Bùng nổ mua sắm, 'ăn hàng' trực tuyến

14/03/2020 07:33 GMT+7

Từ mua hàng online, đặt thức ăn, gọi xe công nghệ , thanh toán trực tuyến... đều gia tăng đáng kể từ đầu năm đến nay do lo ngại vấn đề lây lan dịch Covid-19.

Ngồi nhà shopping, chọn lựa ẩm thực

Chỉ trong vòng tuần đầu tháng 3, chị Ánh Ngọc (ngụ Q.7, TP.HCM) đã hai lần đặt mua nhiều sản phẩm trên Lazada lẫn Shopee với số tiền gần 2 triệu đồng. Đơn hàng đầu tiên chị mua mỹ phẩm và lều đồ chơi cho con gái. Đến sát ngày 8.3 khi có chương trình khuyến mãi chị mua thêm mỹ phẩm, ốp lưng điện thoại…
“Trước thì đưa bé ra cửa hàng đồ chơi, tự chọn thoải mái. Nhưng giờ dịch bệnh, không dám đưa con ra cửa hàng để chọn như lúc trước nên mình lên mạng tìm mua. Với những mỹ phẩm thông thường như kem dưỡng ban ngày, nước tẩy trang…, nay mua luôn qua mạng cho nhanh và an toàn. Càng ít ra ngoài càng tốt”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Không riêng gì mua sắm, với nhiều gia đình, nhiều người các hoạt động ăn uống cũng diễn ra tại nhà là chính thay vì ra các cửa hàng. Chia sẻ của chị Trần Khánh Linh (Q.10, TP.HCM) cho biết mới đây, chị tổ chức tiệc tại nhà vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Không có thời gian nấu nướng cầu kỳ, chị đặt sẵn món ăn tại một nhà hàng quen thuộc rồi giao về tận nhà.
“Được cái giờ mọi dịch vụ đều dễ dàng, ở nhà gọi món gì cũng có. Ăn xong chúng tôi cũng ở nhà đặt trà sữa về uống, tán dóc. Bình thường, nếu không có thời gian tôi cũng thường gọi đồ ăn trực tuyến, khi thì đặt trực tiếp qua nhà hàng, khi thì sử dụng các ứng dụng giao nhận đồ ăn. Nhanh gọn và tiện lợi. Nay thêm dịch bệnh thế này, càng nên hạn chế tối đa ra ngoài tụ tập đông người, ở nhà cho lành” , chị Linh nói.
Tâm lý ở nhà gọi đồ ăn về trong mùa dịch không chỉ của riêng những người đã quen với các dịch vụ trực tuyến như chị Khánh Linh. Vào TP.HCM thăm con, chú Thanh Toàn (56 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết đang phải làm quen với việc đi siêu thị và mua đồ ăn trực tuyến. Chú kể: “Thằng con tôi là “chúa” ăn hàng mà đến bây giờ cũng phải hạn chế tối đa, thèm thì mua về ăn tại nhà. Nó cài cho tôi mấy cái ứng dụng và chỉ tôi cách mua đồ trực tuyến tại các siêu thị”.
Các đơn hàng mua qua mạng và giao hàng tận nhà gia tăng Ảnh: khả hòa

Các đơn hàng mua qua mạng và giao hàng tận nhà gia tăng

Ảnh: Khả Hòa

Thực tế, từ sau tết đến nay, các nhà hàng, quán nhậu, cửa hàng cà phê, trà sữa… tại TP.HCM doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, các hệ thống trà sữa, cà phê lớn vẫn có thể duy trì hoạt động là nhờ lượng lớn đơn hàng trực tuyến. Hơn 30 phút quan sát tại của hàng trà sữa The Alley (Q.4, TP.HCM), lượng khách tại quán rất ít, chỉ lác đác 2 - 3 bàn có khách.
Thế nhưng, tài xế khoác áo xanh Grab, áo đỏ Go-Viet, tài xế BeaMin... ra - vào liên tục. Mỗi người đi ra trên tay đều xách theo 2 - 3 ly, nhiều đơn hàng đặt tới 8 - 10 ly. Nhân viên bán hàng tại đây cho hay lượng khách tại quán những ngày qua giảm mạnh hơn, khoảng 50%, nhưng đơn mua hàng thông qua các ứng dụng giao nhận tăng khoảng 30% so với thường ngày.

Đi chợ online, thanh toán qua mạng

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chao đảo, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản khi dịch bệnh thì vẫn có những ngành dịch vụ “ăn nên làm ra”, trong đó có các sàn thương mại điện tử.
Theo đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, nhu cầu mua sắm của khách hàng đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể, đặc biệt là khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay. Chỉ riêng trong vòng 4 tuần qua, công ty này ghi nhận nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%.
Tương tự, đại diện Grab cho biết dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabDelivery và giao nhận đồ ăn GrabFood tăng trưởng khá cao. Dịch vụ di chuyển cũng không quá biến động, GrabCar có giảm nhẹ, nhưng GrabBike lại “đắt hàng” hơn.
Đầu tháng 3, ứng dụng xe công nghệ “be” đã cho ra mắt dịch vụ đi chợ giùm - “be đi chợ”. Bên cạnh đó, hiện tại dịch vụ beDelivery (giao nhận hàng hóa) của ứng dụng này cũng mới thống kê nhận được khoảng 15.000 lượt yêu cầu mỗi ngày, tăng 200% so với trước thời điểm dịch Covid-19.
Song song các hoạt động mua sắm qua mạng, thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví MoMo, chia sẻ lượng giao dịch qua ví điện tử này từ sau Tết Nguyên đán đã tăng hơn 100% , cao hơn so với dự kiến. Giá trị các giao dịch trung bình cũng tăng từ 50 - 100% do người tiêu dùng mua sắm một lúc nhiều thứ hơn so với thời gian trước.
“Một khi khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ, thì tôi tin rằng họ hoàn toàn hiểu được tính tiện dụng và tại sao kinh tế số lại quan trọng đối với cuộc sống”, ông Diệp nói.

Giảm phí, tăng lượng

Dù thị trường TMĐT đã trở thành xu hướng phát triển mạnh trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế.
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), vẫn còn những rào cản khiến hoạt động TMĐT của Việt Nam nói chung hay kinh doanh online nói riêng chưa phát triển mạnh. Đó là do hàng hóa chưa đạt chuẩn, giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau khiến người mua lo lắng nên không lựa chọn mua hàng online. Bên cạnh đó, chi phí giao hàng của phương thức này cũng còn cao, khiến nhiều DN gặp khó để đẩy mạnh bán hàng online. Đặc biệt, vấn đề thanh toán trực tuyến là rào cản lớn.
TS Lê Đạt Chí nêu ví dụ ông đã từng cài ứng dụng Mobile Banking của một ngân hàng trong nước và khi mở sổ tiết kiệm online, ông tá hỏa khi bị trừ phí đến 200.000 đồng. Đó là chưa kể phí dịch vụ Internet Banking, Mobike Banking bên cạnh các loại phí khác như báo biến động tài khoản… khiến người dùng chùn tay với phương thức này. Thậm chí nhiều người dù có tài khoản ngân hàng, có nhận lương hằng tháng nhưng không đăng ký Internet Banking vì bị mất phí nên cũng không thể thanh toán qua mạng.
“Nhiều ứng dụng Mobile Banking từ các ngân hàng không thân thiện với người dùng, còn thường xuyên bị lỗi. Trong khi đó khách hàng vẫn có nỗi lo về tính bảo mật khi nhiều trường hợp xảy ra khi mất tiền qua thẻ… Do đó để thúc đẩy TMĐT, thanh toán không tiền mặt phải được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt các ngân hàng đừng xem nhẹ vì nó là một sản phẩm chưa đóng góp nhiều vào doanh thu của mình. Bởi nếu để khi thị trường phát triển mạnh thì đơn vị nào tham gia sau sẽ phải trả chi phí cao hơn nhiều so với hiện nay”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch kiêm Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam, tỷ trọng mua sắm online giai đoạn này gia tăng so với mua sắm trực tiếp. Nhưng trên tổng thể sức mua chung của nền kinh tế đang suy giảm, nên chủ yếu chỉ tăng nhu cầu mua sắm ở một số lĩnh vực như thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, ở nhiều nhóm hàng khác thì online cũng sụt giảm như bán trực tiếp khi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu thời dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Dũng cũng cho rằng đây là cơ hội để nhìn lại và bản thân các DN phải thay đổi, chuyển hướng từ kinh doanh, làm việc trực tiếp sang hình thức làm việc từ xa, bán hàng online để tiết kiệm chi phí. Từ đó khi dịch bệnh đi qua thì phương thức kinh doanh online hay TMĐT sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Mua sắm trực tuyến tiện lợi cho người dùng

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á - Việt Nam 2019 (e-Conomy SEA 2019) do Google, Temasek và Bain&Company công bố cho thấy nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận đạt giá trị 12 tỉ USD năm 2019, bao gồm các lĩnh vực TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Như vậy từ mức có giá trị chỉ 3,8 tỉ USD vào năm 2015, đến nay kinh tế số của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho rằng không nhận thấy bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào giữa tình hình bùng nổ dịch bệnh Covid-19 và sự gia tăng sức mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hiện người Việt Nam được khuyến khích hạn chế di chuyển đến những nơi đông đúc và thực tế cho thấy, việc mua sắm trực tuyến mang đến cho người dùng sự tiện lợi trong việc sở hữu các mặt hàng thiết yếu mà không cần rời khỏi nhà. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.