Bản tin Covid-19 ngày 8.1: Cả nước 16.553 ca | TP.HCM đã thành vùng xanh

08/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 8.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 8.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.553 ca Covid-19, 8.990 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 8.1 cho biết tính từ 16h ngày 7.1 đến 16h ngày 8.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.553 ca nhiễm mới, 8.990 ca khỏi bệnh. Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 240 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 34.117 ca.

Ngày 8.1: Cả nước 16.553 ca Covid-19, 8.990 ca khỏi | Hà Nội 2.791 ca | TP.HCM 436 ca

Thông tin về 16.553 ca nhiễm mới như sau:

  • 40 ca nhập cảnh.
  • 16.513 ca ghi nhận trong nước (tăng 259 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 12.055 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.791), Khánh Hòa (798), Hải Phòng (748), Bình Định (742), Bình Phước (718), Trà Vinh (575), Tây Ninh (587), Cà Mau (587), Đắk Lắk (481), Đà Nẵng (474), Vĩnh Long (470), TP.HCM (436), Hưng Yên (384), Bắc Ninh (382), Quảng Ninh (343), Thanh Hóa (290), Bến Tre (285), Hậu Giang (253), Bạc Liêu (250), Lâm Đồng (236), Thừa Thiên-Huế (232), Cần Thơ (208), Vĩnh Phúc (197), Bà Rịa - Vũng Tàu (193), Thái Bình (183), Bắc Giang (182), Gia Lai (181), Nam Định (181), Hải Dương (181), Kiên Giang (172), Hòa Bình (163), An Giang (161), Quảng Nam (158), Bình Thuận (157), Quảng Ngãi (151), Đồng Tháp (150), Thái Nguyên (137), Sóc Trăng (134), Ninh Bình (131), Nghệ An (129), Quảng Trị (114), Phú Thọ (111), Đồng Nai (105), Đắk Nông (103), Hà Nam (95), Yên Bái (86), Lào Cai (74), Sơn La (67), Bắc Kạn (66), Lạng Sơn (66), Bình Dương (59), Long An (53), Ninh Thuận (46), Cao Bằng (39), Tuyên Quang (38), Tiền Giang (37), Quảng Bình (37), Kon Tum (26), Lai Châu (21), Hà Tĩnh (21), Điện Biên (20), Phú Yên (18).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-263), Hải Dương (-262), Vĩnh Long (-229).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+481), Gia Lai (+179), Đà Nẵng (+165).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.263 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.876.394 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.019 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.870.417 ca, trong đó có 1.485.221 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (507.338), Bình Dương (291.329), Đồng Nai (98.650), Tây Ninh (81.722), Hà Nội (64.965).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.990 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.488.038 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.581 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 857 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 134 ca
  • Thở máy xâm lấn: 760 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 7.1 đến 17h30 ngày 8.1 ghi nhận 240 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (18) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (3), Long An (3), An Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (27), An Giang (20), Tiền Giang (15), Vĩnh Long (15), Long An (14), Cà Mau (14), Hà Nội (13), Đồng Tháp (12), Sóc Trăng (11), Kiên Giang (11), Tây Ninh (9), Cần Thơ (8 ), Khánh Hoà (7), Bình Dương (7), Bến Tre (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Trà Vinh (5), Huế (4), Bình Thuận (4), Phú Yên (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Quảng Ninh (2), Bình Định (2), Quảng Ngãi (1), Đắk Nông (1), Thái Nguyên (1), Đà Nẵng (1), Đắk Lắk (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 215 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.117 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.919.421 mẫu tương đương 75.593.528 lượt người.

Trong ngày 7.1 có 1.414.067 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 159.152.206 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.206.607 liều, tiêm mũi 2 là 70.770.669 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 10.174.930 liều.

TP.HCM lần đầu tiên thành "vùng xanh"

Ngày 8.1.2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, tính đến ngày 6.1 dịch Covid-19 tại TP.HCM đạt cấp độ 1.

TP.HCM lần đầu tiên thành "vùng xanh", nguy cơ dịch Covid-19 xuống cấp độ 1

Như vậy, kể từ khi TP.HCM bắt đầu đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì đây là lần đầu tiên đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp – vùng xanh) sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2.

Ở cấp huyện, có 4 địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – vùng vàng) gồm: quận 1, quận 10, quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức; 18 quận, huyện còn lại đạt cấp 1.

Ở cấp xã, có 235 địa phương đạt cấp độ 1, 74 địa phương đạt cấp độ 2 và 3 địa phương đạt cấp độ 3.

Trong khoảng 3 tuần qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM liên tục ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi số ca mắc mới, ca chuyển nặng và tử vong đều giảm. Tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn cũng khá cao, thành phố đang tiêm mũi tăng cường cho những người thuộc nhóm nguy cơ.

Từ tháng 10.2021, TP.HCM mở cửa kinh tế từng bước thận trọng theo tinh thần Nghị quyết 128 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đến nay, hầu hết hoạt động kinh tế, xã hội ở TP.HCM đã được hoạt động ổn định theo các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của từng lĩnh vực.

Học sinh khối lớp 9 và 12 ở TP.HCM bắt đầu đến trường từ ngày 13.12.2021 sau đó tiếp tục mở rộng ra các khối lớp từ 7-12. Ngày 10.1 tới đây, các dịch vụ được đánh giá là nguy cơ cao như karaoke, quán bar, vũ trường, massage cũng bắt đầu hoạt động trở lại.

UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Có thể cần tiêm đến 7 mũi vắc xin Covid-19, chuyên gia nói gì?

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 43 ngày 7.1.2022 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588 ngày 26.7.2021 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Có thể cần tiêm đến 7 mũi vắc xin Covid-19, chuyên gia nói gì?

Theo đó, tại Quyết định 43, Bộ Y tế đã thay thế 3 phụ lục 4, 5, 6 bằng các phụ lục tương ứng, bao gồm:

Các nội dung khác về tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thực hiện theo Quyết định 3588 của Bộ Y tế. Đáng lưu ý, tại Quyết định 43, mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 được bổ sung các thông tin về tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đó chỉ là 2 mũi tiêm (liều cơ bản).

Về việc cần thiết tiêm liều bổ sung, nhắc lại, theo TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, với vắc xin Covid-19, để có miễn dịch bảo vệ, người đó cần được tiêm liều cơ bản. Sau khi tiêm vắc xin liều cơ bản, có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại vi rút mà họ mong muốn được bảo vệ. Tuỳ thuộc vào nhà sản xuất, liều vắc xin cơ bản có thể khác nhau. Ví dụ với vắc xin Covid-19, vắc xin Janssen 1 mũi tiêm, các vắc xin: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell,

Pfizer/BioNTech, Moderna có liều cơ bản là 2 mũi tiêm; nhưng vắc xin Abdala của Cuba liều cơ bản gồm 3 mũi tiêm. Sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm tăng cường mũi bổ sung (cho các trường hợp đáp ứng miễn dịch yếu, người có bệnh nền…), hoặc tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản.

Ghi nhận nhiều trường hợp di chứng hậu Covid-19

Sáng 8.1.2022, thông tin từ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Tăng Chí Thượng cho biết trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, ngành y tế phải linh hoạt trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống y tế nhằm đáp ứng song hành 2 nhiệm vụ không thể tách rời là phòng chống dịch và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cùng chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Ghi nhận nhiều trường hợp di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Về số ca mắc Covid-19, Ông Tăng Chí Thượng cho biết từ đợt dịch thứ tư, tính đến ngày 29.12.2021, Việt Nam ghi nhận 1.689.194 ca nhiễm Covid-19, trong đó TP.HCM có 501.990 ca nhiễm.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác thu dung, điều trị và quản lý ca nhiễm trên địa bàn, thành phố vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, đáng lo ngại là nhiều vấn đề sức khỏe của người dân hậu mắc Covid-19 trong thời gian qua đã được ghi nhận, nhiều người dân đến khám các chuyên khoa sau mắc Covid-19 tại các bệnh viện. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận tại các bệnh viện rất nhiều dạng, bao gồm: cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc Covid-19 trên địa bàn. Về điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thể chất, ngành y tế tăng cường sự phối hợp giữa Đông Y và Tây Y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chủ động phát sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các hội chứng hậu Covid-19 phân biệt với các bệnh lý khác; tổ chức lại các hoạt động điều trị, chăm sóc các bệnh nền, các bệnh lý không phải do Covid-19 gây ra.

Bên cạnh đó, ngành Y tế TP.HCM sẽ phối hợp giữa nhiều chuyên ngành bao gồm: tim mạch, hô hấp, thần kinh, tâm thần, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và y học cổ truyền. Ngành y tế đặt mục tiêu tất cả người bệnh sau khi hoàn thành điều trị, cách ly có thể tiếp cận việc điều trị, chăm sóc sức khỏe sớm tại bất cứ cơ sở y tế phù hợp với điều kiện bản thân.

Về điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân sau mắc Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần ở y tế các cấp; tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần, tâm thể trị liệu do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần phụ trách.

Thêm một tỉnh Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt

Các thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đang tiến hành các đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt sau khi tỉnh này phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Thêm một tỉnh Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt

Ngày 6.1, tỉnh Hà Nam vừa công bố thêm 56 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, giảm 64 ca so với ngày hôm trước.

Hơn 4 triệu cư dân TP. Hứa Xương phải xét nghiệm Covid-19 trong liên tục 2 ngày 6 và 7 tháng 1.

Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 7.1 cho hay nước này ghi nhận thêm 174 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 116 ca lây nhiễm trong nước và 58 ca nhập cảnh.

Trước đó, hôm 5.1 giới chức Trung Quốc thông báo đợt bùng phát Covid-19 tại thành phố Tây An đã được kiểm soát sau 2 tuần phong tỏa. Theo chuyên gia dịch tễ Tằng Quang, cố vấn của chính phủ Trung Quốc về Covid-19, ổ dịch ở Tây An là nghiêm trọng nhất sau Vũ Hán.

Số ca nhiễm trong đợt bùng dịch lần này ở Trung Quốc vẫn rất nhỏ khi so sánh với các nước khác. Bên cạnh đó, vẫn chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron tại Hà Nam. Dù vậy, chính quyền vẫn duy trì cảnh giác cao độ với virus Covid-19.

Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid” trong bối cảnh nước này đang gấp rút chuẩn bị cho thế vận hội Olympic mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc từ ngày 4.2, và đồng thời chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu.

Đến nay, Trung Quốc ghi nhận 103.295 ca nhiễm với 4.636 ca tử vong và 95.300 ca hồi phục.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 8.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.