Bản tin Covid-19 ngày 26.12: Cả nước 15.218 ca | Biến thể Omicron gây ra “sóng thần” dịch bệnh mới

26/12/2021 20:29 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 26.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 26.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.218 ca Covid-19, 18.556 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 26.12 cho biết tính từ 16h ngày 25.12 đến 16h ngày 26.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.218 ca nhiễm mới, 18.556 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 207 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 31.214 ca.

Ngày 26.12: Cả nước 15.218 ca Covid-19, 18.556 ca khỏi | Hà Nội 1.910 ca | TP.HCM 544 ca

Thông tin về 15.218 ca nhiễm mới như sau:

  • 36 ca nhập cảnh.
  • 15.182 ca ghi nhận trong nước (giảm 377 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.635 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.910), Tây Ninh (928), Vĩnh Long (889), Bình Định (800), Đồng Tháp (781), Khánh Hòa (763), Cần Thơ (715), Cà Mau (579), Trà Vinh (572), TP.HCM (544), Bạc Liêu (489), Bến Tre (430), Thừa Thiên-Huế (375), Thanh Hóa (341), Sóc Trăng (281), Đắk Lắk (270), Bắc Ninh (267), Hải Phòng (267), Lâm Đồng (253), An Giang (252), Hưng Yên (238), Kiên Giang (230), Bình Dương (230), Đồng Nai (206), Bình Thuận (164), Nghệ An (159), Bà Rịa - Vũng Tàu (155), Kon Tum (137), Quảng Nam (137), Tiền Giang (129), Quảng Ngãi (126), Hà Giang (120), Quảng Ninh (120), Đà Nẵng (116), Gia Lai (113), Hải Dương (108), Vĩnh Phúc (104), Nam Định (96), Đắk Nông (79), Hà Nam (79), Long An (68), Quảng Bình (66), Thái Bình (57), Phú Thọ (52), Hậu Giang (42), Bình Phước (40), Bắc Giang (40), Ninh Thuận (39), Lạng Sơn (35), Quảng Trị (35), Thái Nguyên (27), Hòa Bình (26), Cao Bằng (24), Sơn La (19), Hà Tĩnh (15), Yên Bái (15), Lai Châu (8), Lào Cai (7), Tuyên Quang (6), Điện Biên (4), Bắc Kạn (3), Phú Yên (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-341), Cà Mau (-256), Tiền Giang (-197).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+413), Đắk Lắk (+270), Bến Tre (+227).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.865 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.651.673 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.646.033 ca, trong đó có 1.245.423 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (500.057), Bình Dương (290.163), Đồng Nai (96.827), Tây Ninh (70.594), Long An (40.083).

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 18.556 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.248.240 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.582 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.382 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.178 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 141 ca
  • Thở máy xâm lấn: 862 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 25.12 đến 17h30 ngày 26.12 ghi nhận 207 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (36) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: An Giang (1), Bến Tre (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (24), Tiền Giang (16), Tây Ninh (15), Đồng Nai (15), Vĩnh Long (13), Đồng Tháp (12), Kiên Giang (12), Bình Dương (9), Sóc Trăng (8), Bến Tre (7), Cà Mau (7), Cần Thơ (6), Trà Vinh (5), Bình Định (4), Bình Thuận (4), Hà Nội (3), Long An (3), Khánh Hoà (2), Bà Rịa-Vũng Tàu (2), Lạng Sơn (1), Quảng Ngãi (1), Phú Yên (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 235 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.214 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 123.530 mẫu xét nghiệm cho 172.359 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 29.793.114 mẫu cho 73.996.693 lượt người.

Trong ngày 25.12 có 1.067.112 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 145.595.435 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.074.627 liều, tiêm mũi 2 là 65.951.068 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 2.569.740 liều.

Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 lưu động tại nhà dân

Ngày 26.12.2021, Thủ tướng Phạm Minh chính vừa ký công điện về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 lưu động tại nhà dân

Công điện nêu rõ hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron.

Tại Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát; tuy nhiên số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, trong đó mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19).

Để chủ động quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong do Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị đón tết Dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng yêu cầu:

Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tổ chức tiêm vét vắc xin, thành lập các tổ tiêm vắc xin đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo phân bổ kịp thời, đầy đủ vắc xin cho các địa phương. Trên cơ sở luật pháp hiện hành, quyết liệt, khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc kịp thời, khoa học và hiệu quả; đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá và chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Cùng với đó, cần hướng dẫn quản lý, chăm sóc người bệnh nền, người có nguy cơ cao; kịp thời cập nhật, hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bộ Công thương được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND cấp tỉnh có giải pháp quyết liệt, hợp lý, khoa học, hiệu quả, cụ thể và không được để thiếu nguồn cung cấp oxy y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh; chịu trách nhiệm chỉ đạo các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và phân phối tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời, hiệu quả.

Đề nghị bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công điện này.

Hà Nội: Đa số ca Covid-19 tử vong có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25.12.2021, tổng số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị tại Hà Nội là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện T.Ư và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Hà Nội: Đa số ca Covid-19 tử vong có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin

Đáng chú ý, tính từ ngày 27.4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 109 người tử vong do Covid-19, đa số trường hợp đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.

Bệnh viện Thanh Nhàn được phân công điều trị F0 thuộc tầng 3 (ca nặng), theo kế hoạch có 800 giường bệnh, thực tế đã bố trí trên 1.200 giường bệnh. Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu riêng biệt: khu dành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng có 50 giường bệnh; khu cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.

Đại diện bệnh viện cho biết đã chuẩn bị hệ thống ô xy cho 250 giường ICU (hồi sức tích cực); các loại máy thở; xây dựng danh mục thuốc và sự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị.

Tính từ cuối tháng 4.2021 cho đến nay, bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận trên 1.200 bệnh nhân Covid-19, trong đó ra viện 946 bệnh nhân, chuyển viện 89 trường hợp và tử vong 48 trường hợp. Trong đó 100% ca bệnh tử vong đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vắc xin và 82% ở độ tuổi trên 70 tuổi.

Bên cạnh Thanh Nhàn, bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm được giao điều trị F0 thuộc tầng 2 với quy mô 500 giường bệnh. Tính từ 23.7 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 891 F0, trong đó có 1 trường hợp tử vong, hơn 60 bệnh nhân được phát hiện tăng nặng chuyển tầng và được vận chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị an toàn. Hiện bệnh viện đang thu dung điều trị 150 bệnh nhân thuộc tầng 2. Khu điều trị bệnh nhân F0 được tách biệt với các tòa nhà, có đường đi riêng và được quản lý chặt chẽ.

Theo lãnh đạo bệnh viện Gia Lâm, 2 tháng qua không có tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, phải chuyển lên tầng 3. Điều này cho thấy việc điều trị sớm, điều trị triệu chứng rất quan trọng, trong đó có việc bù nước điện giải sớm, dinh dưỡng và tâm lý bệnh nhân để mang lại kết quả điều trị cao.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị bệnh viện tiếp tục thực hiện các giải pháp chống dịch, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn sinh học phòng xét nghệm; bố trí nhân lực hợp lý; bảo đảm nguồn ôxy phục vụ người bệnh… Ngoài ra, cần phân tích chuyên sâu các ca tử vong để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tử vong; thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực theo định hướng của Bộ Y tế để bảo đảm việc điều trị Covid-19 tuyến cuối của thành phố.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 183,1 triệu liều vắc xin

Từ tháng 3.2021 đến hết ngày 24.12.2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 183,1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế đã phân bổ 110 đợt với tổng số 166,8 triệu liều, còn khoảng 16,3 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 183,1 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật đến 14 giờ ngày 26.12, cả nước đã tiêm trên 145,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó ngày 25.12, cả nước đã tiêm được hơn 1 triệu liều vắc xin các loại. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 133,4 triệu liều. Cụ thể như sau:

  • Hơn 69,5 triệu liều mũi 1.
  • Hơn 61,6 triệu liều mũi 2.
  • Hơn 1,1 triệu liều mũi 3 (đối với vắc xin Abdala).
  • Hơn 377.000 liều bổ sung và hơn 783.000 liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 98,6% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 87,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 95,4% và 83,1%.
  • Miền Trung là 96,4% và 86,4%.
  • Tây Nguyên là 90,9% và 74,0%.
  • Miền Nam là 100% và 91,6%.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:

  • 35/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 95%.
  • 16/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ từ 90-95%.
  • 12/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ dưới 90%.

Tỉ lệ bao phủ đủ liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:

  • 25/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90%.
  • 18/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 – dưới 90%.
  • 20/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%.

Về triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 11 triệu liều, trong đó có hơn 7,3 triệu liều mũi 1 và hơn 3,7 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 80,2% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 41,0% dân số từ 12 -17 tuổi.

Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 75,0% và 26,5%.
  • Miền Trung là 67,4% và 25,2%.
  • Tây Nguyên là 80,1% và 5,1%.
  • Miền Nam là 91,2% và 70,2%.

Các tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Ngày 25.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 15 ngày triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, thành phố đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, số liệu tử vong đang giảm dần.

Sở Y tế cũng đánh giá số liệu về nhóm người nguy cơ rất quan trọng do được thu thập trực tiếp từ các mẫu phiếu "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Tuy nhiên, một số quận, huyện còn chậm trong công tác triển khai cập nhật số liệu nhóm người nguy cơ.

Về công tác tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm mũi 3 (mũi bổ sung và nhắc lại) và hoàn tất trong tháng 1.2022. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải thực hiện cao điểm tiêm mũi 3 cho cả nhóm nguy cơ, không nguy cơ sau khi đủ 3 tháng tiêm mũi 2.

Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý tất cả F0 vừa hoàn thành điều trị cần được tiêm vắc xin Covid-19 ngay, không chờ đủ 6 tháng.

Hoa hậu Doanh nhân ủng hộ 2,7 tỉ đồng

Ngay sau khi đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, các người đẹp đã có mặt tại tòa soạn Báo Thanh Niên vào sáng 25.12 để ký kết thỏa thuận bảo trợ cho 10 trẻ mồ côi trên địa bàn TP.HCM.

Hoa hậu Doanh nhân rơi nước mắt vì trẻ mồ côi, chung tay ủng hộ 2,7 tỉ đồng

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nói các người đẹp đã chọn hành trình nhân ái ngay sau khi mang trong mình sứ mệnh của hoa hậu, của những điều tốt đẹp, để đến với gia đình Thanh Niên, cùng báo thực hiện nghĩa cử cao đẹp là ký thỏa thuận bảo trợ cho các trẻ mồ côi.

Chị Đặng Bảo Trâm, nhà sáng lập Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2021, đã thay mặt Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam cảm ơn Báo Thanh Niên đã trao cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình đối với cộng đồng.

Đưa cháu gái đến tòa soạn để ký thỏa thuận bảo trợ, ông Trần Kỳ Phúc, đại diện cho phụ huynh của 10 trẻ mồ côi, xúc động kể về những tháng ngày đau lòng vừa qua. Một người cháu gọi ông Phúc bằng cậu là chị Huỳnh Thị Tâm Thảo, 33 tuổi, mắc Covid-19 và bệnh đột ngột trở nặng rồi mất vào ngày 13.11, để lại con nhỏ.

"Gia đình cháu đã rơi vào cảnh khốn khó, mà cháu còn người anh nữa. Cứ nghĩ tới việc đưa cháu học tiếp tục hay không, lo cho cháu ra sao, vì ông bà ngoại đã đến tuổi về hưu rồi, mất sức lao động.

Trong quá trình đang chới với giữa cuộc sống khó khăn, gia đình tôi được biết về chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên đã hỗ trợ tích cực và nhiều mạnh thường quân hỗ trợ trẻ mồ côi trong thành phố này thì tôi rất cảm kích. Các anh chị và các bạn đã biết, hai từ “mồ côi” đơn giản lắm nhưng hiểu sâu rộng thì nó rất thấm thía", ông Phúc chia sẻ.

Lắng nghe câu chuyện và mong muốn chia sẻ nỗi mất mát của các gia đình trẻ mồ côi, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam và các người đẹp tham gia cuộc thi đã trao tặng số tiền 2,7 tỉ đồng vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời.

Tại tòa soạn Báo Thanh Niên, chương trình đã thực hiện ký kết biên bản thỏa thuận giữa chị Đặng Bảo Trâm, Hoa hậu Đào Ái Nhi, Á hậu Đỗ Thị Vân Anh, các người đẹp khác: Mai Thanh Nhàn, Đặng Hoàng Uy, Trương Hiền, Hoàng Ngọc Anh với gia đình 7 trẻ mồ côi.

Nhà báo Hải Thành, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đại diện cho bạn đọc của Báo Thanh Niên ký kết thỏa thuận bảo trợ với gia đình của 3 trẻ mồ côi.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đã thay mặt chương trình tiếp nhận tổng số tiền 2,7 tỉ đồng từ Ban tổ chức cuộc thi và các người đẹp tham gia cuộc thi trao tặng.

Trong đó, chị Đặng Bảo Trâm và chị Đặng Thu Vân, đại diện Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam và nhà hảo tâm sữa Danalac tặng 500 hộp sữa trị giá 290 triệu đồng; Hoa hậu Đào Ái Nhi tặng 1 tỉ đồng và số tiền tài trợ sim đấu giá 500 triệu đồng; Á hậu Đỗ Thị Vân Anh tặng 269 triệu đồng; chị Mai Thanh Nhàn tặng 559 triệu đồng; chị Đặng Hoàng Uy tặng 200 triệu đồng; chị Trương Hiền tặng 150 triệu đồng; chị Hoàng Ngọc Anh tặng 50 triệu đồng; chị Đinh Ngọc Phượng tặng 200 phần quà sâm trị giá 120 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Quỳnh Như tặng 30 chiếc iPad trị giá 300 triệu đồng.

Tại buổi lễ, 10 trẻ mồ côi đã được nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn và chị Đặng Bảo Trâm trao tận tay số tiền bảo trợ tháng đầu tiên trong hành trình bảo trợ của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam và các người đẹp, mỗi em nhận 3 triệu đồng.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục

Cơ quan y tế tại Pháp ngày 25.12 thông báo nước này ghi nhận 104.611 ca nhiễm Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lan mạnh. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp vượt mốc 100.000 ca mỗi ngày và là ngày thứ ba liên tiếp phá kỷ lục.

Số bệnh nhân được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt tăng thêm 28 ca thành 3.282 ca.

Các cơ quan y tế Pháp đã khuyến cáo người trưởng thành tiêm liều vắc xin tăng cường, ba tháng sau khi hoàn thành liều tiêu chuẩn.

Chính quyền cũng đang chuẩn bị thay đổi quy định, chỉ cấp chứng nhận vắc xin cho người tiêm liều tăng cường.

Tổng thống Emmanuel Macron và các quan chức cấp cao sẽ có cuộc họp trực tuyến trong ngày 27.12 để thảo luận về các biện pháp an toàn mới nhằm phòng ngừa Covid-19.

Tại Ý, Bộ Y tế ngày 25.12 ghi nhận 54.762 ca nhiễm Covid-19, ngày thứ ba liên tiếp lập kỷ lục mới. Số ca tử vong tăng thêm 144, nâng tổng số ca tử vong đến nay thành 136.530.

Nhà chức trách nước này đã siết chặt quy định đối với người chưa tiêm vắc xin từ hôm 23.12. Bên cạnh đó, các sự kiện mừng giao thừa ngoài trời đều bị cấm, theo Euronews.

Nhiều nước châu Âu khác cũng đang siết chặt quy định phòng dịch và kêu gọi người dân tiêm vắc xin trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và cuối năm.

Theo AFP, nhiều nước tại châu Âu như Anh, Đan Mạch, Iceland, Ireland, Malta, Monaco, Phần Lan và Tây Ban Nha trong tuần qua cũng ghi nhận những kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 trong một ngày.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 26.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.