới là F1 của các trường hợp F0 phát hiện trước đó.

Chủ tịch UBND Q.10 đánh giá việc tăng cấp độ dịch Covid-19 xuất phát từ công tác tăng cường tầm soát nhóm nguy cơ cao, không phải sự lây lan do tiếp xúc, giao lưu qua lại trong cộng đồng.

Vào cuối tuần trước, UBND TP.HCM thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, trong đó thành phố vẫn giữ nguyên mức nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 2. Ở cấp huyện, có 10 địa phương đạt cấp độ 1, 11 địa phương ở cấp độ 2, Q.10 là địa phương duy nhất có nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 3.

Thông tin mới nhất về kết quả thử nghiệm vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Chiều 20.12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông tin liên quan đến kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Covid-19 NanoCovax.

Trước đó, ngày 16.12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Covid-19 NanoCovax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 30.11.2021 (báo cáo nộp ngày 9.12.2021).

Thông tin mới nhất về kết quả thử nghiệm vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Trên cơ sở báo cáo, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất kết luận như sau:

Về tính an toàn của vắc xin

Vắc xin Covid-19 NanoCovax đạt yêu cầu về tính an toàn tính dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30.11.2021.

Về tính sinh miễn dịch của vắc xin

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất, vắc xin Covid-19 NanoCovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch theo Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước (ban hành kèm theo Quyết định 5259 ngày 11.11.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30.11.2021.

Về hiệu quả bảo vệ của vắc xin

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu để được phê duyệt. Chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử (Học viện Quân Y, Viện Pasteur TP.HCM) và nhà tài trợ (Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen) về việc xác minh các trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13.12.2021 làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin Covid-19 NanoCovax.

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất đề nghị tổ chức nhận thử hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo phân tích hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin về Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia trước 15h00 ngày 22.12.2021 để xem xét, đánh giá.

Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 nói chung, vắc xin Covid-19 NanoCovax nói riêng.

Đến nay trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 NanoCovax đã có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin nghiên cứu. Để bảo vệ cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đặc biệt những người tình nguyện được tiêm giả dược, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử và nhà tài trợ về việc "mở mù" để tiêm vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu ở nhóm sử dụng giả dược.

Được biết, trong nghiên cứu này thực hiện "làm mù" để đảm bảo tính khách quan, theo đó người tình nguyện tham gia nghiên cứu được quản lý bằng mã số và được phân một cách ngẫu nhiên vào nhóm tiêm vắc xin nghiên cứu hoặc nhóm tiêm giả dược.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ứng viên vắc xin Covid-19 NanoCovax là vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện cuối năm 2020.

Thử nghiệm lâm sàng ứng viên vắc xin NanoCovax bao gồm 3 giai đoạn

- Giai đoạn 1: kéo dài từ tháng 12.2020 đến tháng 7.2021, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và thăm dò tính sinh miễn dịch của vắc xin trên người tình nguyện.

- Giai đoạn 2: ngay khi có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, thời gian nghiên cứu từ tháng 2.2021 đến tháng 2.2022, với mục tiêu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin để chọn được liều tối ưu sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

- Giai đoạn 3: mục tiêu nghiên cứu là đánh giá tính an toàn, đáp ứng sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của ứng viên vắc xin NanoCovax.

Địa phương nào để vắc xin Pfizer hết hạn, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm

Ngày 20.12, Bộ Y tế cho biết đã gửi Công văn số 10747 về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Địa phương nào để vắc xin Pfizer hết hạn, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm

Cập nhật hạn dùng của các lô vắc xin có hạn dùng trên nhãn 6 tháng như sau: hạn sử dụng in trên bao bì là tháng 10.2021, tháng 11.2021, tháng 12.2021, tháng 1.2022, tháng 2.2022, tháng 3.2022 thì hạn dùng cập nhật mới (tăng thêm 3 tháng) lần lượt là: tháng 1.2022, tháng 2.2022, tháng 3.2022, tháng 4.2022, tháng 5.2022, tháng 6.2022.

Bộ Y tế khẳng định rằng việc tăng hạn dùng đối với vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc xin, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021- 2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; Các lô vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) đã được tăng hạn được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ những thông tin đầy đủ về hạn dùng của vắc xin nêu trên. Bộ Y tế nhấn mạnh địa phương nào để vắc xin hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì đồng chí Giám đốc Sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trong Công văn số 10747 về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế nêu rõ:

Trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt và triển khai có hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương. Để tiếp tục tăng diện bao phủ vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt đối với việc sử dụng vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine), Bộ Y tế thông tin về tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty như sau:

Ngày 12.6.2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2908 về việc phê duyệt có điều kiện vắc xin Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Theo đó, vắc xin Comirnaty được phê duyệt để sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Ngày 22.8.2021, ngày 10.9.2021 và ngày 20.9.2021, Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan quản lý Dược châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty từ 6 tháng lên 9 tháng kể từ ngày sản xuất ở điều kiện bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C.

Trên cơ sở dữ liệu khoa học đánh giá độ ổn định của vắc xin Comirnaty do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cập nhật và sự phê duyệt của FDA, EMA và WHO; Ngày 22.10.2021, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế ban hành Công văn số 2926 về việc đồng ý tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty ở điều kiện bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C;

Tỉ lệ người nhiễm Covid-19 không triệu chứng cao bất ngờ

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 14.12 trên tạp chí JAMA, những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng có thể góp phần đáng kể vào việc lây lan Covid-19.

Tỉ lệ người nhiễm Covid-19 không triệu chứng cao bất ngờ

Nhóm đã tổng hợp dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó, bao gồm 19.884 người bị nhiễm Covid-19.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong số những người mắc Covid-19 trong cộng đồng nói chung, khoảng 40% là không có triệu chứng, 54% là phụ nữ mang thai và 53% là lây nhiễm khi đi lại bằng máy bay hoặc tàu, 48% người hoặc nhân viên ở viện dưỡng lão và 30% nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nằm viện.

Tỷ lệ ca nhiễm không có biểu hiện là khoảng 46% ở Bắc Mỹ, 44% ở châu Âu và 28% ở châu Á.

Nhà nghiên cứu Miu Lin và các đồng nghiệp tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: "Tỷ lệ các ca mắc không triệu chứng cho thấy nguy cơ lan truyền tiềm ẩn của bệnh nhân không triệu chứng trong cộng đồng".

Giới chức nên sàng lọc các trường hợp nhiễm bệnh không có biểu hiện và những người có kết quả dương tính với Covid-19 "phải được quản lý như các ca bệnh khác, bao gồm cách ly và truy vết", nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Biến thể Omicron bám chặt tế bào như 'đôi bàn tay đan ngón vào nhau'

Một nhóm nghiên cứu đã phân tích các tương tác phân tử xảy ra khi gai bám vào protein trên bề mặt tế bào ACE2, là cánh cổng để virus xâm nhập vào tế bào.

Biến thể Omicron bám chặt các tế bào hơn

Biến thể Omicron có thể bám vào tế bào chặt đến mức nào?

Bằng cách sử dụng mô hình máy tính của protein gai trên bề mặt Omicron, một nhóm nghiên cứu đã phân tích các tương tác phân tử xảy ra khi gai bám vào protein trên bề mặt tế bào ACE2, là cánh cổng để virus xâm nhập vào tế bào.

Nói một cách hình tượng thì virus SARS-CoV-2 nguyên bản chỉ như bắt tay với ACE2. Nhưng đến biến thể Omicron, cái nắm tay "trông giống như một đôi người tình đang đan các ngón tay vào nhau", theo lời của thành viên nhóm nghiên cứu Joseph Lubin từ Đại học Rutgers ở bang New Jersey (Mỹ).

Việc phân tích khả năng bám chặt của Omicron có thể giúp lý giải cách các đột biến của Omicron hợp tác để giúp nó lây nhiễm các tế bào.

Nhóm tác giả cũng mô hình hóa gai của các lớp kháng thể khác nhau đang cố gắng tấn công biến thể này.

Các kháng thể tấn công từ nhiều góc độ khác nhau. Một số "có vẻ như bị loại bỏ", trong khi những kháng thể khác vẫn còn hiệu quả chống lại virus.

Nhà nghiên cứu Lubin cũng cho biết vắc xin tăng cường làm tăng mức độ kháng thể bảo vệ chống virus.

Nghiên cứu được đăng trên trang web bioRxiv hôm 13.12 vẫn cần được xác minh, "đặc biệt là với các mẫu thực tế của các bệnh nhân", ông Lubin nói.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 20.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.