Bí ẩn những lô trái phiếu ngàn tỉ

06/04/2022 04:16 GMT+7

Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng do công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành.

Các lô trái phiếu này đang che giấu điều gì là vấn đề nhiều người quan tâm.

Hơn 5.000 tỉ đồng trái phiếu không rõ mục dích

Các công ty con thuộc Tân Hoàng Minh đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu (TP) riêng lẻ nói trên gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa Đông, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil. Đáng nói là trong khi trên trang web chính thức của Tập đoàn Tân Hoàng Minh không có thông tin nào giới thiệu về các đợt chào bán nói trên thì trên một số trang web khác lại được quảng bá “TP Tập đoàn Tân Hoàng Minh là sản phẩm TP được kiểm duyệt bởi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN). Có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, cho lãi suất 12% cao gấp 2,5 lần khi gửi ngân hàng, cho phép nhà đầu tư linh hoạt rút vốn hay chuyển đổi”.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đơn vị đã bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm (lô 3-12) với giá cao kỷ lục

Ngọc Dương

PV tìm hiểu và được biết, 9 đợt phát hành TP của nhóm công ty Tân Hoàng Minh đã huy động 10.300 tỉ đồng diễn ra trong vòng 8 tháng và mức lãi suất huy động từ 11,5 - 12%/năm. Đáng chú ý, trong 8 lô TP đã được công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì có 1 lô không nêu cụ thể mục đích huy động vốn. Các lô còn lại đều được giải thích dùng thực hiện các dự án bất động sản ở Hà Nội và Phú Quốc. Ví dụ, đợt phát hành 800 tỉ đồng TP vào tháng 7.2021 của Công ty TNHH bất động sản Ngôi Sao Việt nhằm mục đích mua lại 51% cổ phần Công ty CP đầu tư phát triển nhà thương mại Việt Tiến để thực hiện dự án thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội). Công ty Cung điện Mùa Đông cũng phát hành tổng cộng 3 lô TP, trong đó có 2 lô phát hành vào ngày 22.11.2021 với tổng giá trị 450 tỉ đồng, nhằm hợp tác đầu tư tại Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc, Kiên Giang)...

Thế nhưng đến lô phát hành vào ngày 16.12.2021 với giá trị cao nhất lên đến 3.230 tỉ đồng nhưng phía Công ty Cung điện Mùa Đông lại không nêu rõ mục đích phát hành. Đáng chú ý, lô TP này được phát hành chỉ sau 6 ngày Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất tại Thủ Thiêmđấu giá lô đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) với giá trị gần 24.500 tỉ đồng. Thế nên nhiều ý kiến cho rằng phải chăng tập đoàn này vội vã phát hành TP để huy động vốn sau khi đã tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm và đẩy giá lên cao kỷ lục gần 2,5 tỉ đồng/m2. Nhất là khi đó các ngân hàng đều thông báo không cho Tân Hoàng Minh vay vốn liên quan đến dự án Thủ Thiêm.

Bí ẩn hơn là vẫn còn đợt phát hành TP trị giá 1.900 tỉ đồng đến nay vẫn chưa được hé lộ nhiều thông tin liên quan. Như vậy Tân Hoàng Minh đã che giấu thông tin trong 2 đợt phát hành TP riêng lẻ trong tổng số 9 đợt phát hành bị hủy bỏ.

Khám xét trụ sở Tân Hoàng Minh sau khi bắt ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai

Cần xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý liên quan

Ngay sau thông báo của UBCKNN, hôm qua 5.4, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát đi thông tin gửi khách hàng cho biết hiện đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn luật và các bên liên quan để rà soát lại toàn bộ hồ sơ phát hành TP của 9 đợt phát hành. Trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn sẽ làm việc với đơn vị phát hành TP, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng… Theo luật sư Trần Minh Hải, Công ty luật Basico, Nghị định 156/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã nêu rõ khi có vi phạm về phát hành chứng khoán riêng lẻ, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi doanh nghiệp đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên TP hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua TP hoặc tiền đặt cọc. Vì vậy Tân Hoàng Minh phải thực hiện trả tiền ngay cho những người đã mua TP của các công ty con trước đây. Riêng đối với việc bồi thường theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thì quy định nêu rõ nhà đầu tư phải gửi yêu cầu trong tối đa 60 ngày kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp thu hồi TP.

Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, câu hỏi tiền đâu để Tân Hoàng Minh trả lại khách hàng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ở khía cạnh khác, theo quy định tại Nghị định 153/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TP doanh nghiệp riêng lẻ, các doanh nghiệp phải có phương án phát hành TP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và làm căn cứ để công bố thông tin. Phương án phát hành TP phải bao gồm đầy đủ thông tin về đơn vị phát hành, mục đích phát hành, điều kiện của TP chào bán… Thế nhưng các công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã che giấu mục đích phát hành TP khi huy động hàng ngàn tỉ đồng.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt vấn đề, tại sao một số lô TP của các công ty con Tập đoàn Tân Hoàng Minh không công bố rõ mục đích huy động vốn để làm gì nhưng vẫn phát hành thành công? Việc phát hành TP riêng lẻ là cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ở đây chủ yếu là tổ chức và một số ngân hàng nên sẽ khó có việc phát hành “chui”. Có thể thấy, quy định về phát hành TP của doanh nghiệp tại Nghị định 153/2020 vẫn còn kẽ hở là thiếu đơn vị giám sát doanh nghiệp trong việc giải ngân, sử dụng vốn sau khi phát hành TP. Các doanh nghiệp chỉ tự lập báo cáo việc giải ngân vốn nên sẽ không tránh khỏi trường hợp dù công bố phát hành TP để huy động vốn cho dự án này nhưng trong quá trình sau đó doanh nghiệp lại dùng tiền thực hiện những dự án khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.