Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.10: Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em

14/10/2021 19:45 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 14.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 14.10: TP.HCM sắp thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ

Số ca tử vong đã giảm xuống dưới 100

Bản tin Bộ Y tế tối 14.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 13.10 đến 17 giờ ngày 14.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới, ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đăng ký bổ sung mã ca bệnh cho 1.059 ca nhiễm mới.

Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 4151 ca. Có 719 ca được công bố khỏi bệnh trong ngày 14.10.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 81 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 20.950 ca.

Thông tin về 3.092 ca nhiễm mới được công bố ngày 14.10 như sau:

  • 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.088 ca ghi nhận trong nước (giảm 370 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 1.718 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (909), Đồng Nai (647), Bình Dương (483), Tây Ninh (274), An Giang (104), Kiên Giang (80), Tiền Giang (72), Bình Thuận (61), Long An (59), Đồng Tháp (49), Đắk Lắk (44), Hậu Giang (36), Khánh Hòa (35), Lâm Đồng (28), Trà Vinh (21), Cần Thơ (20), Quảng Nam (17), Hà Nam (15), Vĩnh Long (14), Đắk Nông (12), Bến Tre (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Bình Phước (10), Quảng Ngãi (10), Bình Định (8 ), Lào Cai (7), Quảng Bình (7), Nghệ An (7), Ninh Thuận (6), Thanh Hóa (6), Bạc Liêu (6), Bắc Ninh (4), Thừa Thiên Huế (3), Phú Yên (2), Hà Tĩnh (2), Hà Nội (1), Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1), Vĩnh Phúc (1), Phú Thọ (1), Kon Tum (1).

Ngày 14.10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đăng ký bổ sung mã ca bệnh cho 1.059 ca nhiễm được lấy mẫu từ thời gian trước đó tại khu phong tỏa hoặc là người về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 253), Hà Giang (giảm 152), Đắk Lắk (giảm 69).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (tăng 223), Đồng Nai (tăng 161), Lâm Đồng (tăng 20).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.700 ca/ngày.

Ngày 14.10: Cả nước 4.151 ca Covid-19, 719 ca khỏi | TP.HCM 909 ca

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (414.744), Bình Dương (223.959), Đồng Nai (57.122), Long An (33.567), Tiền Giang (14.774).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 719
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 788.005

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.327 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.636
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 598
  • Thở máy không xâm lấn: 484
  • Thở máy xâm lấn: 588
  • ECMO: 21

Trong ngày, cả nước ghi nhận 81 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (61), Bình Dương (10), Long An (3), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Khánh Hòa (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 104 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.950 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 127.568 xét nghiệm cho 261.986 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.590.401 mẫu cho 57.068.367 lượt người.

Trong ngày 13.10, có 1.005.055 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 57.457.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 40.654.892 liều, tiêm mũi 2 là 16.802.200 liều.

TP.HCM sẽ thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

Bên lề hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM sáng 14.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang xem xét đề xuất mở cửa ăn uống tại chỗ của Q.7 một cách thận trọng và thành phố sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ, có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn.

Trước đó, đầu tháng 10.2021, UBND Q.7 đã xây dựng kế hoạch thử nghiệm khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng chống dịch. Để tạo tiền đề và lộ trình cho việc chuẩn bị mở cửa thêm một số hoạt động, Q.7 kiến nghị thành phố thí điểm mở thêm loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ với quy mô hoạt động tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm.

TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ

Theo đề xuất của Q.7, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tất cả nhân viên, người lao động và khách hàng đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng.

Diện tích kinh doanh tối thiểu phải từ 100 m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh và phải thực hiện cam kết với quận đảm bảo thực hiện các điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống.

UBND Q.7 sẽ tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động của các quán bán ăn uống tại chỗ, cấp mã QR; gắn camera giám sát và kết nối về Trung tâm Kiểm soát phòng chống dịch Covid- 19 và phục hồi kinh tế quận để kiểm soát nhân viên và khách hàng ra vào hằng ngày.

Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đắt khách dù chỉ bán mang đi

Thanh khương

Đến ngày 11.10, Sở Công thương TP.HCM cho biết thành phố chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ vì đây là hoạt động tập trung đông người.

Dịch vụ ăn uống bán mang đi ở TP.HCM đã được phép hoạt động lại từ tháng 9.2021 và các cơ sở phải đáp ứng nhiều điều kiện về phòng chống dịch.

Trong khi đó sáng 14.10, thành phố Hà Nội đã chính thức cho phép hàng quán phục vụ ăn uống tại chỗ.

Sáng 14.10, trả lời câu hỏi liệu TP.HCM có mở cửa nhiều hoạt động như Hà Nội hay không, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết mỗi thành phố có đặc điểm dịch bệnh khác nhau nên không thể áp dụng các biện pháp giống nhau. Tuy nhiên, thành phố đã lập tổ công tác chuẩn bị cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với sự góp sức của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng. Có thể trong thời gian tới, thành phố sẽ thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở những địa bàn đã kiểm soát được dịch ổn định.

Việt Nam mới nhận được 20% lượng vắc xin Covid-19 của kế hoạch tháng 10

Bộ Y tế cho biết, từ khi tiếp nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên (tháng 2 vừa qua), đến nay, Việt Nam tiếp nhận 87,7 triệu liều vắc xin (số liệu đến ngày 12.10), trong khi đó, theo kế hoạch của chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, Việt Nam sẽ cần khoảng 150 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm cho 75 triệu người từ 18 tuổi, đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến ngày 13.10, cả nước đã tiêm hơn 56 triệu liều vắc xin Covid-19, với hơn 39 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 (chiếm hơn 54% dân số từ 18 tuổi trở lên), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm hơn 22%).

Hiện mới chỉ nhận được 20% lượng vắc xin Covid-19 của kế hoạch tháng 10

Thông tin về khó khăn trong tiếp cận vắc xin Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vắc xin. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vắc xin đưa ra như thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn.

Thứ hai là khan hiếm nguồn cung ứng vắc xin trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện, cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vắc xin cho các nước (bao phủ 20% dân số), trong đó có Việt Nam.

Thứ ba là “các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vắc xin như: mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, do đó có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vắc làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo”, lãnh đạo Bộ Y tế giải thích.

"Ngay như trong tháng 10 này, mặc dù chúng ta có kế hoạch tiếp nhận vắc xin với số lượng lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện đã giữa tháng 10, nhưng mới chỉ nhận được lượng vắc xin đạt 20% so với kế hoạch", lãnh đạo Bộ Y tế thông tin.

Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đánh giá, tốc độ tiêm vắc của nước ta hiện nay ở mức độ cao, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Bộ này kỳ vọng có thể đạt mức cao hơn về số lượng mũi tiêm trong ngày.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 tiêm những mũi đầu tiên từ tháng 3 vừa qua sau đó chính thức phát động vào tháng 7. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn với hơn 12.000 điểm tiêm trên cả nước, bao gồm điểm tiêm cố định và lưu động.

Chiến dịch tiêm này được triển khai trên nguyên tắc đẩy nhanh bao phủ mũi 1, vắc xin nào về thì tổ chức triển khai tiêm ngay, sau đó trả bù mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến thời hạn.

Về phân bổ vắc xin, Bộ Y tế cho hay, đến hết ngày 10.10, cơ quan chuyên môn của bộ này đã phân bổ 81,7 triệu liều qua 57 đợt. Dự kiến trong các tuần cuối tháng 10 sẽ tiếp nhận khoảng hơn 35 triệu liều vắc xin Covid-19 và sau đó, khoảng 55 triệu liều vắc xin sẽ tiếp tục về Việt Nam.

Sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 16 - 17 tuổi trước

Ngày 14.10.2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688 về việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Bộ Y tế cho biết mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vắc xin sử dụng để tiêm cho trẻ em là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản cho mỗi người và tiêm cùng loại vắc xin.

Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10.2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).

Bộ Y tế Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 16 -17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) theo mẫu ban hành kèm theo Công văn này.

Các điểm tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin mRNA, vắc xin bất hoạt...).

Một số loại vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vắc xin có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Để từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Người lao động có thể di chuyển Đồng Nai - TP.HCM bằng ô tô cá nhân

Ngày 14.10, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND TP.HCM bổ sung thêm phương án cho người lao động di chuyển bằng ô tô cá nhân giữa TP.HCM và Đồng Nai.

Các phương tiện từ hướng TP.HCM đi qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại Đồng Nai

LÊ LÂM

Theo đó, người lao động được di chuyển bằng ô tô cá nhân giữa TP.HCM với Đồng Nai, nhưng yêu cầu người ngồi trên phương tiện phải được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, đồng thời phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 (định kỳ 7 ngày lần).

Văn bản này cũng cho biết việc tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM với Đồng Nai sẽ thay đổi khi UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 128 (ngày 11.10) của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”.

Người lao động được di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai bằng ô tô cá nhân

Trước đó, UBND TP.HCM đã gửi kế hoạch tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận (gồm Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An) để lấy ý kiến.

Ngày 6.10, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản phản hồi. Theo đó Đồng Nai thống nhất tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh nhưng việc di chuyển phải thực hiện bằng xe ô tô đưa rước, nhằm đảm bảo các yếu tố về phòng, chống dịch. Nay UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung thêm phương án cho phép người lao động di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai bằng ô tô cá nhân.

Y bác sĩ vào TP.HCM chống dịch lần đầu đi du lịch Củ Chi

Dù giấu gương mặt sau lớp khẩu trang nhưng niềm vui vẫn có thể thấy rõ trong ánh mắt của các y bác sĩ trong tour tham quan "Củ Chi – Về miền đất Thép" do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp tổ chức vào ngày 13.10.

Đây là chuyến du lịch dành cho 108 y bác sĩ từ các địa phương đã hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19 suốt 3 - 4 tháng qua.

Y bác sĩ vào TP.HCM chống dịch lần đầu đi du lịch Củ Chi

Củ Chi có lẽ không xa lạ với người dân TP.HCM nhưng đối với bạn bè quốc tế và những người bạn từ các tỉnh thành đây là nơi vô cùng hấp dẫn.

Đây là lần đầu đến Củ Chi của nhiều y bác sĩ

VŨ PHƯỢNG

Không những là nơi gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là vùng đất xanh mát, thông thoáng, có nhiều khu vườn trái cây như Trung An, những làng nghề truyền thống và đặc biệt hấp dẫn nhất là thế giới ẩm thực đồng quê vô cùng đa dạng, đặc sắc, mang đậm dấu ấn Nam bộ nói chung.

"Từ cái lo lắng, bỡ ngỡ khi vào chống dịch từ ngày đầu, đến khi quen với công việc, với guồng quay công việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Sau thời gian thành phố chống dịch đến thời điểm hiện tại thành công, nhịp sống của mọi người trở lại bình thường thì bản thân rất xúc động với tình cảm mà người Sài Gòn dành cho các đoàn công tác vào TP.HCM chống dịch", anh Lưu Tiến Thành - Bệnh viện đa khoa Hà Trung (Thanh Hóa) cho hay.

Đoàn y bác sĩ tham quan địa đạo Củ Chi sau thời gian miệt mài chống dịch

VŨ PHƯỢNG

Chương trình tour tri ân tuyến đầu kết hợp giữa tham quan những điểm đến đặc sắc tại Củ Chi – vùng đất được mệnh danh “đất thép thành đồng” với nhiều di tích cách mạng như khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định, khu di tích đền bến Dược, xem những thước phim tài liệu, thưởng thức món ăn đặc sản tại “Chợ Quê” với chương trình tri ân tuyến đầu.

Đoàn còn được thưởng thức nhiều đặc sản "Chợ Quê" ở Củ Chi

vũ phượng

Với tiêu chí du lịch an toàn, tuân thủ 5K và các tiêu chí phòng dịch do Sở Du lịch TP.HCM triển khai, trước khi tour khởi hành, toàn bộ nhân viên, đội ngũ tài xế, phụ xe và thành viên tham gia chương trình phải test nhanh Covid-19. Các thành viên trong đoàn luôn rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế tại mỗi điểm đến.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.