Góc nhìn phóng viên: Nỗi đau âm ỉ mang tên “bắt nạt”

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/11/2019 07:58 GMT+7

Sự thiếu tôn trọng và chấp nhận khác biệt vẫn là một vấn đề lớn trong phương pháp giáo dục ở cả nhà trường cũng như nhiều gia đình hiện nay.

Sau khi đọc bài Học sinh sợ đến trường vì bị bắt nạt trên báo Thanh Niên, người hàng xóm trong khu chung cư kể cho tôi câu chuyện cách đây vài tuần, một gia đình trong khu đã mất một đứa con học lớp 8 vì tình trạng này.
Lý do là khi cháu thể hiện tình cảm với một bạn cùng giới, người bạn kia không những không chấp nhận mà còn “loan tin” với bạn bè về sự hoảng sợ khi “bị” bạn cùng giới "yêu". Rồi câu chuyện loang ra, cháu cứ đến trường là gặp ánh mắt “kỳ thị” của bạn bè, các nhóm học sinh túm năm, tụm ba nhìn cháu cười hoặc thì thầm bàn tán. Nhóm bạn chơi cùng trước đây sau khi biết chuyện cũng lảng tránh, xa cách... Lứa tuổi “dở ương” ấy chưa đủ thông tin và sự điềm tĩnh để đánh giá sự việc, chúng hùa theo đám đông và cô lập bạn mình. Từ một đứa trẻ vui tươi, hoạt bát, cá tính, cháu trở nên tự ti, suy sụp. Mỗi ngày, cháu đều tự trách mình đã không bình thường như những bạn khác..., để rồi cuối cùng tự kết thúc cuộc sống.
Sự thiếu tôn trọng và chấp nhận khác biệt vẫn là một vấn đề lớn trong phương pháp giáo dục ở cả nhà trường cũng như nhiều gia đình hiện nay và nó là nguyên nhân dẫn tới bắt nạt trở thành “vấn nạn” trong chính cộng đồng lẽ ra phải là nơi mỗi đứa trẻ được yêu thương, chia sẻ. Bắt nạt học đường, nhất là bắt nạt bằng bạo lực tinh thần, gây nên những nỗi đau âm ỉ và khi phát hiện ra thì hậu quả đã rất nghiêm trọng.
Trong quá trình tìm hiểu để viết về nạn bắt nạt học đường, chính người viết bài này cũng không khỏi ngạc nhiên khi bất cứ lý do gì cũng khiến một đứa trẻ bị bạn bè chê cười, cô lập. Chưa nói đến việc có tình yêu với người bạn đồng giới, chỉ cần đứa trẻ viết tay trái hay béo quá, gầy quá, nói nhỏ quá, tóc ngắn quá, tóc dài quá... đều là lý do để bạn bè “tẩy chay”.
Văn hóa đám đông, những đứa trẻ non nớt chưa hiểu chuyện, hằng ngày quen với việc bị chính giáo viên và người lớn cũng phê bình “rêu rao” trước lớp, trước trường đã dẫn tới thói quen không chấp nhận những điều khác biệt trong bạn bè mình... Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc nhà trường cần thay đổi, bớt nhận xét hoặc phê bình, thay vào đó tạo cơ hội để chính học sinh nói về mình, nói về các bạn, tạo ra một sân chơi để các em được thể hiện, được nói, được phát biểu, được lắng nghe và giải tỏa.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.