Tuy nhiên, dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 vẫn chưa đưa ra được phương án tối ưu về vấn đề quan trọng này.
Không ít bất cập và mờ nhạt
Luật Thanh niên năm 2005 chưa quy định cụ thể bộ, ngành nào làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên (TN). Đến năm 2008, Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Bộ Nội vụ, nhưng 3 năm sau thì Bộ Nội vụ mới có bộ máy chuyên trách thực hiện. Theo đó, ở các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có Phòng Công tác TN thuộc Sở Nội vụ (với 2 - 5 biên chế); ở cấp huyện, phòng Nội vụ có 1 biên chế chuyên trách về công tác TN; đối với cấp xã, nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN được giao cho công chức văn phòng - thống kê thực hiện. Tuy nhiên, đến năm 2014, Bộ Nội vụ lại cho sáp nhập Phòng công tác TN vào Phòng Xây dựng chính quyền thành Phòng Xây dựng chính quyền và công tác TN.
Theo báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành luật TN của Bộ Nội vụ thì sau khi sáp nhập, nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN chưa thực sự được quan tâm, nhất là việc đầu tư nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với TN. Do vậy, nhiệm vụ này ở một số địa phương dần bị mờ nhạt mà chỉ tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính quyền cơ sở. Thậm chí, một số địa phương chỉ bố trí công chức kiêm nhiệm.
Phải là luật cho thời kỳ chấn hưng đất nướcTôi xin phép được nhấn mạnh: Luật TN không chỉ là luật của TN mà là luật cho thời kỳ chấn hưng đất nước. Luật này phải dành hẳn một chương Quản lý nhà nước về công tác TN, trong đó có điều luật về việc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác TN, giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ; UBQGVTN VN; các bộ ngành, UBND các cấp. Bộ Nội vụ có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác TN; UBQGVTN VN có trách nhiệm thường trực của ủy ban, thực hiện phối hợp liên ngành về công tác TN trong mối quan hệ chặt chẽ thường xuyên với Đoàn TN và các tổ chức TN theo quy định luật này; Các bộ ngành, UBND các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lý nhà nước và triển khai các chương trình, dự án nhà nước giao.
Trình bày như trên sẽ thấy rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác TN được Chính phủ giao cho cơ quan nào, không phải giao cho tất cả các bộ ngành như dự thảo. Bộ Nội vụ có 4 việc chính, được Chính phủ giao và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Như vậy là đủ. Bộ không nên đi vào các mảng hoạt động thuộc công tác TN (dự thảo quy định quá nhiều việc nhưng không phải là việc quản lý nhà nước); phải để cho các tổ chức TN năng động hơn, sáng tạo hơn, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của TN. Đặc biệt, UBQGVTN VN - bản thân tên gọi của nó đã là cơ quan chuyên trách của Chính phủ về công tác TN rồi. Chúng ta hãy căn cứ vào quyết định của Chính phủ thành lập UBQGVTN VN thì thấy rõ. Đó là một cơ quan phối hợp liên ngành để trực tiếp giúp Chính phủ về công tác TN. Đó chính là cơ quan chuyên trách công tác TN của Chính phủ.
Luật sư Vũ Trọng Kim (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN)
|
Cũng theo báo cáo, sau khi sáp nhập, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về TN biên chế chỉ còn từ 1 - 2 người. Hầu hết đội ngũ đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN trước đây được điều động sang làm công tác khác vì nhiều lý do khác nhau. Những công chức thuộc Phòng Xây dựng chính quyền và công tác TN được phân công lãnh đạo phụ trách và công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN chủ yếu là người mới nên lúng túng, bị động trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN.
Báo cáo này cũng cho biết, công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực thi luật TN chưa được thực hiện có hiệu quả, chưa thường xuyên, liên tục và thiếu sự chỉ đạo thống nhất. Việc kiểm tra chuyên đề về công tác thi hành luật TN chưa thực hiện mà chủ yếu là lồng ghép trong các đợt kiểm tra của Đoàn TN hoặc của Ủy ban Quốc gia về TN VN (UBQGVTN VN).
Cũng theo báo cáo này, việc tổ chức thi hành luật TN trong thời gian qua còn có xu hướng trông đợi vào các hoạt động đề xuất của tổ chức Đoàn TN, thiếu tính chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa có sự vào cuộc chung của các bộ, ngành…
Cần mô hình phù hợp
Do việc quản lý nhà nước về TN còn nhiều bất cập, kém hiệu quả đặc biệt là công tác tổ chức và cán bộ, nên khi thảo luận và phản biện về dự thảo luật TN (sửa đổi) được trình Quốc hội (QH) lần này, có nhiều ý kiến chưa thống nhất với quy định “Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN” với 7 nhiệm vụ.
Theo báo cáo thẩm tra dự án luật TN (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau: Có một số ý kiến đồng ý với dự thảo luật giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN; tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, cần nghiên cứu để giao nhiệm vụ này cho một bộ khác có chức năng và hoạt động phù hợp hơn, gắn với TN nhiều hơn.
Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thanh niên nghe rất khập khiễngDường như có gì đó chưa ổn trong quản lý nhà nước về công tác TN khi nhiệm vụ này lại được giao cho Bộ Nội vụ. Vì ngay từ khi thành lập vào năm 2002, chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ chủ yếu gắn với lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; quản lý địa giới hành chính rồi cán bộ công chức, viên chức; văn thư lưu trữ… Bên cạnh đó, TN là một trong những lực lượng đông đảo nhất của xã hội, quyết định tương lai của cả quốc gia, dân tộc; trong khi hiện nó chỉ được quản lý bởi Vụ Công tác TN, một trong 25 đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ thì dường như chưa xứng tầm. Tôi cho rằng, những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về TN, đặc biệt là phát triển, thúc đẩy công tác TN trong những năm qua có nguyên nhân bắt nguồn từ điều này.
Cần nghiên cứu để giao công tác quản lý nhà nước về TN cho một cơ quan khác phù hợp hơn. Thậm chí, có thể giao cho Đoàn TN hay UBQGVTN VN. Mặc dù Đoàn TN là tổ chức chính trị xã hội nhưng hoàn toàn có thể thiết kế cơ chế phù hợp để Đoàn TN chủ động tham gia nhiều hơn trong công tác quản lý nhà nước về TN. Không nhất thiết cứ phải bộ ngành mới được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong khi khó giải quyết được vấn đề. Cứ cứng nhắc quản lý nhà nước mà chưa thúc đẩy, chưa giải quyết được công việc thì phải tính lại. Còn nếu như tổ chức chính trị xã hội mà làm hiệu quả hơn, được cho phong trào của TN thì hoàn toàn có thể có cơ chế tham gia được chứ không nhất thiết phải câu nệ.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai)
|
Báo cáo cho biết, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không nên quy định giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác TN cụ thể cho bộ nào; chỉ nên quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác TN, căn cứ vào tình hình thực tế Chính phủ phân công cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TN. Một số ý kiến đề nghị thành lập một bộ mới có nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TN trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không phát sinh biên chế và phát huy được vai trò của Đoàn TN.
Trước các ý kiến trên, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH và Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc nội dung này để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác TN, có báo cáo đánh giá tác động cụ thể về từng phương án để trình xin ý kiến QH. Tuy nhiên, trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến với Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH, ban soạn thảo vẫn chưa đưa ra các phương án khác để QH xem xét mà vẫn quy định theo hướng “Giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TN”. (còn tiếp)
Bình luận (0)