Bản tin Covid-19 ngày 7.1: Cả nước 16.278 ca | Dịch bệnh TP.HCM hạ nhiệt nhưng Hà Nội vẫn ‘nóng”

07/01/2022 20:03 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 7.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 7.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.278 ca Covid-19, 14.633 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 7.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 6.1 đến 16h ngày 7.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.278 ca nhiễm mới, 14.633 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 233 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 33.877 ca.

Ngày 7.1: Cả nước 16.278 ca Covid-19, 14.633 ca khỏi | Hà Nội 2.723 ca | TP.HCM 489 ca

Thông tin về 16.278 ca nhiễm mới như sau:

  • 24 ca nhập cảnh.
  • 16.254 ca ghi nhận trong nước (giảm 163 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 11.423 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.723), Hải Phòng (795), Khánh Hòa (790), Bình Phước (716), Vĩnh Long (699), Cà Mau (676), Bình Định (667), Tây Ninh (583), Trà Vinh (498), TP.HCM (489), Bến Tre (443), Hải Dương (443), Bắc Ninh (351), Quảng Ninh (345), Hưng Yên (319), Đà Nẵng (309), Thanh Hóa (275), Bà Rịa - Vũng Tàu (263), Hà Giang (263), Lâm Đồng (245), Thừa Thiên-Huế (235), Kiên Giang (229), Cần Thơ (213), Bạc Liêu (210), Hòa Bình (197), An Giang (188), Quảng Ngãi (186), Quảng Nam (173), Nam Định (172), Thái Nguyên (165), Bắc Giang (162), Quảng Trị (160), Vĩnh Phúc (157), Hậu Giang (148), Đồng Tháp (135), Thái Bình (132), Nghệ An (131), Đồng Nai (127), Bình Thuận (121), Đắk Nông (106), Phú Thọ (103), Hà Nam (98), Tiền Giang (97), Sơn La (96), Sóc Trăng (91), Yên Bái (73), Phú Yên (56), Quảng Bình (54), Bắc Kạn (53), Bình Dương (52), Ninh Thuận (39), Tuyên Quang (35), Long An (32), Lai Châu (32), Cao Bằng (31), Lào Cai (27), Kon Tum (23), Điện Biên (21), Gia Lai (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-270), Hải Phòng (-128), Gia Lai (-102).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+443), Vĩnh Long (+180), Bà Rịa - Vũng Tàu (+111).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.021 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.859.841 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.851 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.853.904 ca, trong đó có 1.476.231 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (506.902), Bình Dương (291.270), Đồng Nai (98.545), Tây Ninh (81.135), Hà Nội (62.174).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.633 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.479.048 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.239 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 884 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 140 ca
  • Thở máy xâm lấn: 723 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 6.1 đến 17h30 ngày 7.1 ghi nhận 233 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (20) trong đó có 02 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Tây Ninh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (23 ca trong 2 ngày), Long An (16), Tiền Giang (14), Vĩnh Long (14), Bình Dương (12), Bến Tre (11), Cần Thơ (11), Sóc Trăng (11), An Giang (10), Kiên Giang (10), Hậu Giang (10), Đồng Tháp (9), Tây Ninh (8), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bạc Liêu (7), Cà Mau (7), Bình Định (6), Khánh Hoà (6), Bình Phước (6), Bình Thuận (6), Quảng Ngãi (2), Thừa Thiên-Huế (2), Đà Nẵng (2), Nghệ An (1), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 212 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.877 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.839.883 mẫu tương đương 75.500.440 lượt người, tăng 104.454 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 6.1 có 804.906 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 157.740.557 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.146.683 liều, tiêm mũi 2 là 70.529.369 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 9.064.505 liều.

Quận Cầu Giấy ở Hà Nội chuyển thành “vùng cam”

Ngày 7.1.2022, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết chiếu theo các tiêu chuẩn tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, quận Cầu Giấy có 7/8 phường ở cấp độ 3 - nguy cơ cao (tức màu cam) về dịch Covid-19.

Quận Cầu Giấy ở Hà Nội chuyển màu thành “vùng cam” Covid-19

Như vậy, sau các quận trung tâm khác của thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy đã chính thức chuyển từ cấp độ 2 (tức nguy cơ trung bình - màu vàng) sang cấp độ 3 (tức nguy cơ cao - màu cam).

Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128, quận sẽ điều chỉnh các hoạt động không thiết yếu trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, quận Cầu Giấy sẽ yêu cầu các hàng quán ăn uống chuyển sang chỉ được bán mang về, dừng các hoạt động tập trung đông người...

Trước đó, theo đánh giá cấp độ dịch của UBND thành phố Hà Nội công bố ngày 31.12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (tức màu vàng), nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, số quận, huyện, thị xã cấp độ 1 (tức màu xanh) chỉ còn 2 huyện là Phú Xuyên và Phúc Thọ.

Đặc biệt, số quận, huyện màu cam đã tăng lên 10, bổ sung thêm quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì so với đánh giá tuần trước đó. Ngoài ra, có 111 xã, phường ở cấp độ 3.

Tính đến 31.12, Hà Nội có 10 quận, huyện ở cấp độ 3, gồm 8 quận là: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên và 2 huyện là: Thanh Trì, Gia Lâm. Các quận, huyện này sau đó đã siết lại các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế tụ tập đông người; cấm bán hàng ăn uống tại chỗ, chỉ cho phép bán mang về, hoạt động đến 21 giờ hàng ngày...

TP.HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà

Theo Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 mới nhất do Sở Y tế TP.HCM vừa cập nhật, thay thế cho phiên bản hồi cuối tháng 11.2021, F0 mắc Covid-19 tại TP.HCM được cách ly tại nhà khi không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, không có dấu hiệu suy hô hấp, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc xin...

TP.HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 mắc Covid-19 tại nhà còn 10 ngày

Tuy nhiên, tiêu chí cách ly tại nhà có sự thay đổi về độ tuổi. Cụ thể, F0 trong độ tuổi 3-64 tuổi được cách ly tại nhà, thay vì 1-50 tuổi như trước.

Đối với các trường hợp F0 không đáp ứng các điều kiện vừa nêu nhưng bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, tiêm đủ liều vắc xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên, có nguyện vọng cách ly tại nhà thì cũng được phép cách ly tại nhà.

Trường hợp F0 là trẻ em hoặc không tự chăm sóc được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc. Với những F0 hội đủ hai tiêu chí đã nêu nhưng gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ thì Sở Y tế khuyến khích cách ly ở nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu trạm y tế phường, xã, thị trấn tiếp nhận, cập nhật danh sách F0 trên địa bàn. Nếu chưa đủ chứng cứ để xác định là F0 thì trạm y tế xét nghiệm (trực tiếp thực hiện hoặc giám sát từ xa) bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Đối với công tác điều trị, F0 tại nhà được cấp phát thuốc điều trị Covid-19 trong vòng 24 giờ sau khi được cập nhật danh sách. F0 không triệu chứng được cấp gói thuốc A (thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng), có triệu chứng nhẹ được cấp gói A và C (có thuốc kháng vi rút). F0 thuộc nhóm nguy cơ được ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, uống thuốc kháng vi rút trước khi xem xét cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị.

Trong trường hợp F0 cảm thấy khó thở (như thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần một phút hoặc đo SpO2 dưới 97%) cần liên hệ ngay nhân viên y tế để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, cho người bệnh dùng một liều duy nhất thuốc B (gồm thuốc kháng viêm và chống đông) trước khi chuyển viện.

Một điểm mới trong hướng dẫn lần này là Sở Y tế TP.HCM đưa thuốc kháng vi rút Favipiravir vào danh sách cấp phát cho F0 tại nhà. Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng vi rút trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị….

Chính sách hỗ trợ cho giáo viên là F0 Covid-19

Ngày 7.1.2022, theo thông tin từ Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, tổ chức này đang tiếp nhận hồ sơ đề xuất và xét duyệt chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động là F0 mắc Covid-19 của các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp và trường trực thuộc, không vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống Covid-19. Thời hạn nộp hồ sơ đến hết 15.1.

Giáo viên mắc Covid-19 sẽ được Công đoàn hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng

Ông Lưu Thiên Đức, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, lưu ý theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức chi hỗ trợ như sau:

Tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Hồ sơ đề xuất chi hỗ trợ bao gồm:

  • Danh sách đề xuất chi hỗ trợ.
  • Minh chứng kèm theo (bản photo giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
  • Bản photo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của người được đề xuất.

Ông Lưu Thiên Đức cũng cho hay sau ngày 15.1 (tức hết hạn tiếp nhận hồ sơ đề xuất chi hỗ trợ), Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM sẽ dành thời gian cho công tác chăm lo Tết Nhâm Dần. Do đó, những trường hợp F0 mắc Covid-19 khỏi bệnh sau thời gian này sẽ chờ chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn.

Biến thể Omicron vẫn nguy hiểm vì gây 'sóng thần' ca nhiễm

Ngày 6.1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị không nên xếp Omicron là biến thể “nhẹ", dù dường như ít gây ra những ca bệnh nặng hơn biến thể Delta.

WHO: Biến thể Omicron không "nhẹ" dù ít gây bệnh nặng

Bà Janet Diaz, trưởng đội ngũ quản lý lâm sàng của WHO, dẫn các nghiên cứu ban đầu cho thấy nguy cơ nhập viện từ biến thể Omicron trong tháng 11.2021 đã giảm so với biến thể Delta. Ngoài ra, nguy cơ bệnh nặng ở đối tượng trẻ tuổi lẫn lớn tuổi đều giảm.

Nguy cơ gây bệnh nặng của biến thể Omicron giảm cũng phù hợp với các dữ liệu khác từ Nam Phi và Anh. Hiện vẫn chưa rõ ảnh hưởng của Omicron lên người lớn tuổi, vì các nghiên cứu đến nay tập trung phần lớn vào ca nhiễm ở người trẻ tuổi.

“Biến thể Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta, đặc biệt là ở những người đã tiêm vắc xin, nhưng không có nghĩa là nên xem nó là loại nhẹ. Như các biến thể trước đó, Omicron cũng khiến mọi người nhập viện và gây ra các ca tử vong. Trên thực tế, sóng thần ca nhiễm là rất lớn và rất nhanh, áp đảo hệ thống y tế khắp thế giới”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Ông Tedros cũng lặp lời lời kêu gọi công bằng trong quá trình phân phối và tiếp cận vắc xin toàn cầu.

Dựa trên tỷ lệ phân phối vắc xin hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ cho 70% dân số trong tháng 7.2022. Mục tiêu này do WHO đặt ra, được cho là có thể kết thúc giai đoạn dữ dội của đại dịch.

Cố vấn WHO Bruce Aylward cho biết có 36 quốc gia chưa đạt tỉ lệ phủ vắc xin 10% dân số. Trong số các bệnh nhân nặng toàn cầu, có 80% là chưa tiêm ngừa Covid-19.

Theo báo cáo dịch tễ học hàng tuần công bố hôm 6.1, WHO cho biết số ca nhiễm tăng 71%, tương đương với 9,5 triệu ca, trong tuần từ ngày 2.1 so với tuần trước đó. Số ca tử vong trong cùng thời điểm giảm 10%, tương đương với 41.000 ca.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 7.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.