Bạn trẻ nói chuyện ăn thịt chó: tại sao phải cãi nhau?

17/09/2019 20:47 GMT+7

Nhiều người trẻ cho rằng việc ăn thịt chó hay không là quyền tự do của mỗi người. Mỗi người có cách nhìn, quan điểm khác nhau, tại sao lại cãi nhau chuyện có nên ăn thịt chó?.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM vừa đăng tải bài viết trên website khuyến cáo một số người dân có thói quen ăn thịt chó vì cho rằng thịt ngon, có nhiều đạm. Khuyến cáo "nên từ bỏ ăn thịt chó" của Ban quản lý ATTP TP xuất phát từ một số nguyên nhân như: chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu; chó không những giúp người chủ trông nhà mà còn được xem như là "thành viên trong gia đình".
Bên cạnh đó, theo Ban quản lý ATTP, mặc dù pháp luật nước ta không cấm sử dụng thịt chó, nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người. Và việc chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do thịt nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt.

Phản đối vì chó mèo là bạn

Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, hoa khôi du học sinh tại Nhật Bản năm 2017, cho biết người Nhật không ăn thịt chó. Ở Nhật, tỷ lệ người cao tuổi neo đơn rất cao, không có con cháu nên chó mèo (đa phần là chó) được ví như con cái, bạn bè. Rất dễ bắt gặp hình ảnh các cụ già dắt chó cưng đi dạo công viên, đường phố... Và họ nuôi chó cho đến già chết, đi chôn. Giống chó ở Nhật cũng đa dạng chủng loại, đa phần chó cảnh (nhỏ nhỏ xinh xinh) và giá thành cũng không hề rẻ. Trong suy nghĩ của người Nhật, chó không thể là thức ăn được. Họ cảm thấy kinh tởm khi nghe ai đó nói đã từng ăn thịt chó.
"Nhưng ở những nước như Hàn Quốc, Việt Nam..., do ý thức và văn hóa nên rất khó bỏ hẳn thói quen ăn thịt chó. Ở Việt Nam muốn thay đổi thì cần nhiều thời gian và tuyên truyền lâu dài".
Nguyễn Thơ, nhân viên truyền thông tại hệ thống siêu thị Giga mall, cũng cho biết: “Tôi luôn xem chó mèo là những người bạn. Chúng không phải là động vật nuôi để ăn thịt. Tôi ủng hộ nên từ bỏ ăn thịt chó mèo. Đó là điều chúng ta cần phải làm. Hãy trở thành những người văn minh, yêu động vật.”

Ăn thịt chó có thiếu văn minh? 

Lê Châm, nhân viên Công ty truyền thông 20She Store (TP.HCM), lại phản đối khuyến cáo này. Theo Châm, nếu khuyên bỏ ăn thịt chó thì phải cho lý do chính đáng. Nếu có chứng cứ khoa học chứng minh ăn thịt chó dễ gây bệnh thì nên từ bỏ. Nhưng hiện nay không có chứng cứ rõ ràng nào. Thịt chó lại là thịt bổ dưỡng ngon miệng. Tại sao lại không ăn? 
"Nói rằng ăn thịt chó có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng không ổn. Nếu nói như vậy các loại thịt khác cũng không an toàn. Quan trọng là chế biến như thế nào thôi", Lê Châm cho biết. 
Chu Minh Tiến (28 tuổi), làm trong ngành truyền thông tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết: "Từ nhỏ tới lớn tôi sinh ra trong gia đình thường ăn thịt chó. Vì vậy, tôi cảm thấy đây là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là làm sao để biết được chó mình ăn có bệnh gì hay không? Chế biến có bảo đảm an toàn hay không? Còn những chuyện khác tôi không quá nặng nề".
Phạm Linh, phóng viên một tờ báo tại TP.HCM, cũng cho biết anh không đồng ý lắm với khuyến cáo này. Đặc biệt là những người chê trách người ăn thịt chó là thiếu văn minh.
Phạm Linh chia sẻ: "Việc yêu động vật, không thích người ăn thịt chó là quyền tự do của mỗi người, nhưng đừng cho rằng người ăn thịt chó là kém văn minh... Mỗi người có cách nhìn, quan điểm khác nhau, tại sao lại cãi nhau chuyện có nên ăn thịt chó?".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.