Bản tin Covid-19 ngày 5.1: Cả nước 17.017 ca | Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin tốp đầu thế giới
Bản tin Covid-19 ngày 5.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 5.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 17.017 ca Covid-19, 22.662 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 5.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 4.1 đến 16h ngày 5.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới, 22.662 ca khỏi bệnh. Việt Nam đã ghi nhận 25 ca Covid-19 do biến thể Omicron.
Bản tin cũng thông báo về 230 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 33.475 ca.
Ngày 5.1: Cả nước 17.017 ca Covid-19, 22.662 ca khỏi | Hà Nội 2.505 ca | TP.HCM 448 ca |
Thông tin về 17.017 ca nhiễm mới như sau:
- 20 ca nhập cảnh.
- 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.505), Tây Ninh (862), Hải Phòng (792), Khánh Hòa (782), Bình Định (735), Cà Mau (687), Bình Phước (682), Vĩnh Long (657), Trà Vinh (576), Bến Tre (499), TP.HCM (448), Bắc Ninh (365), Thanh Hóa (351), Hưng Yên (345), Quảng Ninh (337), Bình Thuận (329), Bạc Liêu (306), Cần Thơ (282), Đắk Lắk (273), Thừa Thiên-Huế (260), Đà Nẵng (245), Thái Nguyên (239), Hải Dương (229), Lâm Đồng (228), Hà Giang (227), Quảng Ngãi (215), Kiên Giang (202), Sóc Trăng (196), An Giang (193), Vĩnh Phúc (191), Bắc Giang (187), Quảng Nam (180), Đắk Nông (152), Thái Bình (148), Nam Định (138), Đồng Tháp (137), Phú Yên (136), Lạng Sơn (131), Gia Lai (126), Hòa Bình (121), Nghệ An (109), Tiền Giang (105), Đồng Nai (103), Phú Thọ (99), Sơn La (97), Ninh Bình (85), Bà Rịa - Vũng Tàu (81), Hà Nam (75), Quảng Trị (68), Bình Dương (66), Ninh Thuận (51), Bắc Kạn (45), Lào Cai (43), Điện Biên (42), Quảng Bình (41), Hậu Giang (35), Long An (34), Tuyên Quang (30), Yên Bái (27), Cao Bằng (22), Hà Tĩnh (21), Kon Tum (12), Lai Châu (12).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-216), Đắk Lắk (-94), Tây Ninh (-54).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+380), Cà Mau (+237), Vĩnh Long (+226).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.133 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.817.721 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.424 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.811.863 ca, trong đó có 1.433.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (505.971), Bình Dương (291.127), Đồng Nai (98.286), Tây Ninh (79.699), Hà Nội (56.735).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 22.662 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.436.046 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.257 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.364 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 938 ca
- Thở máy không xâm lấn: 141 ca
- Thở máy xâm lấn: 795 ca
- ECMO: 19 ca
Từ 17h30 ngày 4.1 đến 17h30 ngày 5.1 ghi nhận 230 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (25) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Tháp (1), Bình Thuận (1), Tây Ninh (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (30), An Giang (17), Tây Ninh (17), Bình Dương (15), Vĩnh Long (14), Hà Nội (12), Long An (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Sóc Trăng (9), Đồng Tháp (9), Kiên Giang (9), Cần Thơ (9), Tiền Giang (8), Trà Vinh (7), Cà Mau (7), Bình Phước (4), Bạc Liêu (3), Huế (2), Khánh Hòa (2), Bình Thuận (2), Hậu Giang (2), Hải Dương (2), Đắk Lắk (1), Ninh Thuận (1), Hòa Bình (1), Lâm Đồng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 221 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.475 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.631.786 mẫu tương đương 75.268.432 lượt người.
Trong ngày 4.1 có 752.474 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 155.199.486 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.987.940 liều, tiêm mũi 2 là 69.803.846 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 7.407.700 liều.
TP.HCM dừng hoạt động Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định dừng hoạt động đối với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM kể từ ngày 4.1.
TP.HCM dừng hoạt động Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19 |
Các lực lượng của Bộ Tư lệnh TP.HCM, Công an TP.HCM, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND TP.HCM và các cơ quan tham gia hoạt động tại Sở Chỉ huy sẽ rút về khi đã kết thúc nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh TP.HCM được giao nhiệm vụ nắm chắc tình hình có liên quan đến dịch bệnh, kịp thời tham mưu hoạt động trở lại Sở Chỉ huy khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Quyết định trên của TP.HCM đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có nhiều tín hiệu khả quan, số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm liên tục trong các tuần qua. UBND TP.HCM giao Sở Y tế TP.HCM (là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế) thường xuyên và chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch trên địa bàn trong tình hình mới, đảm bảo đúng quy định trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Công an TP.HCM nắm chắc tình hình có liên quan đến dịch bệnh, quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện các trường hợp đi về từ vùng dịch không khai báo y tế hoặc nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.
TP.HCM tiếp tục xác định phường, xã, thị trấn là pháo đài phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
UBND TP.HCM đề nghị các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền vận động nhân dân dưới mọi hình thức; quản lý chặt chẽ F0 điều trị, cách ly tại nhà,…
Trước đó, vào tháng 7.2021, UBND TP.HCM quyết định thành lập Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19 với 16 thành viên, Chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND TP.HCM.
Sở chỉ huy có nhiệm vụ tham mưu quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, dự báo tình huống, khả năng có thể xảy ra các cấp độ dịch, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến dịch, cũng như chủ động đề xuất các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật…
TP.HCM thanh tra đột xuất mua sắm, sản xuất kit xét nghiệm Covid-19
Sáng 5.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn giao Thanh tra TP.HCM thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime-PCR xác định Covid-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM thanh tra đột xuất mua sắm, sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 |
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh các loại kit xét nghiệm đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, tránh trùng lặp, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định. Trong đó, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu việc sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 phải đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát. Ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ phòng chống dịch, đặc biệt là kit xét nghiệm.
Công an TP.HCM kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng; thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ phòng chống dịch không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp vi phạm, phòng ngừa tiềm ẩn phát sinh tội phạm kinh tế và chức vụ.
UBND TP.HCM giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường phối hợp, kiểm tra việc kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư trên địa bàn; chủ động giám sát việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 miễn phí cho người dân, không được thu bất cứ khoản phí nào trong tiêm chủng. UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương không lạm dụng, lãng phí, gây thất thoát kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM.
53 tỉnh, thành phố đã tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho người trên 18 tuổi
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 14h ngày 5.1 cho biết cả nước đã tiêm vượt mốc 155 triệu liều vắc xin phòng Covid-19; trong đó ngày 4.1, tiêm được hơn 855 nghìn liều.
53 tỉnh, thành phố đã tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho người trên 18 tuổi |
Tính đến ngày 4.1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 141,2 triệu liều, trong đó có hơn 70,1 triệu mũi 1; hơn 64,2 triệu 2; hơn 1,2 triệu mũi 3 (đối với vắc xin Abdala ); hơn 1,9 triệu liều bổ sung và hơn 3,7 triệu liều nhắc lại.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 99,7% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ tiêm 1 liều và 2 liều vắc xin lần lượt ở:
- Miền Bắc là 96,6% và 89,1%;
- Miền Trung là 96,7% và 89,2%;
- Tây Nguyên là 98,1% và 85,9%;
- Miền Nam là 100% và 92,9%.
Hiện có 7 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vắc xin dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Nam Định (88,7%), Hưng Yên (87,2%), Hà Tĩnh (89,0%), Lai Châu (89,1%), Cao Bằng (89,6%), Quảng Bình (85,8%), Tây Ninh (88,7%).
Trên cả nước, có 34 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên trên 90%; 23 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 – dưới 90% ; 6 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%.
Về tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại, báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến ngày 3.1 đã có 53 tỉnh, thành phố triển khai tiêm với tổng số hơn 5,6 triệu liều, trong đó TP.HCM tiêm nhiều nhất với khoảng 1,5 triệu liều.
Về triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 13 triệu liều, trong đó có hơn 7,7 triệu mũi 1 và hơn 5,3 triệu mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 86,0% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 59,8% dân số từ 12 -17 tuổi.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở :
- Miền Bắc là 82,6% và 55,1%;
- Miền Trung là 78,9% và 39,2%,
- Tây Nguyên là 92,3% và 29,1%,
- Miền Nam là 91,6% và 77,3%.
24 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.
'Tin vui' từ WHO: Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ hơn
Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm 4.1 cho biết có thêm bằng chứng cho thấy biến thể Omicron đang ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.
WHO: Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ hơn |
Quản lý sự cố WHO Abdi Mahamud cho biết: "Chúng tôi đang thấy ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron đang lây nhiễm sang phần ở của cơ thể. Không giống như những biến thể khác sẽ ảnh hưởng đến phổi, gây bệnh viêm phổi nặng. Đây có thể là một tin vui, nhưng chúng tôi cần nghiên cứu nhiều hơn để chứng minh điều này".
Dữ liệu của WHO cho thấy kể từ khi được phát hiện vào cuối tháng 11, Omicron đã lây lan nhanh chóng và xuất hiện ở ít nhất 128 quốc gia. Tuy nhiên, trong khi số ca bệnh tăng cao kỷ lục, tỷ lệ nhập viện và tử vong lại thấp hơn so với những làn sóng trước đó của đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi có rất nhiều nghiên cứu sắp tới, để một lần nữa chứng minh những gì mà chúng tôi đã rút ra từ Nam Phi rằng vắc xin vẫn bảo vệ mọi người khỏi nhập viện, bệnh nặng và tử vong. Và đó là mục đích khi bào chế vắc xin. Thách thức không phải là vắc xin mà là tiêm phòng và tiếp cận những khu vực dễ bị tổn thương", ông Mahamud cho hay.
Tuy nhiên, ông Mahamud cũng lưu ý nên thận trọng khi chỉ dựa vào dữ liệu từ Nam Phi, vì nước này có dân số trẻ và nhiều yếu tố khác.
Ông cũng cảnh báo rằng khả năng lây nhiễm của Omicron rất cao. Điều này có nghĩa là nó sẽ trở nên thành chủng trội ở nhiều nơi trong vài tuần tới, gây ra mối đe dọa đối với hệ thống y tế ở các quốc gia nơi phần lớn người dân chưa được chích ngừa.
Bên cạnh đó, ông Mahamud cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để xác định liệu có cần một loại vắc xin đặc hiệu để chống lại Omicron hay không.
Biến thể Covid-19 mới có tới 46 đột biến, nhiều hơn Omicron
Một biến thể virus SARS-CoV-2 có 46 đột biến vừa được Bệnh viện Đại học Nhiễm trùng Địa Trung Hải (IHU) phát hiện ở miền nam nước Pháp. Số lượng đột biến này nhiều hơn cả biến thể Omicron, với 36 đột biến.
Biến thể Covid-19 mới có tới 46 đột biến, nhiều hơn Omicron |
Được đặt tên tạm thời là “biến thể IHU”, dòng B.1.640.2 đến nay đã lây nhiễm 12 người ở miền đông nam nước Pháp, gần Marseilles.
Theo báo cáo trên trang medRxiv, ca đầu tiên được phát hiện ngày 10.12.2021 là một người từ Cameroon về Pháp. Người này đã tiêm 2 mũi vắc xin, đến Cameroon trong 3 ngày. Kết quả phân tích cho thấy biến thể IHU sở hữu 46 đột biến chưa từng ghi nhận ở các nước khác.
Để có thể phát hiện đột biến mới, các chuyên gia đã sử dụng cách giải trình tự gien thế hệ mới.
Từ nghiên cứu, các nhà khoa học ở IHU cảnh báo đây là "minh chứng mới nhất cho thấy sự xuất hiện không thể đoán trước của các biến thể SARS-CoV-2”.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding, thành viên Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, giải thích trên Twitter rằng việc các biến thể mới tiếp tục xuất hiện không đồng nghĩa là chúng sẽ nguy hiểm hơn.
Ông giải thích rằng: "Một biến thể sẽ nổi tiếng và nguy hiểm hơn nếu có năng lực tự nhân lên [mạnh hơn] nhờ số lượng đột biến so với virus nguyên thủy".
Biến thể Omicron được phát hiện trong mẫu kiểm dịch ở Nam Phi vào ngày 24.11.2021. Kể từ đó, biến thể này lây lan hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 5.1 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)