Cơn bão Bailu (cơn bão thứ 11 trên tây Thái Bình Dương) đang mạnh lên, di chuyển về phía nam đảo Đài Loan và các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc) trong ngày chủ nhật (25.8).
Trong khi đó, cơn bão thứ hai sẽ mạnh lên từ 1 vùng áp thấp ngoài khơi tây Thái Bình Dương từ ngày chủ nhật, di chuyển theo hướng tây, có khả năng vượt qua miền Trung Philippines vào biển Đông ngày thứ tư 29.8. Sau đó bão di chuyển theo hướng tây đến tây tây bắc, đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa tiến thẳng vào nam vịnh Bắc bộ trong khoảng từ đêm 30 đến sáng 31.8. Nhiều khả năng bão đi vào đất liền miền Bắc và bắc miền Trung nước ta. Đây là cơn bão rất nguy hiểm với cường độ khá mạnh, có thể gây sóng to gió lớn trên biển và mưa to lũ lớn, lũ quét sạt lở đối với vùng núi và đồng bằng ở miền Bắc, miền Trung, kèm theo các hiện tượng giông lốc, gió giật mạnh trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9.2019.
Sự xuất hiện của hai cơn bão này sẽ làm gió mùa tây nam trên khu vực giữa và nam biển Đông mạnh dần lên từ giữa tuần sau và kéo dài đến đầu tháng 9, đồng thời hoàn lưu bão thứ hai sẽ gây thời tiết xấu, mưa to, giông lốc trên biển.
Tây nguyên và Nam bộ có thời tiết sáng nắng chiều mưa trên hơn nửa diện tích trong vài ngày tới. Từ giữa đến cuối tuần sau bắt đầu một đợt mưa trên diện rộng do gió mùa tây nam mạnh và hội tụ vào hoàn lưu bão, mưa tập trung từ trưa đến chiều tối, có nơi mưa đêm. Mưa to tập trung chủ yếu ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai và vùng ven biển ĐBSCL, nhất là Kiên Giang, bao gồm đảo Phú Quốc. TP.HCM cũng có vài trận mưa lớn kèm theo giông lốc trong nửa cuối tuần sau, mưa trùng với đợt triều cường đầu tháng 8 âm lịch nên đề phòng ngập ở các vùng hạ lưu sông.
Do mưa ẩm nhiều nên nhiệt độ Nam bộ thấp nhất vào ban đêm lúc gần sáng, giảm còn 23 - 25oC, hơi se lạnh; ban ngày nhiệt độ cao nhất từ 29 - 33oC, độ ẩm từ hơn 90%, có lúc 100%, sương mù có xu hướng tăng và kéo dài.
Từ nay đến cuối tháng 8.2019, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh hơn. Theo dự báo đến ngày 27.8, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 2,1 m; tại Châu Đốc ở mức 2,0 m và còn tiếp tục lên theo triều cường, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung, thời tiết miền Trung đang có dấu hiệu chuyển mùa, riêng các tỉnh phía nam đèo Hải Vân, tình hình khô hạn chưa giảm hẳn do mưa chưa nhiều và còn một số ngày nắng khá gay gắt.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tình hình sâu bệnh trên cây lúa ở miền Bắc chủ yếu là rầy lưng trắng trên lúa mùa sớm, lúa sạ; miền Trung chú ý sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá gây hại trên các trà lúa giai đoạn đứng cái - đòng trổ. Trong khi đó ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL, lúa vụ ba, vụ thu đông cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến của rầy nâu, giảm sự lan truyền vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá. Ngoài ra, cần lưu ý bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng...
Bình luận (0)